Đề xuất lập Ban Chỉ đạo TƯ về tái cơ cấu kinh tế

Tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ thảo luận về Báo cáo giám sát tái cơ cấu nền kinh tế do Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện và sau đó sẽ ra một Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương cũng chuẩn bị một Báo cáo về “tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2014” trình lên Bộ Chính trị.

Tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ thảo luận về Báo cáo giám sát tái cơ cấu nền kinh tế do Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện và sau đó sẽ ra một Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương cũng chuẩn bị một Báo cáo về “tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2014” trình lên Bộ Chính trị.

Từ những căn cứ thực tiễn, Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương đã đưa đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Mục đích để quá trình tổ chức triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án cơ cấu lại đối với các ngành, lĩnh vực trọng tâm được thống nhất, đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả.

"Báo cáo chạm vào.... tim"

Mặc dù, không phải là người ưa dùng “lời lẽ có cánh”, song khi đọc xong Báo cáo tóm tắt từ Ban Kinh tế Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã không tiếc lời và cho rằng “Báo cáo này đã chạm vào trong trái tim tôi.”

Đi thẳng vào vấn đề, Báo cáo của Ban Kinh tế nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP đang chậm lại, tỷ lệ tăng trưởng bình quân (năm 2011-2013) đạt 5,64% thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (thời kỳ 2011-2015) là từ 6,5-7% và thấp hơn so với mức 7% của (thời kỳ 2006-2010).

Hiện, tăng trưởng GDP ở dưới mức tiềm năng và chưa có chuyển biến rõ rệt về chất lượng theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tụt hậu hơn so với các nước trong khu vực và thế giới, có nguy cơ vướng vào bẫy thu nhập trung bình.

Báo cáo chỉ ra, mô hình tăng trưởng chưa có sự đổi mới rõ rệt theo chủ trương của Đảng. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về dài hạn. Nền kinh tế vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ.

Đáng quan ngại, năng suất lao động của Việt Nam mặc dù đã có sự cải thiện (năm 2013 tăng 10,1% so với năm 2010 và dự kiến tăng khoảng 19,7% trong giai đoạn 2011-2015) nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, hiện đang kém từ 2-15 lần so với các nước ASEAN.

Cụ thể, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 3.000 USD/người/năm ở năm 2013, bằng 1/16 của Singapore, bằng 1/2 khối ASEAN.

Lo ngại lạm phát quá thấp

Cũng đánh giá về quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong thời thời gian qua, song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại tiếp cận ở “cung bậc” khác. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đã dành riêng nội dung nhấn mạnh về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù, tốc độ tăng trưởng GDP đang có xu hướng phục hồi trở lại trong 3 năm qua, nhưng với kết quả tăng trưởng của năm 2011 là 6,24%; năm 2012 là 5,25%; năm 2013 là 5,42% và dự báo năm 2014 tốc độ có thể tăng ở mức không lớn, từ đó Báo cáo đưa ra phân tích và cho rằng vẫn chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định xu hướng phục hồi trở lại.

Thêm vào đó, Ủy ban Kinh tế chỉ ra những hệ lụy của việc tốc độ tăng trưởng GDP (giai đoạn 2011- 2015) không đạt mục tiêu đề ra, “những yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, mô hình mới chưa định hình một cách rõ nét. Vấn đề lớn đặt ra là việc kiểm soát lạm phát đạt ở mức thấp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nếu quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến duy trì, phát triển doanh nghiệp, việc làm và tăng trưởng kinh tế.”

Ủy ban Kinh tế khá quan ngại và cho rằng, để đạt được mục tiêu “Bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế vào cuối kế hoạch 5 (năm 2011- 2015)” là hết sức khó khăn, hơn thế nữa kết quả này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Trách nhiệm đến đâu?

Điểm chung của cả hai báo cáo trên là sự thẳng thắn khi nhìn nhận về những thách thức nổi cộm và trong đó đặc biệt đề cao “trách nhiệm cụ thể” trong quá trình thực thi tái cơ cấu, bởi đây là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội.

Trên thực tế, trong cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội hồi đầu tháng Mười, các cử tri đã đưa ra ý kiến đề nghị: “Quá trình triển khai tái cơ cấu nền kinh tế chậm đã ảnh  hưởng đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, vậy cần thẳng thắn làm rõ trách nhiệm vì sao quá trình này chậm.”

Đồng tình quan điểm với các cử tri, nhiều đại biểu Quốc hội thực sự sốt ruột rước câu chuyện “trách nhiệm”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, “Tôi cũng như Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đều thấy rằng, chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, câu nặng nhất  nói về trách nhiệm, có lẽ đó là ‘chưa thể hiện quyết tâm cao’.”

Đóng góp ý kiến cho Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định, “đại biểu Quốc hội muốn nghe vấn đề đầu tiên là trách nhiệm. Trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, Quốc hội, bộ ngành địa phương đến đâu khi quá trình này chậm đi vào cuộc sống…”

Về vấn đề này, ông Giàu cũng khẳng định, “trong bất cứ quá trình vận động nào, trách nhiệm là vấn đề không thể né tránh và có làm rõ được trách nhiệm, thì mới đảm bảo cho quy trình vận động đạt được những mục tiêu cũng như tiến độ đề ra để đi đến thành công.”

Căn cứ từ thực tiễn, Ban Kinh tế Trung ương đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.

Theo Ban kinh tế Trung ương, “tái cơ cấu kinh tế phải thực hiện trên quá trình huy động và phân bổ thích đáng một phần nguồn lực công, chủ yếu từ các khoản thu về cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước để phục vụ cho cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là xử lý nợ xấu, sắp xếp lại lao động dôi dư, cơ cấu lại tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tài chính”.

Các tin khác