Pháp quyền Trung Quốc (K2): Đảng trị và pháp trị?

Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khép lại hôm 23-10 với tuyên bố sẽ phát triển một hệ thống “luật pháp XHCN với đặc sắc Trung Quốc”.

Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khép lại hôm 23-10 với tuyên bố sẽ phát triển một hệ thống “luật pháp XHCN với đặc sắc Trung Quốc”.

Pháp quyền Trung Quốc (K1): Y pháp trị quốc

Kiểm soát quyền lực, giảm tập quyền

Theo Tân Hoa xã, những nội dung chính của cải tổ bao gồm: Mục tiêu chung là thiết lập một hệ thống phục vụ “các quy định của pháp luật XHCN đặc sắc Trung Quốc” và xây dựng đất nước theo “quy định pháp luật XHCN”; bảo đảm vai trò lãnh đạo của ĐCS trong hệ thống “luật pháp XHCN đặc sắc Trung Quốc”.

Những phương thức chủ yếu để cải thiện một hệ thống pháp luật XHCN đặc sắc Trung Quốc là tăng cường việc thực thi Hiến pháp, thúc đẩy quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng tốc xây dựng một chính phủ tuân thủ pháp luật, bảo vệ công lý tư pháp, nâng cao uy tín tư pháp, cải thiện trình độ hiểu biết pháp luật của người dân, tăng cường xây dựng một xã hội dựa trên luật pháp, làm nổi bật vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ trong việc thúc đẩy thực thi pháp luật.

Các chuyên gia cho rằng trong kịch bản tốt nhất, những thay đổi có thể làm giảm tình trạng bất công như các nông dân bị tước đoạt đất đai, công nhân không được trả lương thỏa đáng, làm bùng phát tình trạng xuống đường phản đối. Nhưng các thay đổi này không hề giảm bớt tình trạng tập quyền của ĐCSTQ, cũng không thể giúp tòa án thoát khỏi ảnh hưởng chính trị và can thiệp của các quan chức địa phương.

Để nhận ra vai trò của luật pháp, việc trị quốc phải phù hợp với Hiến pháp; có hệ thống bảo đảm tuân thủ Hiếp pháp và giám sát việc tuân thủ đó. Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội phải đóng vai trò tốt hơn trong việc giám sát việc thực hiện Hiến pháp. Trung Quốc sẽ nỗ lực xây dựng một chính phủ tuân thủ pháp luật. Thiết lập một cơ chế kiểm tra tính hợp pháp của việc đưa ra các quyết định quan trọng, chịu trách nhiệm suốt đời đối với các quyết định quan trọng và một cơ chế hồi tố để truy cứu những người chịu trách nhiệm trong các quyết định sai lầm.

Trung Quốc sẽ thúc đẩy tính minh bạch trong tất cả hoạt động của chính phủ. Thiết lập một cơ chế ghi lại những cán bộ tư pháp đã can thiệp vào các vụ án và nêu tên công khai để truy cứu trách nhiệm. Tòa án nhân dân tối cao sẽ thành lập các tòa án lưu động, đồng thời sẽ tìm hiểu việc thiết lập tòa án đan xen khu vực hành chính và kiểm sát, cho phép các công tố viên khởi kiện liên quan đến các vụ án lợi ích công; tăng cường bảo vệ nhân quyền trong các thủ tục tư pháp, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyển dụng các nhà làm luật, thẩm phán và công tố từ đội ngũ luật sư và chuyên gia luật giỏi.

ĐCSTQ sẽ cải thiện các điều lệ và cơ chế nội bộ; việc thực thi các quy định pháp luật sẽ là một chỉ số quan trọng để đánh giá công tác của cán bộ các cấp và sẽ được bổ sung vào hệ thống đánh giá hiệu suất. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ thúc đẩy các quy định của pháp luật và thi hành kỷ luật nghiêm ngặt.

Những cụm từ như “nhân quyền”, “dân chủ”, “quy định của pháp luật”… phải được hiểu theo “đặc sắc Trung Quốc”, nên rất khác biệt đối với định nghĩa phổ biến được thế giới công nhận. Một điều chắc chắn, như Kỳ 1 đã nêu, là ĐCSTQ vẫn nắm quyền chi phối tuyệt đối trên hệ thống pháp luật. Vì theo cách hiểu từ trước đến nay, “quy tắc XHCN của pháp luật là phải nêu cao vai trò lãnh đạo của ĐCS”.

