EUR-15 năm thăng trầm (K1): Từ tiền ảo thành tiền mạnh

Trở thành đồng tiền chung của Liên minh châu Âu (EU) ngày 1-1-1999, euro (EUR) đang là đồng tiền chính thức của 18 nước Eurozone với hơn 332 triệu dân. Từ ngày chào đời, EUR đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tồi tệ, những kỳ vọng buổi ban đầu giờ hầu như không còn nữa. Thậm chí, một số nước thành viên từng tính đến chuyện rời bỏ đồng tiền chung.

Trở thành đồng tiền chung của Liên minh châu Âu (EU) ngày 1-1-1999, euro (EUR) đang là đồng tiền chính thức của 18 nước Eurozone với hơn 332 triệu dân. Từ ngày chào đời, EUR đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tồi tệ, những kỳ vọng buổi ban đầu giờ hầu như không còn nữa. Thậm chí, một số nước thành viên từng tính đến chuyện rời bỏ đồng tiền chung.

Dù trở thành đồng tiền chung từ năm 1999, nhưng EUR lúc đó chỉ là tiền ảo, tức vẫn tồn tại dưới hình thức phi tiền mặt, chỉ dùng trong các giao dịch thị trường chứng khoán và các tài khoản ngân hàng Eurozone. 3 năm sau, ngày 1-1-2002, EUR mới thực sự trở thành đồng tiền thật. Dù vậy, EUR chỉ mất 5 năm để trở thành đồng tiền dự trữ thứ 2 toàn cầu sau USD, cũng là ngoại tệ được sử dụng nhiều trong mậu dịch xuyên biên giới.

Tham vọng chính trị

Năm 1970, lần đầu tiên ý tưởng về một liên minh tiền tệ châu Âu được cụ thể hóa. Trong kế hoạch Werner, Thủ tướng Luxembourg, Pierre Werner, đã cùng nhiều chuyên gia soạn thảo một Liên minh Kinh tế và Tiền tệ châu Âu với tiền tệ thống nhất (Eurozone). Nhưng cùng với sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods, dự tính thành lập liên minh này đã thất bại.

Thay vào đó, Liên minh tỷ giá hối đoái châu Âu được thành lập vào năm 1972 và sau đó là Hệ thống tiền tệ châu Âu vào năm 1979. Hệ thống tiền tệ châu Âu có nhiệm vụ ngăn cản việc các tiền tệ quốc gia dao động quá mạnh. Đơn vị tiền tệ châu Âu (ECU) ra đời vì mục đích này và có thể xem là tiền thân của EUR. Năm 1988 một ủy ban xem xét về liên minh kinh tế và tiền tệ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jacques Delors, đã soạn thảo báo cáo Delors, dự định thành lập Eurozone qua 3 bước.

 Theo Wikipedia, hiện có tới 22 nước và vùng lãnh thổ neo trực tiếp nội tệ vào tỷ giá EUR, trong đó có 13 nước ở lục địa châu Phi, 2 nước ở các đảo châu Phi, 3 vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của Pháp, 2 nước Balkan, Bosnia và Macedonia. Ngoài ra, trong EU cũng có vài nước neo nội tệ vào EUR (không trực tiếp). Tính đến năm 2013, tổng cộng có 182 triệu người ở châu Phi dùng đồng tiền neo EUR, 27 triệu người ở châu Âu ngoài Eurozone và thêm 545.000 người ở các đảo trên Thái Bình Dương.

Bước đầu tiên bắt đầu vào ngày 1-7-1990, việc lưu chuyển vốn được tự do hóa giữa các nước trong EU. Vào ngày 1-1-1994 bước thứ 2 bắt đầu: Viện Tiền tệ châu Âu, tiền thân của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), được thành lập và tình trạng ngân sách quốc gia của các nước thành viên bắt đầu được xem xét.

Ngoài ra, vào ngày 16-12-1995 Hội đồng châu Âu tại Madrid (Tây Ban Nha) đã quyết định tên của loại tiền tệ mới là EUR. Ngày 13-12-1996, các bộ trưởng tài chính của EU đi đến thỏa thuận về Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng nhằm bảo đảm các nước thành viên giữ kỷ luật về ngân sách, qua đó bảo đảm giá trị của tiền tệ chung. Bước thứ 3 bắt đầu có hiệu lực cùng với cuộc họp của Hội đồng châu Âu từ ngày 1 đến 3-5-1998, xác định 11 quốc gia thành viên của Eurozone theo các tiêu chuẩn được quy định trước đó.

Ngày 1-1-1999, tỷ lệ hối đoái giữa EUR và các đơn vị tiền tệ quốc gia được quy định không thể thay đổi và EUR trở thành tiền tệ chính thức của Eurozone. Ngay hôm sau, ngày 2-1, các thị trường chứng khoán tại Milano (Italia), Paris (Pháp) và Frankfurt am Main (Đức) đã định giá tất cả chứng khoán bằng EUR. Một thay đổi khác có liên quan với thời điểm đưa EUR vào sử dụng là việc thay thế cách ghi giá cho ngoại tệ.

