Kỳ vọng cử tri

Theo thông lệ, là kỳ họp cuối năm nên kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sẽ tập trung thời gian xem xét, thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Trước thềm kỳ họp, tình hình kinh tế khó khăn, mục tiêu tăng trưởng 5,8% có đạt được hay không là vấn đề được thảo luận tại nhiều diễn đàn. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để vượt qua thách thức, đặc biệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đề ra trong Nghị quyết 19 của Chính phủ.
 

Hôm nay 20-10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Trong hơn 1 tháng làm việc, kỳ họp lần này của Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, đòi hỏi từng đại biểu Quốc hội phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, có nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng lòng mong đợi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Theo thông lệ, là kỳ họp cuối năm nên kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sẽ tập trung thời gian xem xét, thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Trước thềm kỳ họp, tình hình kinh tế khó khăn, mục tiêu tăng trưởng 5,8% có đạt được hay không là vấn đề được thảo luận tại nhiều diễn đàn. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để vượt qua thách thức, đặc biệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đề ra trong Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Sau hơn 6 tháng nghị quyết được triển khai, phần lớn bộ, ngành đã rà soát, đánh giá và một số ngành nóng như thuế và hải quan đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với ngành thuế, việc cắt giảm thủ tục đã giúp giảm tới gần 300 giờ nộp thuế và tiết kiệm 4.400 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực hải quan, để giảm thời gian thông quan, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã ban hành các quy định mới sẽ góp phần giảm 1,5 triệu chứng từ phải nộp cho cơ quan hải quan mỗi năm. Các ngành khác cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm thủ tục hành chính, như trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, đăng ký doanh nghiệp… để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết 19 cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại của hệ thống quản lý. Đó là tư duy quản lý kiểu “xin - cho”, “không quản được thì cấm”, không đốc thúc tận nơi thì kêu khó không làm. Để thực sự có bước đột phá trong triển khai Nghị quyết 19, có lẽ cần thêm áp lực trách nhiệm thay đổi tư duy quản lý từ cả diễn đàn Quốc hội - nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp như tinh thần của Hiến pháp năm 2013, các đạo luật quan trọng dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)… cũng phải được xây dựng trên nguyên tắc đó.

Một vấn đề thời sự được dư luận quan tâm tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án lớn với số vốn đầu tư giai đoạn 1 (đến năm 2025) đã gần 8 tỷ USD. Và đây mới là khái toán, bởi khi được Quốc hội thông qua chủ trương, chủ đầu tư mới tính toán chi tiết, xác định chính xác tổng mức đầu tư. Điều này cũng có nghĩa mức đầu tư chưa chắc đã dừng ở 8 tỷ USD, mà có thể cao hơn, bởi đội vốn đầu tư so với khái toán được xem là căn bệnh cố hữu của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ở Việt Nam.

Vậy số vốn quá lớn như trên sẽ được huy động từ nguồn nào và có thực sự cần thiết, khi ngân sách nhà nước luôn trong tình trạng căng thẳng, bội chi lớn, còn nợ công quốc gia vào năm tới sẽ đạt mức 64% GDP, chỉ thấp hơn ngưỡng an toàn 65% GDP 1%. Tất nhiên, phía cơ quan xây dựng dự án cũng đã đưa ra các phương án huy động vốn, cũng như lý do cần thiết để tiến hành dự án này.

Nhưng dù có là nguồn vốn nào, đó cũng là tiền của dân, của đất nước. Cử tri mong muốn tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm với dân để thảo luận kỹ, tính toán mọi mặt và vấn đề quan trọng, phải giải đáp thỏa đáng các thắc mắc của cử tri trước khi bấm nút thông qua dự án đặc biệt quan trọng này.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ có phiên giám sát tối cao về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, sau 3 năm triển khai đến nay chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế kết quả chưa thực sự rõ nét. Với chương trình giám sát tối cao lần này, Nhân dân kỳ vọng Quốc hội sẽ chỉ ra những địa chỉ trì trệ, trách nhiệm của ai và hiến kế những quyết sách mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới.

Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp đầu tiên Quốc hội làm việc tại Nhà Quốc hội mới. Hy vọng, không gian làm việc của công trình có quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước sẽ tạo động lực đổi mới mạnh mẽ hơn hoạt động của Quốc hội, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân; xứng đáng là các đại biểu dân cử trước những vấn đề nóng của đất nước.

Các tin khác