Cảng Long Thành: Chưa thể hiện tính cấp bách, thuyết phục

Hôm qua 29-10, siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Cảng Long Thành)  chính thức được đưa ra Quốc hội để xem xét về chủ trương đầu tư. Với quy mô đầu tư lớn (lên tới 18,7 tỷ USD cho cả 3 giai đoạn, riêng giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD, tương đương 164.589 tỷ đồng), nhưng tờ trình Chính phủ đưa ra cho thấy còn thiếu nhiều yếu tố cần và đủ.

Hôm qua 29-10, siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Cảng Long Thành)  chính thức được đưa ra Quốc hội để xem xét về chủ trương đầu tư. Với quy mô đầu tư lớn (lên tới 18,7 tỷ USD cho cả 3 giai đoạn, riêng giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD, tương đương 164.589 tỷ đồng), nhưng tờ trình Chính phủ đưa ra cho thấy còn thiếu nhiều yếu tố cần và đủ.

Không ảnh hưởng đến nợ công?

Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT), số liệu thống kê cho thấy lượng vận chuyển hàng không thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) có xu hướng tăng trưởng mạnh và ổn định qua các năm. Trong đó lượng hành khách tăng trưởng bình quân từ 11,5% đến 13,8% giai đoạn 1995-2013 và 13,8% giai đoạn 2004-2013; hàng hóa tăng 12,1% giai đoạn 1995-2013 và 8,3% giai đoạn 2004-2013. Như vậy, TSN sẽ đạt hết công suất 25 triệu khách/năm vào năm 2016 và trở nên quá tải vào các năm sau đó.

Cảng Long Thành: Chưa thể hiện tính cấp bách, thuyết phục ảnh 1Trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế đất nước, còn khó khăn đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm xây dựng Cảng Long Thành...Cảng Long Thành: Chưa thể hiện tính cấp bách, thuyết phục ảnh 2
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế đất nước, còn khó khăn đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm xây dựng Cảng Long Thành...

Trong khi đó, để nâng được công suất TSN lên 40-50 triệu hành khách/năm phương án duy nhất là xây dựng thêm nhà ga hành khách công suất 15-25 triệu hành khách/năm; 1 đường cất hạ cánh; cùng các công trình phụ trợ và hệ thống đường lăn kết nối. Tổng chi phí theo phương án này ước tính 9,1 tỷ USD và phải di dời, giải tỏa 140.000 hộ dân, chưa kể chi phí quy hoạch lại hạ tầng, hệ thống giao thông khu vực quanh sân bay...

Bên cạnh đó, việc cải tạo sân bay quân sự Biên Hòa (cách TPHCM khoảng 25km) thành cảng hàng không quốc tế hỗ trợ cho TSN lại không khả thi do nhiệm vụ chiến lược đảm bảo an ninh, cùng với chi phí lên đến 7,5 tỷ USD và phải giải tỏa 6.000 hộ dân.

Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng, việc đầu tư xây dựng Cảng Long Thành là cần thiết để thực hiện nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế đất nước và năng lực cạnh tranh của ngành hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.

Cảng hàng không này còn có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội do nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực TPHCM đang chiếm 46% lượng hành khách cả nước đi bằng đường hàng không; đảm bảo thời gian tiếp cận sân bay 40-50 phút…

Ngày 28-10, Chính phủ có văn bản giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng Long Thành. Tổng mức khái toán đầu tư 3 giai đoạn của dự án 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 164.589 tỷ đồng (vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ và ODA 84.624 tỷ đồng, vốn khác l79.965 tỷ đồng).

Đánh giá tác động nợ công của dự án, báo cáo của Chính phủ cho biết với mức vốn vay ODA khoảng 2,27 tỷ USD cho giai đoạn 1 (theo cơ chế Chính phủ vay, doanh nghiệp vay lại và tự trả nợ), trên cơ sở kế hoạch giải ngân dự kiến từng năm, tác động các khoản vay dự án lên GDP là “không đáng kể” trong giai đoạn 2016-2019; đến năm 2022, tác động nợ công của khoản vay ODA/GDP khoảng 0,091% và đến năm 2026 là 0,016%.

Đánh giá khả năng trả nợ vốn ODA, báo cáo Chính phủ cho biết với lãi suất cơ bản 0,51%/năm, thời gian ân hạn 10 năm và trả nợ 30 năm, kết quả phân tích cho thấy dòng tiền dùng để trả nợ thấp hơn số tiền nợ phải trả trong các năm đầu. Tuy nhiên, trong các năm sau, số tiền trả nợ sẽ cao hơn nợ phải trả, nhưng dự án có thể hoàn trả lại vốn vay ODA.

Báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra một số khó khăn sẽ gặp phải, như nền kinh tế thế giới phục hồi chậm sau khủng hoảng sẽ gây khó khăn trong huy động vốn ODA và vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài; còn trong nước, nền kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn nên việc huy động một lượng vốn lớn để thực hiện các công việc, hạng mục bắt buộc phải dùng ngân sách nhà nước là trở ngại đáng kể.

Chưa đáp ứng điều kiện cần và đủ

Trong khi đó, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, cho biết tại phiên họp toàn thể của cơ quan này ngày 23-10 với 19/19 ý kiến tán thành chủ trương đầu tư xây dựng Cảng Long Thành nhưng nhiều ý kiến đề nghị làm rõ các nội dung liên quan.

Thứ nhất, việc xây dựng Long Thành là cảng hàng không nhằm mục đích trung chuyển hành khách, hàng hóa của khu vực và quốc tế, mà chỉ vì mục tiêu giải quyết năng lực vận tải cho TSN và phát triển vận chuyển hàng không bình thường (không nhằm mục đích trung chuyển), thì hệ thống 7 cảng hàng không quốc tế hiện tại có thể đáp ứng nhu cầu.

Cảng Long Thành: Chưa thể hiện tính cấp bách, thuyết phục ảnh 4Việc đầu tư xây dựng Cảng Long Thành là cần thiết để thực hiện nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế đất nước và năng lực cạnh tranh của ngành hàng không...
Cảng Long Thành: Chưa thể hiện tính cấp bách, thuyết phục ảnh 5
Việc đầu tư xây dựng Cảng Long Thành là cần thiết để thực hiện nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế đất nước và năng lực cạnh tranh của ngành hàng không...

Thứ hai, quy mô quy hoạch của TSN là 1.500ha, trong khi mới sử dụng 590ha cho mục đích dân sự. Nếu sử dụng diện tích sân golf (khoảng 160ha) và giải tỏa thêm một phần diện tích thuộc quy hoạch sân bay trước đây, có thể mở rộng TSN lên 1.000 hoặc 1.200ha, tương đương với các cảng hàng không trong khu vực.

Thứ ba, cần có những lựa chọn địa điểm khác để có sự so sánh. Bên cạnh đó cần có đánh giá tác động của dự án Cảng Long Thành đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai, TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và những tác động khi TSN chuyển thành cảng hàng không nội địa.

Liên quan đến vấn đề vốn giai đoạn 1, cơ quan thẩm tra cho rằng con số này là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Về phương án huy động vốn, theo ông Nguyễn Văn Giàu, việc đầu tư xây dựng Cảng Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn là chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Theo cơ quan thẩm tra, dự báo về lượng hành khách đạt được của Cảng Long Thành liệu có lạc quan. Bởi thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác phụ thuộc nhiều yếu tố, như vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ…

Nói cách khác phải đảm bảo tính cạnh tranh liên tục với chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế các nước trong khu vực. Có ý kiến cho rằng, cần có biện pháp tăng cường thu hút nguồn vốn các thành phần ngoài nhà nước để giảm tỷ trọng vốn nhà nước đầu tư vào dự án, hạn chế tác động lớn đến vấn đề nợ công. Mặt khác, để không ảnh hưởng đến nợ công, đề nghị Chính phủ cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vay thương mại trực tiếp để thực hiện dự án.

"Trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm xây dựng Cảng Long Thành; tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư nhà nước trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, ngành giao thông vận tải nói riêng; khả năng tham gia của nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài; đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với nợ công cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành hàng không; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, quyết định khi thông qua chủ trương đầu tư dự án" - ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

- Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đây là dự án cần thiết nhưng chưa cấp bách. Đại biểu cần cân nhắc, nêu cao trách nhiệm và thể hiện bản lĩnh của mình, thảo luận thật nghiêm túc về dự án này.

- Ông Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ: Đây là dự án lớn, về định hướng lâu dài cần thiết phải làm. Vấn đề vốn phải được tính kỹ với chủ trương huy động nhiều nguồn vốn, ngân sách chỉ một phần.

- Ông Huỳnh Nghĩa (Đại biểu QH Đà Nẵng): Chúng ta đang bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, tiền không đủ để tăng lương đúng lộ trình, không nên phóng tay đầu tư thời điểm này.

- Ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Quốc hội nên đưa ra chủ trương, sau đó Chính phủ dựa vào thu nhập GDP, nợ công để cân đối trên bình diện tổng thể, đưa ra lộ trình triển khai cụ thể.

Các tin khác