Loay hoay chống chuyển giá

Thực trạng các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển giá, báo lỗ để trốn thuế đang gây bức xúc và đòi hỏi ngành thuế phải tăng cường thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, cơ quan thuế có nên đối đầu với các tập đoàn đa quốc gia như Metro Cash & Carry, Coca Cola, Nestlé… hay tìm cách biến họ thành đối tác?

Thực trạng các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển giá, báo lỗ để trốn thuế đang gây bức xúc và đòi hỏi ngành thuế phải tăng cường thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, cơ quan thuế có nên đối đầu với các tập đoàn đa quốc gia như Metro Cash & Carry, Coca Cola, Nestlé… hay tìm cách biến họ thành đối tác?

Đối đầu

Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), cho biết theo tổng hợp đánh giá kết quả kinh doanh năm 2010-2011 từ 62 tỉnh, thành với 5.531 DN FDI đang hoạt động (chiếm khoảng gần 60% số DN FDI cả nước đang hoạt động) không bao gồm lĩnh vực dầu khí, ngân hàng và tổ chức tín dụng, có nhiều DN kê khai thua lỗ lớn và kéo dài.

Cụ thể, năm 2011 có 2.518 DN báo cáo lỗ (chiếm 45,5% số DN báo cáo năm 2011), tăng 9% so với năm 2010. Trong số những DN FDI đang hoạt động, có 3.175 DN có số lỗ lũy kế đến thời điểm đánh giá (chiếm 57,4%). Đặc biệt, có 529 DN báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu.

Việc xác định giao dịch hàng hóa, dịch vụ của DN có sát giá thị trường hay không cần có thông tin. Cơ quan thuế có thể khai thác thông tin từ nhiều nguồn, trong đó có thông tin rất quan trọng do cơ quan thuế các nước cung cấp. Nhưng để có những thông tin này rất khó, vì một mặt cơ quan thuế nước ngoài cần có thời gian để tra cứu, tìm hiểu, mặt khác vì lợi ích DN nước họ nên cơ quan thuế nước ngoài cung cấp thông tin thường chậm hoặc không đầy đủ.

Bà Nguyễn Thị Cúc,
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Cơ quan thuế cho rằng một số DN có hành vi chuyển giá để tránh thuế thu nhập. Trước thực trạng này, từ quý IV-2013 cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra hoạt động chuyển giá đối với 47 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may; sản xuất, gia công giày dép, ba lô, túi xách xuất khẩu, thiết bị điện tử; xây dựng.

Đến nay đã hoàn thành công tác thanh tra tại 23 DN, còn 24 DN đang thảo luận để ký kết biên bản thanh tra. Đối với 23 DN đã hoàn thành thanh tra, cơ quan thuế đã điều chỉnh tăng doanh thu và giảm chi phí do điều chỉnh giá sản phẩm trong giao dịch liên kết 5.982 tỷ đồng.

Từ đó dẫn đến điều chỉnh bù đắp số lỗ phát sinh trước giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng được chuyển vào giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng 231 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm số lỗ phát sinh theo kê khai của DN trong giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng trên 888 tỷ đồng. Truy thu thuế thu nhập DN trên 360,5 tỷ đồng. Phạt vi phạm hành chính trên 14 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III-2014 của Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn khẳng định tiếp sau kế hoạch thanh tra Tập đoàn bán lẻ Metro Cash & Carry, thời gian tới cơ quan thuế sẽ tập trung thanh tra hàng loạt DN FDI.

Còn trong năm 2015, trong tổng số các DN ngành thuế kiểm tra sẽ tập trung vào 15-20% DN kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá. Hiện nay, cơ quan thuế đã tập hợp các dấu hiệu chuyển giá, đặc biệt với các DN có giao dịch liên kết như: Trường hợp đầu tư ban đầu lớn ở các ngành công nghiệp nặng, khai thác quặng mỏ... chi phí đầu tư ban đầu, khấu hao lớn nên DN kê khai lỗ; trường hợp DN kinh doanh thua lỗ phải rút vốn kinh doanh khỏi Việt Nam.

Ngoài ra, các trường hợp kê khai lỗ do vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu dẫn tới chi phí lãi vay lớn nên lỗ; nâng giá thiết bị đầu vào, có giao dịch liên kết với công ty mẹ ở nước ngoài cũng bị đánh giá là chuyển giá…

Hay đối tác?

Theo các chuyên gia, hoạt động chuyển giá xuất phát từ việc DN FDI lo ngại chính sách thuế thiếu minh bạch và thay đổi khó lường. Nó cho phép họ xác định được mức thuế ổn định trong tương lai gần để đảm bảo hiệu quả của dự án đầu tư.

Do đó, chuyển giá là một thực tế không tránh khỏi. Thay vì đối đầu với các công ty đa quốc gia có nguồn lực tốt tại tòa án, trên các phương tiện truyền thông, một chiến lược được nhiều quốc đánh giá hiệu quả hơn là đàm phán thực hiện cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) với nhà đầu tư.

Doanh thu của Metro liên tục tăng nhưng báo lỗ tới 11/12 năm?

Doanh thu của Metro liên tục tăng nhưng báo lỗ tới 11/12 năm?

Ông Nguyễn Quang Tiến cho biết ngành thuế kỳ vọng vào hiệu quả của cơ chế APA. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu, tạo thuận lợi cho công tác hành thu, chống thất thu, chống chuyển giá tại các DN trong nước và DN FDI đồng thời tạo sự chủ động cho DN trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Bởi trong quá trình tham vấn, người nộp thuế phải cung cấp, giải trình đầy đủ các thông tin, dữ liệu và các bằng chứng hỗ trợ để Tổng cục Thuế có cơ sở đưa ra các phản hồi, đánh giá, nhận xét về phương pháp xác định giá thị trường được đề xuất; quyết định về việc chấp thuận hoặc từ chối việc người nộp hồ sơ đề nghị APA chính thức...

Tuy nhiên, việc áp dụng APA trên thực tế cũng không đơn giản, vì để tìm được tiếng nói chung, nhất là việc cơ quan thuế và DN thỏa thuận áp dụng giá giao dịch trong tương lai. DN đăng ký biên độ tỷ suất lợi nhuận 8-10%, nếu có những ảnh hưởng khách quan về thị trường, chi phí đầu vào khiến tỷ suất lợi nhuận không đạt được nhưng cơ quan thuế vẫn ấn định thuế thu nhập trên cơ sở mức đã đăng ký.

Hoặc nếu DN hoạt động tốt và vượt mức tỷ suất lợi nhuận đã đăng ký cơ quan thuế sẽ thu thêm trên phần vượt… Đó là lý do ở nhiều quốc gia để ký kết được APA các cơ quan chức năng mất một khoảng thời gian khá dài.

Các tin khác