Quy hoạch TTTM (K1): Những câu chuyện trái ngược

Xây dựng các trung tâm thương mại (TTTM) đang diễn ra đầy sôi động tại Hà Nội hay TPHCM tưởng chừng là một việc không có gì đáng để bàn cãi. Tuy nhiên, sau vụ việc tiểu thương chợ Tân Bình TPHCM, hay mới đây là chợ Thành Công Hà Nội kêu cứu, phản đối việc đổi chợ thành TTTM, có lẽ đã đến lúc việc xây dựng TTTM cần có sự quy hoạch, tính toán kỹ, đặc biệt câu chuyện xung đột chợ - TTTM cần phải được chấm dứt.

Xây dựng các trung tâm thương mại (TTTM) đang diễn ra đầy sôi động tại Hà Nội hay TPHCM tưởng chừng là một việc không có gì đáng để bàn cãi. Tuy nhiên, sau vụ việc tiểu thương chợ Tân Bình TPHCM, hay mới đây là chợ Thành Công Hà Nội kêu cứu, phản đối việc đổi chợ thành TTTM, có lẽ đã đến lúc việc xây dựng TTTM cần có sự quy hoạch, tính toán kỹ, đặc biệt câu chuyện xung đột chợ - TTTM cần phải được chấm dứt.

Tiểu thương kêu cứu

Lotte Center là một trong những TTTM mới và hiện đại bậc nhất Hà Nội. Dù khai trương tại thời điểm đầy bất lợi, khu phức hợp này vẫn được kỳ vọng không gặp phải không khí ảm đạm, buồn tẻ các TTTM đang phải gánh chịu. Tuy nhiên, sau 1 tháng khai trương, những đánh giá được cho là tiêu cực của nhiều chuyên gia trước đây đã thành sự thực, Lotte tiếp tục đi vào vết xe đổ của nhiều TTTM khác. Có mặt tại Lotte Center vào lúc 11h trưa, ngoài khu vực ăn uống khá nhộn nhịp, các gian hàng mua sắm ở TTTM hoành tráng vừa khai trương này gần như không có người.

Tầng 1, 2, 3, 4 nơi bày bán các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ trang sức… vắng ngắt, cả mặt bằng hàng trăm m2 mỗi tầng sáng choang, lộng lẫy nhưng chỉ có nhân viên bán hàng và lèo tèo 4-5 khách hàng qua lại. Theo một nhân viên bán hàng mỹ phẩm tại tầng 1, ngày cuối tuần sẽ đông hơn một chút, ngày bình thường cũng có khi cả ngày không có khách.

Tình trạng tương tự cũng xảy đến với những TTTM như Parkson, Hàng Da, Cửa Nam… Tại TTTM - chợ Hàng Da, mới 6h chiều nhưng ngoài khu vực dành cho chợ có khách, các tầng trên gần như không một bóng người, thậm chí có quầy hàng đã chuẩn bị đóng cửa để ra về.

Thực trạng bi đát này cũng chính là nguyên nhân để hàng trăm tiểu thương chợ Thành Công - khu chợ chỉ nằm cách Lotte vài km - đồng loạt treo băng rôn phản đối, kêu cứu khi chủ đầu tư Decotech - T&M Việt Nam của dự án TTTM - chợ Thành Công khoan thăm dò địa chất tại khu chợ này và lên kế hoạch chuyển tiểu thương ra chợ tạm, không hề thăm dò ý kiến người dân.

Theo các tiểu thương khu chợ Thành Công, việc xây TTTM thay thế cho chợ ở khu vực này không hợp lý bởi gần đó đã có Lotte, xa hơn một chút là Grand Plaza, về phía Cầu Giấy đã có Indochina Plaza… trong khi đó, cả khu vực này gần như chỉ có chợ dân sinh Thành Công, nếu xây thành TTTM không khác gì lấy chỗ thiếu đắp vào chỗ thừa.

“Tiểu thương không thể bê cá, bê rau vào bán ở TTTM được và người dân lao động nghèo cũng không ai gửi xe để vào TTTM mua mớ rau, con cá. Lên TTTM tiểu thương chỉ có chết” - chị Minh, chủ sạp hàng hoa quả ở cổng chợ Thành Công, nói.

