Bán... đường cao tốc

Thông tin Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ xem xét để bán 5 tuyến đường cao tốc (TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cho nhà đầu tư nước ngoài đang khiến nhiều người băn khoăn.

Thông tin Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ xem xét để bán 5 tuyến đường cao tốc (TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cho nhà đầu tư nước ngoài đang khiến nhiều người băn khoăn.

Đây là tâm lý dễ hiểu, bởi lâu nay người ta đều nghĩ rằng hạ tầng giao thông, nhất là đường cao tốc do Nhà nước làm, nay bỗng dưng đem bán cho nước ngoài quả là đáng lo ngại. Nhiều ý kiến thẳng thắn phản đối vì cho rằng bán cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài thu phí, ngoài giá phí tăng, việc di chuyển của người dân sẽ phải chịu sự cho phép của người nước ngoài trên chính những con đường trên đất nước mình.

Vấn đề có đến mức nghiêm trọng như vậy? Thực ra về bản chất đây chỉ là việc thực hiện chủ trương xã hội hóa để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo số liệu tính toán mới đây của Bộ KH-ĐT, trong vòng 10 năm tới Việt Nam cần khoảng 500 tỷ USD (tương đương trên 10 triệu tỷ đồng) để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, việc huy động nguồn lực trong nước dự kiến đạt hơn 200 tỷ USD. Nếu không có hướng huy động nguồn lực từ bên ngoài, cơ sở hạ tầng yếu kém sẽ vẫn là điểm yếu của kinh tế Việt Nam trong nhiều năm nữa. Tính riêng đường cao tốc, theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng mạng đường cao tốc gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873km. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống này gần 50 tỷ USD (tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng).

Trong khi đó, được thành lập từ năm 2004 với vai trò là doanh nghiệp nhà nước chủ chốt đầu tư đường cao tốc, VEC chỉ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Theo thông tin mới nhất, tính đến tháng 10-2014 VEC đã đầu tư 5 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 540km, tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách tham gia đầu tư trực tiếp vào dự án 71.555 tỷ đồng (chiếm 57%), VEC tự huy động 54.000 tỷ đồng (chiếm 43%) từ nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình, vốn vay. Nhìn vào bức tranh đầu tư của VEC, có thể thấy tổng công ty này rất khó xoay sở được nguồn vốn lớn hơn để làm đường cao tốc.

Vì vậy, bán quyền khai thác những dự án đã hoàn thành để sớm thu hồi vốn, có nguồn lực đầu tư triển khai các tuyến đường cao tốc khác là hướng đi tất yếu của VEC. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo VEC cho rằng đây là chủ trương mới, nếu thực hiện thành công sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách cho hệ thống đường cao tốc.

Bán quyền khai thác đường bộ thực ra đã có tiền lệ. Đó là việc bán dự án gần giống với bán quyền thu phí dự án giao thông đã được Bộ GT-VT triển khai từ năm 2005 và được nhân rộng trong năm 2009 khi cùng lúc 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1A và trạm thu phí cầu Bãi Cháy được bán cho doanh nghiệp tư nhân.

Từ đầu năm 2014, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ GT-VT) đã bán cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh quyền thu phí cao tốc Sài Gòn - Trung Lương trong 5 năm, với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Mới đây, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), chủ đầu tư dự án BOT đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cũng ký hợp đồng nguyên tắc về việc bán 70% cổ phần tại dự án này cho đối tác nước ngoài.

Tại cuộc họp về xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông hôm 28-10, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, triển khai ngay việc bán các dự án giao thông nhằm tạo sự đột phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nguồn lực trong nước hạn chế, nợ công đang ngày càng tăng.

Vấn đề đặt ra là cơ chế, chính sách cho vấn đề này như thế nào để vừa hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia và người dân. Người đứng đầu ngành giao thông gợi ý có thể chia nhỏ từng phần dự án ra để bán, chẳng hạn đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đoạn Lào Cai - Yên Bái khó bán, có thể bán phần Hà Nội - Yên Bái trước.

Bên cạnh đó, tạo cơ chế để nhà đầu tư khai thác tối đa giá trị hạ tầng, như quyền kinh doanh 2 bên đường, trạm dừng nghỉ, dịch vụ đi kèm... Nhưng cũng phải tính toán mức phí sao cho nhà đầu tư đảm bảo thu hồi vốn và doanh nghiệp, người dân chịu đựng được. Theo đó, xây dựng cơ chế bán đường cao tốc cần có điều kiện đi kèm không được tăng phí sau khi chuyển nhượng, hoặc phí đường cao tốc phải được Nhà nước phê duyệt.

Các tin khác