Tiềm năng Udon Thani

Từ ngày 12 đến 15-11, Hiệp hội DN TPHCM phối hợp với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình “Gặp gỡ doanh nhân TPHCM với doanh nhân kiều bào tại Viêng-chăn (Lào) và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan”. Trước thềm chuyến đi, một số DN đã gặp gỡ các đại diện DN Thái Lan, cũng như DN Việt Nam làm ăn tại vùng Udon Thani (một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan) để nhìn nhận về tiềm năng của thị trường Udon Thani nói riêng. ĐTTC ghi lại ý kiến của một số DN.

Từ ngày 12 đến 15-11, Hiệp hội DN TPHCM phối hợp với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình “Gặp gỡ doanh nhân TPHCM với doanh nhân kiều bào tại Viêng-chăn (Lào) và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan”. Trước thềm chuyến đi, một số DN đã gặp gỡ các đại diện DN Thái Lan, cũng như DN Việt Nam làm ăn tại vùng Udon Thani (một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan) để nhìn nhận về tiềm năng của thị trường Udon Thani nói riêng. ĐTTC ghi lại ý kiến của một số DN.

Ông NGUYỄN VĂN TOÀN, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công nghệ và đầu tư Delta:

Sẽ thay thế Bangkok

Vào năm 2015, khi Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) được thành lập, song hành với việc hàng hóa trong khu vực sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, các DN Việt Nam cũng phải tính đến việc đưa hàng hóa của mình thâm nhập sâu vào các nước trong khu vực.

Theo kinh nghiệm của tôi, Thái Lan là một nền kinh tế lớn trong ASEAN và người tiêu dùng khá dễ tính, nên việc đưa hàng hóa vào thị trường này cũng hết sức quan trọng. Tại Thái Lan, tỉnh Udon Thani đang dần chiếm một vị trí quan trọng. Đây là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng tiếp giáp với Lào và sẽ là cửa khẩu quan trọng của AEC vào thị trường gần 1,3 tỷ người của Trung Quốc.

Theo Reuters, nếu AEC được thành lập (dự kiến vào cuối năm 2015), Udon Thani có thể trở thành trung tâm phân phối sản phẩm lớn, thậm chí thay thế Bangkok trên bản đồ kinh tế Thái Lan. Ngoài ra, theo tìm hiểu của tôi, chi phí kinh doanh tại đây thấp hơn Bangkok. Đó chính là lý do tôi nghĩ các DN Việt Nam nên tìm hiểu và thâm nhập thị trường này.

Hiện chưa có nhiều DN Việt Nam làm ăn tại đây, nhưng người tiêu dùng lại có ấn tượng rất tốt về hàng hóa của Việt Nam nên đây chính là cơ hội để đưa hàng Việt vào. Hiện nay, chi phí nhân công của Thái Lan đang cao hơn Việt Nam nên những sản phẩm thuộc ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày hay đồ gỗ… hoàn toàn có thể thâm nhập thị trường.

Với vai trò là đại diện tại Việt Nam của Trung tâm Thương mại 168 Platinum (trung tâm thương mại mới tại Udon Thani), chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ các DN Việt Nam muốn kinh doanh tại thị trường này. Cụ thể, chúng tôi có thể cung cấp cho DN danh sách các nhà bán lẻ trong tỉnh Udon Thani và các vùng lân cận.

Ngoài ra, với những DN muốn kiểm tra, tìm hiểu thử thị trường, vào khoảng giữa tháng 11 này đến tháng 2 năm sau 168 Platinum có tổ chức hội chợ mùa đông, đây là hội chợ hoàn toàn miễn phí, các DN có thể đăng ký tham dự và mang hàng hóa của mình giới thiệu tại Udon Thani.

Ông VICHARN TANTISIRIROJ, TGĐ Công ty TNHH T.V.L Group, Phó Chủ tịch Hội Thương mại bán buôn, bán lẻ Thái Lan:

Đừng ngại cạnh tranh

Có thể nhìn nhận lâu nay hàng Thái Lan tràn sang Việt Nam rất nhiều và thực tế người tiêu dùng Việt Nam cũng rất ưa chuộng hàng Thái. Song không vì thế các DN Việt Nam nghĩ rằng không thể cạnh tranh với hàng Thái Lan. Chẳng hạn như bánh kẹo, hàng Việt khó cạnh tranh với hàng Thái nhưng về các sản phẩm như may mặc DN Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.

Ở Thái Lan hiện nay, Udon Thani đang được xem là một khu vực có tốc độ phát triển nhanh, có đường đi thuận lợi đến nhiều vùng khác của Thái Lan cũng như một số nước trong khu vực ASEAN như Lào. Cơ hội kinh doanh là rất lớn. Mới đây nhất, tôi cũng mời một đoàn các anh chị trong nhóm BNI Việt Nam (Business Network International) qua tìm hiểu thị trường Udon Thani cũng như một số vùng Đông Bắc Thái Lan.

Đồ gỗ Việt Nam có nhiều khả năng thâm nhập thị trường Thái Lan. Ảnh: CAO THĂNG

Đồ gỗ Việt Nam có nhiều khả năng thâm nhập thị trường Thái Lan. Ảnh: CAO THĂNG

Là một doanh nhân gốc Việt, tôi rất mong muốn có cơ hội hỗ trợ các DN Việt Nam sang tìm hiểu làm ăn tại 2 thị trường Lào và Thái Lan mà cụ thể là vùng Đông Bắc Thái Lan, những khu vực tôi có bề dày kinh nghiệm làm ăn.

Tôi nghĩ một trong những lý do hàng Việt chưa vào sâu tại Udon Thani là chưa tìm được đối tác, trong chuyến viếng thăm sắp tới của đoàn DN Việt Nam tôi rất sẵn lòng giới thiệu các DN thành công, các đối tác tại đây cho DN Việt. Ngoài ra, tại Udon Thani tôi và một người bạn có một khu trung tâm thương mại, nếu DN nào có nhu cầu đưa hàng qua bán thì thời gian đầu chúng tôi có thể miễn phí hoặc chỉ thu một khoản phí rất nhỏ để hỗ trợ các DN Việt.

Hiện nay tôi cũng đang mở một văn phòng tại Việt Nam để nghiên cứu đưa những sản phẩm phù hợp của Việt Nam sang Thái Lan. Trong dịp gặp ngài tỉnh trưởng tỉnh Udon Thani tôi cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ cho các DN Việt Nam sang làm ăn tại đây. Tôi nghĩ doanh nhân Việt Nam rất năng động, vì thế không có lý do gì chúng ta không thể đưa hàng sang những vùng tiềm năng như vậy.

Các tin khác