Pháp quyền Trung Quốc (K1): Y pháp trị quốc

Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết thúc vào hôm nay 21-10. Lần đầu tiên trong lịch sử ĐCS nước này, hội nghị xoay quanh chủ đề trọng tâm là pháp quyền, nhằm “xây dựng một xã hội thịnh vượng về mọi mặt”, cũng như “đi sâu cải cách một cách toàn diện”.

Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết thúc vào hôm nay 21-10. Lần đầu tiên trong lịch sử ĐCS nước này, hội nghị xoay quanh chủ đề trọng tâm là pháp quyền, nhằm “xây dựng một xã hội thịnh vượng về mọi mặt”, cũng như “đi sâu cải cách một cách toàn diện”.

Theo Tân Hoa xã, hội nghị lần này sẽ thảo luận một dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) về “các vấn đề quan trọng liên quan tới việc thúc đẩy một cách toàn diện hệ thống luật pháp”, tạo cơ sở để ĐCSTQ thúc đẩy thực thi pháp luật một cách toàn diện trong tình hình mới, hay còn gọi là “y pháp trị quốc”.

Bước bắt buộc

Việc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong mọi công việc của ĐCS và Chính phủ Trung Quốc. Trước đó, tại cuộc họp ngày 30-9, Bộ Chính trị BCHTƯ ĐCSTQ đã quyết định thời gian và nội dung phiên họp toàn thể.

Tuyên bố của cuộc họp nhấn mạnh thực thi pháp luật là “điều bắt buộc” nếu Trung Quốc muốn phát triển đất nước, xây dựng một xã hội thịnh vượng về mọi mặt, thúc đẩy sự phát triển theo hướng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc và nâng cao khả năng lãnh đạo của ĐCSTQ.

Đại hội lần thứ 15 của ĐCSTQ năm 1997 đã quyết định đưa pháp quyền trở thành chiến lược cơ bản và “xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN” là mục tiêu quan trọng trong quá trình hiện đại hóa CNXH. Cụm từ “thực thi pháp luật, xây dựng nhà nước XHCN trong khuôn khổ pháp luật” đã được bổ sung vào Hiến pháp Trung Quốc năm 1999.

Chúng tôi hy vọng và lạc quan rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đạt được tất cả mục tiêu đầy tham vọng của kỳ họp. Họ phải đi một chặng đường dài để giúp Trung Quốc cùng với nền kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị của mình công bằng hơn cho nhân dân.

Ông David Fouquet,
Giám đốc nghiên cứu châu Á của Viện châu Âu

Theo Tân Hoa xã, song song với các cuộc thảo luận nhằm thiết lập một khuôn khổ quản lý nhà nước hoạt động đúng theo các nguyên tắc của pháp luật, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh còn tìm cách thiết lập công bằng xã hội cao hơn.

Trong đó, nước này nhắm đến cải tổ hệ thống tư pháp theo hướng minh bạch và độc lập hơn. Đây cũng chính là nội dung được giới quan sát chờ đợi từ lâu. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc cải tổ pháp luật đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ổn định xã hội Trung Quốc hiện nay, góp phần vào việc loại bỏ tham nhũng cũng như mang lại những cải cách toàn diện.

Ngoài ra, việc kỷ luật một số cựu quan chức cấp cao cũng sẽ được đề cập, trong đó có cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Vạn Khánh Lương; cựu Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh; cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn; cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc Vương Vĩnh Xuân.

Hội nghị dự kiến cũng sẽ công bố hình thức xử lý đối với cựu Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang và Tướng Từ Tài Hậu. Nhiều người tin rằng ông Chu sẽ bị chính thức khai trừ khỏi ĐCSTQ trong hội nghị. Trong khi đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng nhân kỳ họp kêu gọi ĐCSTQ trả tự do cho tất cả những người bị bỏ tù vì bất đồng chính kiến và “tất cả các hình thức giam giữ tùy tiện khác”.

Tiền đề sức bật kinh tế

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BofA) cho rằng cải tổ tư pháp đóng vai trò sống còn cho các thị trường tài chính Trung Quốc. Đầu tiên, dù Trung Quốc có những lợi thế như tăng trưởng kinh tế cao, dự trữ ngoại hối khổng lồ và lạm phát thấp, nhưng giá trị các tài sản tài chính của Trung Quốc (đặc biệt là cổ phiếu) nhìn chung rẻ hơn so với các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil.

