Quy hoạch TTTM (K2): Bão hòa

Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ có 1.200-1.300 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm (TTMS), 180 trung tâm thương mại (TTTM). Nhìn vào quy hoạch này có thể thấy số lượng các TTTM và mua sắm đang bám sát nhau, đặc biệt là việc quá tập trung mặt bằng bán lẻ cho khu vực nội thành tại Hà Nội và TPHCM.

Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ có 1.200-1.300 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm (TTMS), 180 trung tâm thương mại (TTTM). Nhìn vào quy hoạch này có thể thấy số lượng các TTTM và mua sắm đang bám sát nhau, đặc biệt là việc quá tập trung mặt bằng bán lẻ cho khu vực nội thành tại Hà Nội và TPHCM.

Quy hoạch TTTM (K1): Những câu chuyện trái ngược

Ế ẩm vẫn xây mới

Theo chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM đến năm 2020 được phê duyệt hồi tháng 4, mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ mở thêm 92 TTTM. Ngoài 25 TTTM đang hoạt động, những năm tới, khu vực quận 1 sẽ tập trung nhiều siêu thị và TTTM nhất với 23 siêu thị và 24 TTTM; quận 5 có 31 TTTM.

Còn Quy hoạch chợ, siêu thị, TTTM đến năm 2020, định hướng 2030 của Hà Nội cũng cho thấy, Hà Nội sẽ có tổng cộng 64 TTTM trong đó sẽ có mô hình kết hợp cả với chợ truyền thống. 92 hay 64 TTTM không phải là một con số quá ghê gớm với những đô thị lớn và đang có tốc độ phát triển rất nhanh như Hà Nội hay TPHCM, tuy nhiên, mức độ nào là hợp lý, phân bổ như thế nào để không chồng chéo lại là câu chuyện khác.

Nhìn vào bản quy hoạch chợ, siêu thị, TTTM của Hà Nội đến năm 2020, nhiều chuyên gia không khỏi cảm thấy chóng mặt. Khu vực đô thị trung tâm sẽ có 32 TTMS trong đó đô thị lõi lịch sử sẽ có 23 TTMS, đô thị lõi mở rộng 9 TTMS, các đô thị vệ tinh 5 TTMS, các thị trấn 13 TTMS…

Điều đáng nói, khi đặt trong quy hoạch chung để xem xét, những con số TTMS này sẽ trở nên quá tải. 23 TTMS trong một vùng chật hẹp là đô thị lõi lịch sử nhưng đồng thời cũng có đến 6 đại siêu thị, 25 siêu thị hạng 2 và 134 siêu thị hạng 3. Chuỗi đô thị từ Sông Nhuệ đến vành đai IV có 6 TTMS hạng 1 nhưng đã có đến 6 đại siêu thị, 25 siêu thị hạng 2 và 172 siêu thị hạng 3.

Hay khu vực Long Biên-Gia Lâm, dù chỉ có 1 TTMS nhưng dự kiến đến năm 2030 sẽ nâng cấp tất cả các chợ hiện có thành đại siêu thị và siêu thị; giữ nguyên 1 siêu thị hạng 2 và 8 siêu thị hạng 3 hiện có; nâng cấp 2 chợ truyền thống sang loại hình đại siêu thị và 1 chợ truyền thống thành siêu thị hạng 2; xây mới gần 100 siêu thị, đại siêu thị…

Trong khi đó, tại TPHCM, ngoài Saigon Center giai đoạn 1 đã được đưa vào khai thác, Tập đoàn Keppel Land đang khẩn trương đầu tư vào Saigon Centre giai đoạn 2 trên đường Lê Lợi (quận 1). Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2016, cung cấp cho thị trường khoảng 50.000m2 sàn TTTM.

Cách đó vài bước chân, dự án tòa tháp đôi cao 55 tầng của Tập đoàn Bitexco cũng dự kiến hoàn thành vào năm 2015, cung cấp cho thị trường 30.000m2 sàn TTTM. Cao ốc thương mại dịch vụ Sài Gòn M&C tại ngã 3 Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Bến Chương Dương cũng chuẩn bị có 23.000m2 sàn làm TTTM.

Dự án này hiện đang gặp khó khăn tài chính nên chưa thể xác định thời gian hoàn thành. Đó là chưa kể các TTTM khác như Crescent Mall, Parkson, Diomond Plaza, Parkson Hùng Vương… đang chật vật kinh doanh vì ế ẩm khách.