Quy hoạch cơ học?

Có một thực tế khá buồn là sự thờ ơ của người dân với các TTTM hoành tráng và sự phản đối của tiểu thương đối với các dự án “hoán cốt” cho chợ gần như chìm lấp dưới những con số khả quan, nức lòng về thị trường bán lẻ và sự phát triển ồ ạt về dân số. Tại một hội thảo đầu tuần trước, các chuyên gia cho rằng tốc độ phát triển thị trường bán lẻ nước ta đang rất ấn tượng.

Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng năm 2014 đạt 2.145.470 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, cả năm 2014 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2.970.300 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Và khi so vào tốc độ phát triển này, nhiều chuyên gia đã cho rằng việc phát triển mặt bằng bán lẻ, trong đó bao gồm cả TTTM còn quá chậm. Cụ thể, theo kế hoạch đến năm 2020, cả nước có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 TTTM và 157 trung tâm mua sắm.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công Thương, đến cuối năm 2013 cả nước mới có khoảng 724 siêu thị và 132 TTTM các loại, số cửa hàng tiện lợi cũng chỉ khoảng vài trăm, cùng 8.546 chợ các loại, khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình.

Câu hỏi đặt ra ở đây là việc xây dựng các loại hình bán lẻ hiện đại như TTTM hay siêu thị có đơn thuần chỉ dựa vào quy mô phát triển dân số, tốc độ tăng trưởng chung của thị trường bán lẻ - những số liệu cứng và mang tính chung chung như cách quy hoạch trước nay vẫn làm?

Hay còn cần các nhà quy hoạch “lao tâm khổ tứ” nhiều hơn, đi sâu vào nhu cầu của từng khu vực, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của người dân và các tiểu thương để có sự điều tiết, phân bố đúng chỗ?.

Trao đổi với ĐTTC, TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS Trưởng TP Hà Nội, cho rằng vấn đề quy hoạch chợ TTTM không thể chỉ dựa vào quy mô dân số đến năm nào đó là chừng này, phải cố xây bằng được chừng ấy TTTM, hay là tốc độ phát triển đang cao thế này, nếu không xây sẽ không kịp. Xem xét quy mô dân số là đúng nhưng phải xem xét đến yếu tố phân bổ dân cư hợp lý.

Thí dụ, Hà Nội đang cố gắng giảm dân số khu vực lõi nội đô, vậy xây thêm TTTM theo như quy hoạch có hợp lý? “Ngoài ra, có một yếu tố vẫn bị xem nhẹ đó là văn hóa đặc thù của địa phương. Hà Nội vẫn đang có cấu trúc làng xã với những quần thể dân cư sống đã hàng trăm năm và chợ là một cách thức để giao lưu văn hóa. Vì thế, xóa bỏ chợ thay bằng một loại hình khác cũng là phá vỡ cấu trúc bền chặt này” - ông Nghiêm nhấn mạnh.

Lotte được xây dựng hoành tráng nhưng vắng khách vào ra. Ảnh: H.TRÂM

Lotte được xây dựng hoành tráng nhưng vắng khách vào ra. Ảnh: H.TRÂM

Sự cứng nhắc trong quy hoạch này, trên thực tế có thể thấy rất rõ. Cách đây không lâu, các tiểu thương chợ Ngã Tư Sở đã vui mừng khi được dọn từ khu vực chợ tạm quay về chốn cũ. Và cũng thật may TP Hà Nội đã kịp dừng dự án TTTM - chợ này, bởi lẽ nằm bên cạnh một TTTM hoành tráng bậc nhất khu vực Đông Nam Á là Royal City, sự tồn tại hay thu hút khách của TTTM - chợ Ngã Tư Sở là điều không tưởng.

Rõ ràng, bài toán quy hoạch và phê duyệt quy hoạch đang có vấn đề khi đặt 2 dự án TTTM nằm cách nhau chưa đến 100m.

(Còn tiếp)

Các tin khác