Thêm vào đó, từ ngày 1-1-1999 người ta có thể chuyển khoản bằng EUR. Các tài khoản và sổ tiết kiệm được phép ghi bằng EUR và tiền cũ. Cổ phiếu và các chứng khoán khác chỉ được phép mua bán bằng EUR. Việc phát hành EUR đến người tiêu dùng bắt đầu vào ngày 1-1-2002. Trong 2 hoặc 6 tháng sau đó, EUR và các nội tệ cũ tồn tại song song như là tiền tệ chính thức. Hết thời hạn đó, các loại nội tệ cũ không còn là tiền tệ chính thức nữa nhưng vẫn có thể được đổi lấy EUR tại ngân hàng quốc gia các nước, tùy theo quy định của từng nước.

Vị thế EUR

Giới lãnh đạo EU kỳ vọng việc đưa EUR vào lưu hành sẽ củng cố thương mại và cộng tác kinh tế giữa các thành viên trong Eurozone vì các rủi ro về tỷ giá hối đoái, kèm theo đó là việc bảo hộ tiền tệ của các doanh nghiệp châu Âu sẽ không còn tồn tại nữa.

Họ cũng tin rằng việc này sẽ mang lại lợi thế cho người dân trong Eurozone, bởi trong quá khứ, thương mại là một trong những nguồn chính của tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, người ta kỳ vọng giá cả sản phẩm và dịch vụ sẽ không còn chênh lệch nhiều trong khu vực. Điều này dẫn đến cạnh tranh mạnh hơn giữa các doanh nghiệp và vì thế sẽ làm giảm lạm phát và tăng sức mua người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học bày tỏ lo ngại về những nguy hiểm của đồng tiền tệ chung cho một vùng kinh tế không đồng nhất và rộng lớn như Eurozone, đặc biệt khi các nền kinh tế phát triển không đồng bộ sẽ tạo khó khăn cho một chính sách tiền tệ thích ứng. Về mặt chính trị, vẫn còn câu hỏi liệu ECB và Ủy ban châu Âu có khả năng kiềm chế các nước thành viên giữ kỷ luật ngân sách quốc gia hay không.

Trên thực tế, người tiêu dùng cho rằng hàng hóa và dịch vụ đã tăng giá khi EUR được đưa vào sử dụng. Tại Đức, một nguyên nhân là do một số nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ đã cố tình không dùng tỷ giá chính xác giữa đồng Mark Đức và EUR khi tính toán chuyển đổi, phần khác giá đồng Mark được nâng lên một ít trước khi đưa EUR vào sử dụng, để sau đó thông qua tính toán tỷ giá chuyển đổi có thể làm tròn số giá bán.

Tuy nhiên, theo các thống kê chính thức giá tăng không đáng kể. Theo Statistik Austria (Tổng cục Thống kê Liên bang Áo), dựa trên chỉ số giá tiêu dùng, tỷ lệ lạm phát tăng trung bình ở Áo 2,45% trong vòng 12 năm (1987-1998), trong khi đó tỷ lệ lạm phát trung bình giảm xuống còn 1,84% sau khi đưa EUR vào lưu hành. Tại Đức, lạm phát trung bình đã giảm từ 2,60% (trước khi đưa EUR vào sử dụng) xuống còn 1,29% sau đó.

EUR từng là đồng tiền sáng giá.

EUR từng là đồng tiền sáng giá.

Theo một nghiên cứu của ECB, tỷ lệ sử dụng EUR trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu tăng từ 13% năm 2001 lên 16,4% năm 2002 và đạt 18,7% trong năm 2003. Cũng trong thời gian này, tỷ lệ dự trữ của USD giảm từ 68,3% năm 2001 xuống 67,5% năm 2002 và trong năm 2003 còn 64,5%.

Trước khi xảy ra khủng hoảng đồng EUR, người ta tin rằng tầm quan trọng của USD trong vai trò tiền tệ dự trữ thế giới sẽ tiếp tục giảm và EUR sẽ ngày càng quan trọng hơn trong chức năng này. Tầm quan trọng ngày càng tăng của EUR cũng thể hiện qua một khía cạnh khác: Trong năm 1999, 21,7% các giấy nợ quốc tế được tính bằng EUR, năm 2001 tăng lên mức 27,4% và năm 2003 là 33%.

Năm 2004, USD đã chấm dứt vai trò là tiền tệ quan trọng nhất cho các loại trái phiếu và công trái với lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Cuối tháng 9-2004 có trên 12.000 tỷ USD trái phiếu và công trái quốc tế lưu hành trên toàn thế giới. Trong đó có 5.400 tỷ EUR, 4.800 tỷ USD, 880 tỷ bảng Anh, 500 tỷ yen Nhật Bản và 200 tỷ franc Thụy Sĩ.

Tỷ lệ của USD trong tổng số tiền gửi tại các tài khoản của các quốc gia trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giảm từ 75% trong mùa hè 2001 xuống còn 61,5% trong mùa hè 2004. Tỷ lệ tiền EUR tăng trong cùng khoảng thời gian từ 12% lên 20%. Trong năm 2003 tỷ lệ mua bán EUR trên các thị trường ngoại tệ 25% so với 50% của USD và 10% cho 2 loại tiền bảng Anh và yen Nhật. EUR vì vậy là tiền tệ quan trọng đứng thứ 2 lúc đó.

(Còn tiếp)

Các tin khác