Lãng phí

Báo cáo mới nhất của Savills cho thấy doanh thu bán lẻ trong 9 tháng năm 2014 tại TPHCM đạt xấp xỉ 476.000 tỷ đồng; tăng 7,4% theo năm nếu loại trừ yếu tố lạm phát. Tuy vậy, mức tăng này thấp hơn so với năm 2013 (8,8%) và năm 2012 (8,6%).

Dưới góc nhìn thực tế hơn, theo 1 nhân viên có thâm niên bán hàng tại Diomond Plaza, trong số khách hàng đến TTTM hơn 70% nhằm thỏa mãn các nhu cầu như tham quan, ăn uống, giải trí, xem phim… Mặt hàng ở TTTM tuy đa dạng nhưng được coi là thế giới riêng của các thương hiệu ngoại nổi tiếng, phục vụ chủ yếu cho những đối tượng thuộc hạng đại gia đến mua sắm. Bởi lẽ, kinh tế khó khăn đã khiến người dân hạn chế chi tiêu hơn, đặc biệt đối với hàng hóa xa xỉ, đắt tiền.

Bên cạnh đó, sự phát triển các hệ thống siêu thị thời gian gần đây như Metro, BigC, hay kênh mua sắm onlline với số lượng hàng hóa phong phú, cạnh tranh về mặt giá cả và sự tiện lợi, đã hút một lượng khách không nhỏ từ TTTM. Vậy nhưng, giữa lúc các TTTM chật vật tìm lối ra, nhiều chủ đầu tư vẫn đua nhau ồ ạt xây các khu mua sắm cao cấp. Chính số lượng các TTTM mọc lên không ngừng, san sát nhau, cùng bán những mặt hàng như nhau, đã làm cho thị trường trở nên bão hòa.

Trong khi đó, tại Hà Nội, cơn say TTTM chỉ thực sự dừng lại khi nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn suy giảm. Tình trạng những tòa nhà lộng lẫy nhưng vắng khách khiến nhiều người không khỏi giật mình nhìn lại cung cách quy hoạch.

Một thực trạng rất dễ thấy là hầu hết TTTM đều nằm ở khu vực nội thành, thậm chí chỉ trong vòng bán kính rất nhỏ đã có tới 4-5 TTTM chen đua nhau. Thí dụ ở khu vực Cầu Giấy- Mỹ Đình, có thể kể đến một loạt TTTM đình đám đặt gần nhau với khoảng cách chỉ 3-4km như Keangnam, Indochina Plaza, The Garden, Lotte, hay chỉ trên 1 trục đường, đã có đến 3 TTTM lớn như câu chuyện của Royal City, Mipec Tower (trước khi được chuyển đổi thành Lotte Mart),  Parkson Thái Hà.

Trong khi đó, ở khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, gần như vẫn chưa có các TTTM, hoặc nếu có, đều hoạt động cực kỳ èo uột với sự nghèo nàn trong dịch vụ.

Indochina Plaza nằm trên trục đường có 3 TTTM liền kề.

Indochina Plaza nằm trên trục đường có 3 TTTM liền kề.

Thông thường các TTTM sẽ phải bám theo các khu đô thị và sẽ là một tổ hợp đáp ứng được mọi nhu cầu của người tiêu dùng, từ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí. Nếu không tìm hiểu cẩn thận nhu cầu, tâm lý của người dân mà chỉ cố gắng xây dựng theo kiểu bắt ép, cơ học, chuyện thất bại là điều có thể thấy trước.

Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo nếu không xem xét kỹ việc quy hoạch phát triển TTTM, cấp phép ồ ạt, tràn lan, chắc chắn sẽ gây ra khủng hoảng thừa, lãng phí, đồng thời gây áp lực lên hạ tầng giao thông nội đô. Nhiều chuyên gia đô thị cũng khẳng định việc xây dựng các TTTM không phải là bài toán dễ dàng, cần phải tính toán kỹ, đặc biệt trong điều kiện xây dựng TTTM đồng nghĩa với “tiêu diệt” chợ dân sinh như cách Hà Nội và TPHCM đang thực hiện.

(Còn tiếp)

Các tin khác