Băn khoăn ưu đãi FDI

Câu chuyện DN FDI được hưởng nhiều ưu đãi lâu nay đã không còn mới. Song với những ưu đãi Chính phủ dành cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) cộng thêm nhiều đòi hỏi quá đáng thời gian qua đang khiến giới chuyên gia và các DN thép nội cảm thấy lo ngại cho một cuộc đấu không cân sức.

Câu chuyện DN FDI được hưởng nhiều ưu đãi lâu nay đã không còn mới. Song với những ưu đãi Chính phủ dành cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) cộng thêm nhiều đòi hỏi quá đáng thời gian qua đang khiến giới chuyên gia và các DN thép nội cảm thấy lo ngại cho một cuộc đấu không cân sức.

Cuộc chơi không bình đẳng?

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Việt, nhiều lần bày tỏ bức xúc với ĐTTC về một cuộc chơi thiếu bình đẳng giữa các DN thép nội và DN FDI. Ông Thái cho rằng DN thép 100% vốn nước ngoài nhận được quá nhiều ưu đãi, điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển các DN thép trong nước.

Và Công ty Formosa là thí dụ điển hình đang được nhắc đến nhiều nhất. Có thể điểm sơ những ưu đãi Chính phủ dành cho Formosa: hưởng thuế thu nhập DN ở mức ưu đãi cao nhất: chỉ 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, Formosa còn được miễn tiền thuê đất 15 năm, miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định…

Song dường như chưa hài lòng với những gì mình được hưởng, DN này còn đưa ra một loạt đòi hỏi hết sức vô lý. Mới đây nhất, DN này đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Giao thông-Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam xin giữ lại 30% phí luồng vào cảng đang phải trích nộp cho Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải.

Lý do Formosa đưa ra do đã tự xây dựng, duy tu luồng cảng Sơn Dương và đầu tư phương tiện phục vụ hỗ trợ luồng, giảm nhẹ gánh nặng cho Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải nên có thể xem xét miễn giảm tất cả phí bảo đảm hàng hải giao nộp.

Trước đó, Formosa Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải cho phép được tự đầu tư kinh doanh tàu thuyền vận chuyển thép thành phẩm trong lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, một kiến nghị của Formosa tuy đã bị Chính phủ bác bỏ nhưng vẫn gây nhiều luồng ý kiến trong dư luận là kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế Vũng Áng…

Formosa đang “được đằng chân lân đằng đầu”. Theo phân tích của một số chuyên gia, ngành thép có nhiều yếu tố hình thành giá thành sản phẩm, tuy nhiên tiền thuê đất và thuế thu nhập DN là 2 yếu tố rất quan trọng. Nhưng cả 2 điều này Formosa lại đang được hưởng.

Liệu đây có phải là sai lầm lớn nhất trong lịch sử ngành thép Việt Nam theo cách nói của một DN hay không. Các DN thép nội đang đứng trước nhiều bài toán khó như lượng hàng tồn kho cao, phải cạnh tranh với thép Trung Quốc… nay lại thêm câu chuyện của Formosa nói riêng và các DN FDI nói chung khiến khó càng thêm khó.

Tính toán được, mất

Thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ thu hút về vốn mà còn về công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thời gian gần đây, Chính phủ và nhiều địa phương dành nhiều ưu đãi cho các dự án công nghệ cao, tiêu biểu là các dự án của Samsung.

Mặc dù câu chuyện của Samsung không giống Formosa, tức không tạo ra cuộc chơi không bình đẳng trong ngành, nhưng chỉ riêng chuyện không thể bắt tay với Samsung để sản xuất các linh phụ kiện cũng cho thấy các DN nội chưa được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các hãng công nghệ nổi tiếng.

Hồi đầu năm, tại hội thảo về xem xét và đánh giá vai trò của chính sách khuyến khích đầu tư đối với tác động của nguồn vốn FDI với kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết khoảng 0,7% GDP là chi phí Việt Nam phải bỏ ra để thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho khu vực DN FDI. Điều này cho thấy cái giá nền kinh tế Việt Nam đang phải trả cho những chính sách ưu đãi ngày càng đắt lên.

Quay lại với câu chuyện của Formosa nếu đặt lên bàn cân tính toán được mất, không chỉ các DN nội trong ngành thép phải đối đầu với cuộc chiến không cân sức mà ngay cả ngân sách cũng không thu được bao nhiêu vì Nhà nước thu của DN chính là thuế nhưng chúng ta lại đang miễn quá nhiều cho Formosa.

Thêm vào đó, thép là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường và nhiều nước đang cắt giảm đầu tư vào ngành này thì Việt Nam lại rộng cửa với quá nhiều ưu đãi. Công nghệ Formosa đưa vào Việt Nam cũng không phải các công nghệ tiên tiến…

Quá trình làm nền móng của công ty Formosa Hà Tĩnh.

Quá  trình làm nền móng của công ty Formosa Hà Tĩnh.

Có thể nói ngành thép Việt Nam cần một cuộc thanh lọc, loại bỏ những DN yếu kém, công nghệ lạc hậu. Song với những DN mạnh trong ngành như Hòa Phát, Thép Việt, Hoa Sen… rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước để ngành công nghiệp thép Việt Nam có thể đứng bằng chính đôi chân của các DN nội.

DN trong nước rất cần nhiều trợ lực từ Chính phủ để cạnh tranh tốt hơn. Bảo vệ DN trong nước cũng chính là xu hướng chung khi các mức thuế đang giảm dần về 0% theo các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương liên tục được ký kết.

Các tin khác