Con rồng kiệt sức?

Một đề xuất đáng chú ý là việc chuyển ngân sách hoạt động tư pháp vào tay chính quyền tỉnh, khiến các chính quyền địa phương cấp thấp hơn không còn là “ông chủ” chi lương và cấp ngân sách sửa chữa cho các tòa án, giúp các thẩm phán độc lập hơn trong việc đưa ra các phán quyết liên quan đến địa phương. Các thẩm phán cũng có thể đưa ra những phán quyết không cần sự chấp thuận của tòa án cấp trên. Các chính quyền địa phương cũng không còn được chỉ định nhân sự ngành tư pháp.

Nhưng Flora Sapio, một giáo sư trợ giảng môn luật Trung Quốc ở Đại học Trung Quốc ở Hồng Công, cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Bắc Kinh hoàn toàn không muốn tạo ra một hệ thống tư pháp có thể đưa ra những phán quyết ngược lại chính sách hay lợi ích đảng, đặc biệt trong các vấn đề “nhạy cảm” hay có thể tạo bất ổn xã hội. “Vì vậy, cam kết “y pháp trị quốc” của Bắc Kinh chỉ giống như một chú gà trống nằm mơ có thể đẻ trứng” - Teng Biao, một luật sư được kính nể ở Hồng Công, nói.

“Vấn đề cơ bản là hệ thống chính trị của Trung Quốc mâu thuẫn với pháp luật”. Ngoài ra, giới quan sát cũng nghi ngờ tinh thần tuân thủ ở chính quyền cấp tỉnh. Dù vậy, giới quan sát cũng ghi nhận những nỗ lực của ông Tập. Kể từ khi ông lên nắm quyền lãnh đạo ĐCS vào năm 2012, Bắc Kinh đã tiến hành một số bước đi để giúp hệ thống tư pháp hiệu quả hơn. Các nhà chức trách đã xử lại một loạt vụ án chung thân và tử hình oan sai. Từ năm 2012-2013, số án tử hình ở Trung Quốc giảm 20% so với trước đó.

Những thay đổi về pháp luật được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.

Những thay đổi về pháp luật được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng tăng trưởng chậm lại
ở Trung Quốc.

Hội nghị 4 kết thúc cùng lúc Cục Thống kê Trung Quốc công bố số liệu kinh tế quý III. Theo đó, GDP nước này chỉ tăng 7,3% trong quý, mức thấp nhất 5 năm. Đồng thời, Ngân hàng HSBC cho biết chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc trong tháng 10 đạt 50,4 điểm, tăng so với 50,2 điểm của tháng trước và là mức cao nhất 3 tháng.

Tuy nhiên, kinh tế trưởng HSBC tại Trung Quốc, Qu Hongbi, cảnh báo nhu cầu nội địa và nước ngoài của Trung Quốc đều có dấu hiệu chậm lại. Nhiều người tin rằng đây chỉ là khởi đầu của một giai đoạn trì trệ lâu dài của nền kinh tế số 2 thế giới. Bắc Kinh đang cố phát triển kinh tế theo hướng cân bằng hơn, đòi hỏi giảm phụ thuộc vào đầu tư công và hướng đến một nền kinh tế dựa vào nhu cầu nội địa. Sự điều chỉnh này sẽ khiến tăng trưởng chậm hơn nữa.

Thêm vào đó là sự suy giảm cả về năng suất lẫn lực lượng lao động, cùng với những thách thức lớn trong việc thực hiện các cải cách cần thiết. Vì vậy, tăng trưởng của Trung Quốc dự báo sẽ rơi vào tình trạng suy giảm kéo dài và chậm chạp,  một báo cáo mới của Conference Board cho biết.

Tác giả David Hoffman và Andrew Polk dự đoán GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới 4% trong thập niên tới. Xu hướng chậm lại của kinh tế Trung Quốc không phải là điều mới mẻ.

Nhà phân tích Wu Jiangang của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc-châu Âu lưu ý tăng trưởng bình quân của Trung Quốc giai đoạn 2003-2007 là 11,7%, sau đó còn 9% giai đoạn 2008-2012 và chỉ 7,7% vào năm ngoái. “Tăng trưởng chậm lại không có gì đáng ngạc nhiên. Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng chú ý tới chất hơn lượng” - ông Wu nói.

Các tin khác