Dự thảo Luật Đầu tư: Sửa đổi vẫn thiếu sót

Dự thảo Luật Đầu tư có nhiều điểm mới, tiến bộ đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho luật này vừa tổ chức tại TPHCM, dự thảo vẫn còn tồn tại bất cập và thiếu sót.

Dự thảo Luật Đầu tư có nhiều điểm mới, tiến bộ đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho luật này vừa tổ chức tại TPHCM, dự thảo vẫn còn tồn tại bất cập và thiếu sót.

Bất bình đẳng DN nội và ngoại

 

Theo LS. Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định, dự thảo lần này đã có sự cải cách đáng kể về thủ tục đầu tư. Như Điều 22 của dự thảo bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư, trừ dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Quy định này áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo cơ chế thông thoáng trong việc khuyến khích đầu tư. Cải cách này cũng được giới chuyên gia và đại diện DN đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số quy định quanh thủ tục đầu tư vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Ông Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng việc phân biệt thủ tục đầu tư trong nước và nước ngoài đã tạo ra môi trường đầu tư bất bình đẳng.

Đó là việc nhà đầu tư trong nước phải qua nhiều trình tự, thủ tục khá khó khăn, trong khi chính sách dành cho nhà đầu tư nước ngoài thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, quy định cơ quan quản lý cấp giấy phép cho DN là không phù hợp, dễ tạo cơ chế xin-cho và hàng loạt giấy phép con ra đời.

Bởi lẽ, trên thực tế quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mỗi địa phương đưa ra quy định riêng của mình, gây nhiều khó khăn cho DN. “Việc cấp giấy phép kinh doanh cho DN cần giao hiệp hội ngành nghề, thay vì cơ quan hành chính nhà nước như hiện nay. Như vậy mới phù hợp và minh bạch hơn” - ông Khoa nói.

Liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo LS. Trần Văn Trí, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sài Gòn Phú Sỹ, nên quy định báo cáo tài chính 1 năm gần nhất thay vì 2 năm như dự thảo để mở rộng quyền cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, nên bỏ quy định về địa điểm thực hiện dự án đầu tư ở Điểm đ, Khoản 1, Điều 34 bắt buộc nhà đầu tư dù chưa nhận được giấy chứng nhận đầu tư vẫn phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để thuê địa điểm đặt trụ sở, bởi sẽ gây khó cho nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư sẽ chỉ cung cấp địa chỉ trụ sở dự định. Việc công ty sau thành lập có triển khai hoạt động đúng địa chỉ đã đăng ký hay không thuộc về trách nhiệm của cơ quan thuế.

Cần quy định dễ hiểu, dễ thực hiện

Luật không chỉ đơn thuần là cơ sở để nhà lập pháp sử dụng quản lý xã hội, mà luật ban hành để cho dân đọc, hiểu và tuân thủ. Trên nguyên lý đó, luật phải được viết ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu.

TS. Phạm Văn Chắt,
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng dự thảo phải làm rõ các khái niệm một số chế định trong luật, như DN công nghệ cao, DN nhỏ và vừa, DN tổ chức khoa học và công nghệ. Đây là những thuật ngữ khá quan trọng, bởi lẽ nó là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Thế nhưng điều này không được giải thích rõ ràng, cụ thể trong dự luật, sẽ tạo nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau trên thực tế.

Mặt khác, theo các chuyên gia, tiêu chí hưởng ưu đãi trên phải do chính luật này quy định, không thể bị tách rời bởi quy định khác giao cho Chính phủ. Đứng ở phương diện khoa học pháp lý, quy định không rõ ràng sẽ làm giảm hiệu lực tối cao của văn bản luật theo hiến định do Quốc hội ban hành.

Một vấn đề trọng tâm cũng được các chuyên gia đem ra mổ xẻ tại hội thảo là một số chế định trong dự thảo còn thiếu tính minh bạch, chi tiết. Cụ thể, đối với các quy định về hồ sơ đối với trình tự chấp thuận chủ trương đầu tư ở các Điều 29, Điều 30, Điều 31, cần quy định hồ sơ hợp lệ và hướng dẫn chi tiết thế nào là hồ sơ hợp lệ thay vì chỉ quy định hồ sơ.

Bởi lẽ, nếu luật chỉ quy định chung chung sẽ tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước cố tình gây khó cho DN trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, như trả lại hồ sơ với lý do hồ sơ không hợp lệ, nhưng không giải thích để DN hiểu thế nào là hồ sơ hợp lệ. Ngoài ra, cần quy định rõ Chính phủ, Quốc hội, UBND tỉnh, thành phố công bố chủ trương đầu tư theo định kỳ, giúp nhà đầu tư biết chủ trương về địa điểm, ngành nghề tại địa phương đó để xin giấy phép đơn giản hơn.

Bởi lẽ, hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết nên mỗi địa phương có một chủ trương đầu tư khác nhau, đã tạo lực cản cho nhà đầu tư trong việc xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tương tự, vấn đề ký quỹ cũng không được quy định rõ trong Luật Đầu tư dẫn đến có sự bất nhất trong việc áp dụng mức ký quỹ ở mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho ý kiến về việc triển khai Luật Đầu tư công. Theo đó, cần đổi mới cơ chế chính sách, đa dạng hóa hình thức đầu tư (BOT, BT, PPP), phát triển mạnh thị trường vốn trong nước và chủ động tham gia thị trường vốn quốc tế, huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.

Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, logistics, nhất là các công trình có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế vùng và cả nước. Tăng cường phân cấp và xã hội hóa việc khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị và chất lượng tín dụng; giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống.

Hoàn thành Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phát triển thị trường mua bán nợ. Có cơ chế phù hợp để hoàn thiện chức năng, tăng thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Bảo đảm đến hết năm 2015 đưa nợ xấu về mức khoảng 3% như kế hoạch đề ra.

Các tin khác