Gỡ vướng vốn trung, dài hạn

Hiện nay, nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp (DN) rất lớn. Tuy nhiên, cho vay trung và dài hạn có 2 vấn đề vướng mắc là nguồn vốn hạn chế và lãi suất cao. Nếu giải quyết được vướng mắc này, vốn sẽ có điều kiện chảy vào các DN có nhu cầu tái cấu trúc, đầu tư mới phục vụ mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế.

Hiện nay, nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp (DN) rất lớn. Tuy nhiên, cho vay trung và dài hạn có 2 vấn đề vướng mắc là nguồn vốn hạn chế và lãi suất cao. Nếu giải quyết được vướng mắc này, vốn sẽ có điều kiện chảy vào các DN có nhu cầu tái cấu trúc, đầu tư mới phục vụ mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế.

Cầu cao, cung có hạn

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ các NH trên địa bàn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,05% so với cuối năm 2013. Đặc biệt, dư nợ tín dụng trung và dài hạn tăng nhanh và ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng dư nợ, với 49%, khoảng 495.000 tỷ đồng.

Tại các NHTM, dư nợ cho vay trung và dài hạn hiện cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Chẳng hạn 9 tháng năm 2014, cơ cấu cho vay ngắn hạn của ACB chiếm 53%, trung và dài hạn chiếm 47%; DongABank cho vay trung và dài hạn đạt 45%; tại Sacombank tín dụng cho vay trung và dài hạn tăng 30% so với đầu năm.

Một chuyên gia tài chính nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhu cầu vốn vay trung và dài hạn tăng cao.

Thứ nhất, ở các quốc gia khác, nguồn vốn vay từ NH chỉ được sử dụng lưu động nên DN chủ yếu vay ngắn hạn, nhưng ở nước ta đa số DN đều phụ thuộc vào nguồn vốn NH để sản xuất kinh doanh và đầu tư nên cần cả vốn ngắn hạn lẫn trung và dài hạn.

Thứ hai, những năm gần đây, những biến động của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN, đòi hỏi DN Việt phải có nguồn vốn trung và dài hạn để tái cấu trúc tài chính, hoạt động.

Thứ ba, nước ta đang ngày càng hội nhập sâu, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, nhu cầu đầu tư mới để tăng trưởng về quy mô, chất lượng cũng ngày càng tăng.

Thứ tư, hiện nay tại một số NHTM dư nợ trung, dài hạn đối với khách hàng cá nhân chiếm 90-95% tổng dư nợ cho vay cá nhân vì vay từ 1 năm, 5 năm đến 10 năm người vay mới có thể trả được nợ.

Tuy nhiên, dù nhu cầu vay vốn trung, dài hạn cao và mang lại thu nhập hấp dẫn, nhưng các NHTM lại gặp khó khăn trong việc tăng cường nguồn vốn vay trung và dài hạn cho DN. Bởi, dù mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh, nhất là lãi suất huy động ngắn hạn, dòng tiền gửi từ khách hàng có dịch chuyển từ ngắn hạn sang các kỳ hạn dài hơn nhưng tiền gửi cũng chỉ tập trung ở các kỳ hạn 12 tháng, 9 tháng hoặc 6 tháng.

Trong khi đó, theo quy định, thời hạn từ trên 1 năm đến 5 năm được gọi là trung hạn và trên 5 năm là dài hạn. Hiện các NHTM chỉ được sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nên nguồn vốn này vẫn rất hạn chế.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, cho biết ACB huy động ngắn hạn chiếm đến 85%, trung và dài hạn chiếm 15%, với khả năng của ACB hiện chỉ có thể tăng thêm 10.000 tỷ đồng dư nợ trung, dài hạn là hết room. NHNN hiện chỉ cho NHTM vay tái cấp vốn ngắn hạn nên nguồn vay trung, dài hạn không thể mở rộng được.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng giám đốc DongA Bank, cũng cho biết huy động vốn của NH này tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, dù biết tiềm năng cho vay trung và dài hạn còn rất lớn nhưng không khai thác hết được do room tín dụng trung và dài hạn không còn nhiều.

Cần NHNN hỗ trợ

Một vấn đề nữa liên quan đến tín dụng trung, dài hạn là lãi suất. Theo thống kê của NHNN, lãi suất cho vay trung và dài hạn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường 11-12%/năm, kể cả lãi suất cho vay trung hạn với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao cũng dao động từ 10-12%/năm.

Theo giải thích của các NHTM, các khoản vay trung và dài hạn luôn chứa đựng rủi ro cao, vì vậy lãi suất phải phản ánh tỷ lệ rủi ro này. Trong khi đó, rất nhiều DN chia sẻ, nhu cầu vay vốn trung và dài hạn hiện rất lớn nhưng NH cho vay thời hạn dài đồng nghĩa với việc NH phải chuẩn bị nguồn vốn lâu dài nên lãi suất cũng cao, đẩy chi phí tài chính DN tăng.

Trước đây, nhiều DN đã vay vốn trung, dài hạn của NH, hợp đồng vay vốn cam kết lãi suất vay cao, hiện nay lãi suất giảm nhưng cũng không thay đổi được lãi suất vay cũng là điều các DN cân nhắc.

Trong cơ cấu đầu tư, vốn ngắn hạn chủ yếu phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh lưu động, còn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu tái cấu trúc, đầu tư mới của DN, từ đó tái cấu trúc cả nền kinh tế, tạo ra sự phát triển ổn định lâu dài. Do đó, nếu không khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn, hoạt động đầu tư phát triển cũng sẽ tắc nghẽn, các mục tiêu tăng trưởng, tái cấu trúc khó có thể diễn ra như kỳ vọng.

Trước khó khăn về nguồn vốn trung và dài hạn, một số NHTM mong muốn NHNN nới tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Bởi nhu cầu của thị trường có nhưng hiện nay, tỷ lệ huy động dài hạn của các NH 15-20% tổng vốn huy động cộng với 30% vốn ngắn hạn, NH chỉ có thể cho vay trung và dài hạn tối đa 45-50% và hầu hết các NH đã sử dụng gần hết room này nên không còn vốn để đáp ứng nhu cầu của DN.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nếu “giật gấu vá vai” như vậy rủi ro sẽ rất cao. Giải pháp để giải bài toán vốn trung và dài hạn hiện nay là cần phải có sự hỗ trợ của NHNN.

Cụ thể, NHNN nên nghiên cứu các công cụ như thực hiện cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu với lãi suất thấp để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cho NHTM. Nếu có sự hỗ trợ của NHNN sẽ giải quyết được cả 2 vấn đề là tăng nguồn vốn và kéo giảm lãi suất. 2 vấn đề này được khơi thông sẽ kích tín dụng trung và dài hạn tăng và điều này sẽ phục vụ cho mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế đã đặt ra.

Các tin khác