Hướng mở chính sách tín dụng

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 41, đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NN-NT) giai đoạn 2010-2013 đã tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực NN-NT. Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định trong Nghị định 41 đã không còn phù hợp. Vì thế, NHNN vừa ban hành dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT với nhiều quy định mới.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 41, đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NN-NT) giai đoạn 2010-2013 đã tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực NN-NT. Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định trong Nghị định 41 đã không còn phù hợp. Vì thế, NHNN vừa ban hành dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT với nhiều quy định mới.

Nới hạn mức không cần tài sản bảo đảm

 

Cụ thể, đối tượng tham gia được mở rộng như các hợp tác xã, tổ hợp tác chỉ cần tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh là có thể được cấp tín dụng mà không cần phải là địa bàn nông thôn. Đồng thời, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp cũng nằm trong đối tượng thụ hưởng chính sách.

Về cơ chế bảo đảm tiền vay không có tài sản bảo đảm, dự thảo nghị định mới quy định các cá nhân, hộ gia đình cư trú tại nông thôn được vay tối đa 100 triệu đồng thay vì chỉ 50 triệu đồng như nghị định năm 2010. Hộ kinh doanh được vay tối đa 300 triệu đồng, tăng so với mức 200 triệu đồng. Ngoài ra, trong dự thảo nghị định cũng quy định đối với hộ nuôi trồng thủy, hải sản hay khai thác xa bờ có ký hợp đồng với cơ sở và xuất khẩu trực tiếp  được cho vay tối đa 500 triệu đồng.

Việc đưa ra gói tín dụng cho tam nông là hướng đi đúng. Cơ chế cho vay theo chuỗi sản xuất có thể đáp ứng được yêu cầu vay vốn, đáp ứng được cả nhu cầu thu hồi vốn của ngân hàng. Kiểu cho vay nhỏ lẻ, rải rác theo từng khâu chế biến, xuất khẩu… sẽ không còn nữa. Nếu triển khai theo hướng này nông dân sẽ không còn phải chịu cảnh bán lúa non, bán lúa giá thấp. Bên cạnh đó, cán bộ ngân hàng cũng không phải sợ mất vốn do rủi ro thời vụ.

Ông Cao Sỹ Kiêm,
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV

Riêng hợp tác xã, chủ trang trại được vay tối đa 1 tỷ đồng so với mức quy định trước kia là 500 triệu đồng. Trong dự thảo nghị định còn bổ sung về hợp tác xã nuôi trồng hay khai thác xa bờ hay cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác xa bờ được cho vay 2 tỷ đồng. 

Nếu như trong Nghị định 2010 không có quy định về liên hiệp hợp tác xã thì trong dự thảo nghị định mới này có đưa ra cơ chế vốn cho vay của loại hình này lên đến 3 tỷ đồng nếu hoạt động nuôi trồng thủy sản hay khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Như vậy, hạn mức tín dụng lĩnh vực NN-NT với các khoản vay không có tài sản bảo đảm đã nâng mức vay tối đa lên đến 3 tỷ đồng.

Thực hiện theo nghị định mới còn cho thấy tín dụng thương mại của hệ thống ngân hàng bước đầu kết hợp tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, vùng sâu vùng xa nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra sự lan tỏa toàn diện theo hướng bền vững.

Đồng thời chính sách tín đụng của ngân hàng đã gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa trong việc cho vay và hỗ trợ lãi suất để tạo lập sự ổn định giá lúa gạo nhằm đảm bảo thu nhập hợp lý của người nông dân. Chính sách tín dụng đã có những phản ứng linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn như giãn nợ, cho vay đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm được NHNN chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Ưu tiên tín dụng theo mô hình liên kết

Dự thảo nghị định cũng đã đề cập về việc ưu tiên cấp tín dụng cho các loại hình NN-NT hiện đại hơn theo mô hình liên kết với nhau hay ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng... và được cấp tín dụng tối đa 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ, hay dự án liên kết; 80% giá trị dự án sử dụng thiết bị công nghệ cao. Mặt khác, các loại hình này được ưu tiên xem xét lại thời hạn trả nợ, đồng thời vẫn có thể cho vay nợ mới nếu nằm trong quy định của nghị định.

NHNN cho biết tới đây sẽ tiếp tục triển khai một loạt giải pháp cụ thể như: xây dựng thí điểm chính sách cho vay vốn NN-NT theo hướng tạo điều kiện cho các mô hình sản xuất lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu các chính sách tín dụng đặc thù với một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đồng thời khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ cao, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Hiện các chương trình tín dụng kết nối ngân hàng, cho vay theo chuỗi trong nông nghiệp, cho vay công nghệ cao được các NHTM triển khai tương đối tốt. Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đang đẩy mạnh cho vay theo chuỗi trong nông nghiệp. Bản thân ngân hàng không hạn chế quy mô cho vay, việc cho vay phụ thuộc vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Thời gian tới, ngân hàng sẽ triển khai nhiều chương trình cho vay hơn nữa.

Tại hội thảo giải pháp cho vay NN-NT có bảo hiểm lãi suất vừa diễn ra tại Kiên Giang, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định chính sách phát triển NN-NT ở nước ta luôn được quan tâm trong suốt chặng đường đổi mới, phát triển đi lên của đất nước.

Có thể nói, ở thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế thì nền tảng và điểm tựa vững chắc cho sự ổn định của nền kinh tế, giải quyết vấn đề an sinh xã hội của đất nước là sản xuất nông nghiệp. Gắn liền với chặng đường đổi mới, phát triển đi lên của ngành NN-NT, mảng chính sách tín dụng của ngân hàng đã được xây dựng, cụ thể hóa một cách linh hoạt nhằm tạo ra sức bật trong sản xuất nền nông nghiệp cả nước, nhất là khu vực ĐBSCL.

Các tin khác