Một yếu tố chính đằng sau việc đánh giá rẻ này, là nhà đầu tư toàn cầu tin rằng Trung Quốc là quốc gia yếu kém về luật pháp, không bảo vệ được quyền sở hữu. Thứ hai, nhiều người nhìn thấy những rủi ro lớn cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và ổn định xã hội ở Trung Quốc, trong đó có việc nới rộng khoảng cách giữa hệ thống chính trị cứng nhắc và tầng lớp trung lưu mới, vốn ngày càng hiện đại hơn nhờ internet, điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội ngày càng phổ biến.

Cùng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của tầng lớp này, nhu cầu đỏi hỏi một nhà nước trách nhiệm và pháp quyền ngày càng tăng. Ngoài ra, cải cách tư pháp thành công là điều kiện tiên quyết cho những cải cách quan trọng khác, như tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước, cải cách quyền sở hữu đất đai và cải cách chính trị. Đối với hầu hết nhà đầu tư trong nước và toàn cầu, chỉ có cải cách thành công mới có thể đảo ngược tình trạng cổ phiếu bị định giá thấp ở Trung Quốc.

Một số nhà phân tích tin tưởng việc gia tăng sức mạnh pháp luật sẽ tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng hơn cho khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Nó cũng sẽ thiết lập một ranh giới giữa chính phủ và thị trường, giúp tăng hiệu quả của thị trường và giảm chi phí hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.

“Chúng tôi cho rằng các biện pháp được thông qua sẽ giúp thúc đẩy luật pháp và trật tự ở Trung Quốc, làm giảm nhũng nhiễu hành chính của chính phủ và địa phương. Thực thi pháp luật nghiêm ngặt, chuẩn hóa và một hệ thống tư pháp hiệu quả, thẩm phán chuyên nghiệp sẽ giúp thúc đẩy công bằng xã hội và công lý. Những điều này sẽ nâng cao hiệu quả thị trường” - Chang Jian, Kinh tế trưởng của Barclays Plc tại Hồng Công, nhấn mạnh.

Ngân hàng đầu tư Nomura Holdings Inc của Nhật Bản cũng kỳ vọng: “Thực thi pháp luật đúng đắn cho hơn 1,3 tỷ người có khả năng mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho tất cả ngành sản xuất và dịch vụ, công nghệ, giúp gia tăng tiêu thụ của tầng lớp trung lưu”. Nghiên cứu của Nomura cũng tin rằng một hệ thống pháp luật tập trung nhiều hơn ở Trung Quốc sẽ giảm bớt sự nhũng nhiễu của chính quyền địa phương và đảm bảo một hệ thống thực thi pháp luật thống nhất hơn, cải thiện tính độc lập và công bằng của tòa án.

Y pháp kiểu “Made in China”

Tuy nhiên, điều khiến giới quan sát cảm thấy thất vọng, là dường như hội nghị vẫn không cải tổ một vấn đề mấu chốt, đó là việc đứng trên pháp luật của đảng cầm quyền. Chẳng hạn, việc điều tra các quan chức hối lộ trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” đang diễn ra của Chủ tịch Tập Cận Bình được thực hiện bởi chính ĐCSTQ, không phải bởi các cơ quan thực thi pháp luật của chính phủ, chẳng hạn như viện kiểm sát nhân dân.

“Các viên chức trong Ủy ban Thanh tra kỷ luật của đảng có nhiều quyền hơn. Vì vậy họ sẽ có các cuộc điều tra hiệu quả hơn, tuy nhiên họ đang hành động ngoài khuôn khổ pháp lý. Họ không phải là các nhà điều tra hình sự làm việc theo đúng luật điều tra hình sự” - ông He Jiahong, chuyên gia về pháp lý của Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói.

Tương tự, nhà nghiên cứu pháp lý Cheng Guangzhong nói: “Để cai trị một quốc gia theo luật pháp, trước hết người ta cần cai trị theo đúng hiến pháp và quan trọng là ĐCSTQ với vai trò đảng cầm quyền phải hoạt động trong giới hạn của hiến pháp và luật pháp, nêu bật việc sử dụng luật để hạn chế quyền hành”.

Quang cảnh hội nghị 4.

Quang cảnh hội nghị 4.

Chính Chủ tịch Tập Cận Bình cũng từng nói đến vấn đề này. Không lâu sau khi nhậm chức, ông Tập đã đọc một bài diễn văn, khẳng định “không có tổ chức hay cá nhân nào có quyền vượt qua hiến pháp và luật pháp”. Tuy nhiên, những gì ông làm từ khi lên nắm quyền đến nay đã khơi lên thắc mắc về cam kết của ông đối với nguyên tắc đó. Công chúng Trung Quốc ngày càng bất mãn với tham nhũng và lạm quyền. Tham nhũng trong giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đã dẫn đến nhiều vấn đề xã hội đe dọa sự ổn định và cai trị của ĐCS nước này.

 (Còn tiếp)

Các tin khác