Tiến sĩ đạo văn

Chỉ là một buổi sinh hoạt chuyên môn, nhưng tọa đàm về “Văn hóa trích dẫn trong nghiên cứu và học tập” diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã thu hút sự chú ý của dư luận vì chạm đến vấn đề nhạy cảm: tiến sĩ đạo văn!

Chỉ là một buổi sinh hoạt chuyên môn, nhưng tọa đàm về “Văn hóa trích dẫn trong nghiên cứu và học tập” diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã thu hút sự chú ý của dư luận vì chạm đến vấn đề nhạy cảm: tiến sĩ đạo văn!

Từ khi con người có khái niệm về tác giả, hiện tượng đạo văn đã xảy ra. Đạo văn trong sáng tác và đạo văn trong khoa học đều gây ra nỗi nhức nhối cho xã hội. Đạo văn đối với một truyện ngắn hay một ca khúc lợi ích vật chất không đáng kể gì, nhưng đạo văn đối với một công trình khoa học khó lòng đoán định được mức hưởng lợi không chính đáng và hệ lụy của nó. Bởi lẽ, nhờ đạo văn có được công trình khoa học sẽ tạo ra học hàm và học vị, rồi từ đó có chức tước, bổng lộc mà thực tế họ chẳng nghiên cứu gì.

Gần đây, giới khoa học cảm thấy ê chề khi Bộ Giáo dục - Đào tạo phải vào cuộc xác minh và đưa ra kết luận 2 vụ đạo văn của 2 nhân vật đang giữ vai trò lãnh đạo ở cơ quan uy tín. Thứ nhất, trường hợp ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã sao chép lại gần như 100% nội dung luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải. Thứ hai, trường hợp ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đã sao chép tới 30% dung lượng luận án của TS. Mai Thanh Quế.

Đã mang danh trí thức mà đạo văn của người khác thật đáng xấu hổ. Thế nhưng, càng ngày càng có nhiều học vị tiến sĩ bị phát hiện sao chép của người khác. Một trong những chỗ dựa để chép của nhau là quy chế về việc trích dẫn. Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định khi trích dẫn nguyên văn bài của người khác 2 câu trở lại hoặc ít hơn 5 dòng phải đặt trong dấu ngoặc kép và ghi nguồn rõ ràng. Nếu trích dẫn nhiều hơn phần trích dẫn phải lùi vào 2 dòng, nhưng lại không quy định việc trích dẫn tối đa bao nhiêu dòng, bao nhiêu câu. Bên cạnh đó, quy định không được trích dẫn kiến thức phổ thông, nhưng không có giải thích thế nào là kiến thức phổ thông, dẫn đến người nọ vô tư copy của người kia.

Tiến sĩ bị phát hiện đạo văn thật nhục nhã. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, tại sao những vị giáo sư tham gia hội đồng khoa học lại vô can khi công trình đạo văn được cộng đồng phanh phui? Khi xã hội nhoáng nhoàng chạy theo danh vọng kim tiền, hiện tượng đạo văn càng phổ biến. Người bị phát hiện đạo văn cũng chẳng màng phân bua hay xin lỗi đồng nghiệp. Đòi hỏi sự tự trọng của tri thức thời nay phải chăng là khái niệm xa xỉ?

Các tin khác