Phát triển CNHT: Nói dễ khó làm

Mục Thời luận số báo trước, ĐTTC có bài “Tham vọng công nghiệp hỗ trợ”, phản ánh việc đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) đủ năng lực cung ứng nguyên phụ liệu cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam; đến năm 2030 phấn đấu đạt 2.000 DN. Tuy nhiên, để mục tiêu và tham vọng này sớm thành hiện thực hoàn toàn không phải là điều dễ thực hiện.

Mục Thời luận số báo trước, ĐTTC có bài “Tham vọng công nghiệp hỗ trợ”, phản ánh việc đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) đủ năng lực cung ứng nguyên phụ liệu cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam; đến năm 2030 phấn đấu đạt 2.000 DN. Tuy nhiên, để mục tiêu và tham vọng này sớm thành hiện thực hoàn toàn không phải là điều dễ thực hiện.

Trình độ và công nghệ

 

Dù nhiều tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh đã có mặt tại Việt Nam từ lâu như Toyota, Honda, Samsung, Intel, Microsoft... nhưng đến nay phần lớn linh kiện, nguyên phụ liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, lắp ráp sản phẩm của các tập đoàn này đều được nhập khẩu. Đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử tại Việt Nam thời gian qua, Công ty TNHH  Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã không ngừng tìm kiếm đối tác cung cấp linh kiện, nguyên phụ liệu trong nước, nhưng đến nay sự hợp tác giữa SEV và các nhà sản xuất trong nước rất ít ỏi.

Theo một đại diện của SEV, trong 67 DN cung cấp linh kiện, nguyên  phụ liệu cho SEV hiện nay chỉ có 4 nhà cung cấp bao bì là DN Việt Nam, gồm CTCP In và bao bì Goldsun, CTCP Sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty TNHH Bao bì Việt Hưng và Công ty TNHH Nam Á.

Những năm qua ngành CNHT trong nước chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Ngành công nghiệp ô tô đặt mục tiêu đến năm 2020 nội địa hóa 60% nhưng hiện chỉ đạt 7-8%; ngành dệt may dự kiến nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 nhưng nay vẫn phải nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải.

(Số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp)

Lý giải về tình trạng DN phụ trợ trong nước chưa thể tham gia sâu chuỗi cung ứng hàng hóa của DN FDI thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng khác với nhà đầu tư đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc khi đầu tư vào Việt Nam thường kéo theo các DN vệ tinh của họ.

Vì trước đây, các tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc đã tiến hành bảo hộ các sản phẩm nên họ có hệ thống DN vệ tinh bản địa rất vững chắc. Mặt khác, cũng phải thấy rằng trình độ công nghệ DN Việt Nam hiện nay khá lạc hậu. Trong phát triển công nghệ, thế giới có 4 mức: (1) tiếp thu công nghệ; (2) làm chủ công nghệ và cách quản lý; (3) sáng kiến; (4) sáng tạo. Nhưng từ nay đến năm 2020, Việt Nam cũng chỉ đạt được trình độ phát triển công nghệ ở mức 1 và mức 2.

Các tập đoàn đa quốc gia thường chia mạng lưới sản xuất thành DN vệ tinh vòng 1, vòng 2, vòng 3 và vòng 4 là vệ tinh của vệ tinh. Với trình độ công nghệ hiện có, DN hỗ trợ Việt Nam đang đóng vai trò DN vệ tinh vòng 3, vòng 4.

"Vấn đề đặt ra trong thu hút FDI của Việt Nam hiện nay là phải có điều kiện về liên kết giữa DN vệ tinh của các nhà đầu tư FDI với khu vực DNNVV trong nước để hình thành một quá trình tiếp cận, chuyển giao công nghệ, từ đó tạo đà cho ngành CNHT trong nước vươn lên" - TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định.

Chọn sản phẩm ưu tiên

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, không phải cứ đưa ra nhiều ưu đãi đầu tư FDI cho một lĩnh vực là chúng ta sẽ thúc đẩy được sự chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đó. Bởi những năm qua Việt Nam đã đưa ra rất nhiều ưu đãi, bảo hộ để phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước, nhưng đổi lại không có được những cam kết chặt chẽ, chỉ nhận được những lời hứa về chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Kết quả, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô không thành công vì thiếu cả 2 nhân tố quyết định là quy mô thị trường và sự chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất ô tô.

Từ kinh nghiệm về sự thành công trong chiến lược thu hút đầu tư FDI để phát triển CNHT của Malaysia trong lĩnh vực điện và điện tử (E&E), Thái Lan trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất ô tô, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, cho rằng mỗi quốc gia cần dựa trên lợi thế so sánh của đất nước để lựa chọn ngành, sản phẩm ưu tiên.

Từ đó tập trung nguồn lực phát triển để nhanh chóng đạt đến quy mô cần thiết tạo ra giá trị sản phẩm lớn thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc xây dựng một chiến lược phát triển ngành đúng đắn sẽ quyết định sự thành công của CNHT trong nước.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có thể đồng thời phát triển CNHT theo 2 hướng: Thứ nhất, sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành điện tử công nghệ cao phục vụ hoạt động sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử của Intel, Samsung.

Thứ hai, phát triển CNHT ngành may mặc, da dày, công nghiệp chế tạo khác để nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Mại, nước ta nên coi việc tập trung phát triển CNHT cho các sản phẩm điện tử công nghệ cao là định hướng chính của quốc gia, để từ nay đến năm 2020 phát huy được những lợi thế và điều kiện sẵn có. Nếu làm được điều này Việt Nam có vị thế xứng đáng trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu về công nghiệp điện tử.

TS. Võ Trí Thành khẳng định giá trị cốt lõi cuối cùng của thu hút đầu tư FDI là sức lan tỏa của các DN FDI với nền sản xuất trong nước. Về nguyên tắc nhà đầu tư FDI mang vào 1 đồng họ phải mang về 1,1 đồng. Về việc điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư FDI hiện nay, dù có thể làm giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, nhưng đổi lại sẽ làm tăng hiệu quả và kích thích sự lan tỏa của các dự án đầu tư FDI. Vì vậy, nên quy định cụ thể về thời gian ưu đãi đối với từng DN FDI là 5 năm hay 10 năm, sau thời gian ưu đãi này nếu DN FDI vẫn báo lỗ phải trừ phần lỗ đó vào vốn đầu tư ban đầu.

Các tin khác