Doanh nghiệp nội cũng chuyển giá

Không ít doanh nghiệp nội đăng ký trụ sở tại những vùng được ưu đãi đầu tư để lách thuế.

Không ít doanh nghiệp nội đăng ký trụ sở tại những vùng được ưu đãi đầu tư để lách thuế.

 

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về chủ đề chống chuyển giá được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/10, ông Vũ Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết không chỉ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mà nhiều công ty nội cũng có những thủ thuật, hành vi nhằm chuyển giá, trốn thuế.

Ông Phụng phân tích, Việt Nam có 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, trong Luật Đầu tư đều có những quy định ưu đãi đối với một số doanh nghiệp ở địa bàn, lĩnh vực khó khăn. Và thực tế không ít doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại vùng ưu đãi nhưng lại hoạt động tại các vùng khác để hưởng ưu đãi thuế.

"Chúng tôi phải xây dựng dữ liệu đầy đủ để quản lý sát sao cả những nhóm doanh nghiệp có hoạt động trải dài ở nhiều tỉnh, thành để tránh tình trạng nêu trên", ông Phụng nói.

Theo Tổng cục Thuế, 8 tháng đầu năm 2014, khi thanh tra, kiểm tra tại hơn 39.000 doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1.000 tỷ đồng, giảm lỗ lên tới trên 4.000 tỷ đồng. Ông Phụng nhận định, chuyển giá là vấn đề của toàn cầu trong quản lý thuế, chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Với nhóm doanh nghiệp FDI, ngành thuế xác định một số dấu hiệu nghi vấn để tiến hành thanh, kiểm tra. Cụ thể như những đơn vị có công ty mẹ ở nước ngoài, báo lỗ liên tục nhưng vẫn đầu tư, quảng bá nhiều nhưng không hiệu quả, có sử dụng vốn vay khi đầu tư vào Việt nam hoặc những doanh nghiệp đóng trụ sở tại những quốc gia được coi là thiên đường thuế (có mức thuế thấp)...

Đồng tình với quan điểm trên, song ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, phải có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp chuyển giá để xem xét xử lý theo pháp luật, không thể chụp mũ những doanh nghiệp thua lỗ là có hiện tượng chuyển giá.

Theo ông Hoàng, việc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ mà mở rộng sản xuất là rất bình thường. Bởi lẽ, do lỗ nên doanh nghiệp cần phải huy động vốn để mở rộng sản xuất nhằm thay đổi phương thức kinh doanh. Thực tế có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong chiến lược kinh doanh còn xây dựng hẳn kế hoạch thua lỗ trong nhiều năm đầu tiên để chiếm lĩnh thị trường.

"Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý Nhà nước phải chứng minh được các doanh nghiệp đó có thực sự chuyển giá hay không? Cơ quan Thuế chỉ có thể đưa ra kết luận khi đã thu thập được thông tin đầy đủ và toàn diện về các hoạt động thực tế của doanh nghiệp, và thường là sau thanh tra, kiểm tra thì mới có kết luận", ông Hoàng nói.

Các tin khác