3 năm tái cơ cấu hệ thống NHTM theo QĐ 254

Khó cán đích theo lộ trình

LTS: Tháng 3-2012, Chính phủ thông qua Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015”. Theo đó, từ 2011-2012 tập trung hỗ trợ thanh khoản, rà soát, phân loại TCTD và mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém; năm 2014 căn bản tái cơ cấu tài chính và năm 2015 căn bản tái cơ cấu hoạt động và quản trị. Sau 3 năm, bên cạnh những mặt đạt được, hệ thống NHTM cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

LTS: Tháng 3-2012, Chính phủ thông qua Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015”. Theo đó, từ 2011-2012 tập trung hỗ trợ thanh khoản, rà soát, phân loại TCTD và mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém; năm 2014 căn bản tái cơ cấu tài chính và năm 2015 căn bản tái cơ cấu hoạt động và quản trị. Sau 3 năm, bên cạnh những mặt đạt được, hệ thống NHTM cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Nợ xấu đan xen sở hữu chéo

Cơ chế hoạt động của một tổ chức như VAMC ở các quốc gia thực chất là nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian chờ kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên rồi thoái vốn. Nhưng VAMC của Việt Nam không như vậy. VAMC mua nợ bằng giấy, giấy đó là trái phiếu đặc biệt, được mang lên giao dịch với NHNN để vay tiền. Bán nợ, cầm giấy, NH vẫn phải tiếp tục đòi nợ và thêm một công đoạn mới là mỗi năm trích dự phòng rủi ro 20% tổng giá trị tờ giấy ấy.

Đến nay tốc độ tăng nợ xấu tuy có giảm nhưng quy mô vẫn lớn. Bởi nợ xấu ngày càng khó xác định và vẫn chưa có biện pháp xử lý cơ bản, bài toán giải quyết nợ xấu vẫn nan giải. Đáng chú ý, sau khi NHNN ban hành Quyết định 780 cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ theo hướng giãn, hoãn kỳ hạn nợ để tránh áp lực nợ bị nhảy nhóm, không ít đơn vị đã lạm dụng quá mức chính sách này để tránh áp lực về số liệu nợ xấu.

Chính hành vi này dẫn đến nợ xấu không được phản ánh thực chất và không trích lập đủ mức cần thiết. Xét về tỷ lệ nợ xấu đáng nói nhất nằm ở nhóm NHTM cổ phần khi đa số vượt 3% - ngưỡng an toàn do NHNN và các tổ chức quốc tế đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý nợ xấu chỉ thực hiện khoanh vùng, chưa xử lý dứt điểm được. Hiện VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá.

VAMC đã tổ chức 3 lần đấu giá nhưng đều thất bại do thực hiện theo cách thông thường, giá bán không linh hoạt, nên không làm thị trường nợ chuyển động. VAMC công bố đến cuối tháng 8-2014 đã mua được tổng cộng 59.000 tỷ đồng nợ xấu. Con số này có thể thấp hơn số nợ xấu phát sinh từ tháng 10-2013 đến nay. Với cách thức tiến hành hiện tại, sẽ chẳng NH nào giải thể, phá sản vì nợ, nhưng sẽ nợ đến chết.

Vấn đề sở hữu chéo giữa các TCTD vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả. Điều này bắt nguồn từ Nghị định 141/2006/NĐ-CP, ngày 22-11-2006 yêu cầu tất cả NHTM phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Áp lực tăng vốn điều lệ đã buộc các NH phải liên kết thông qua nắm giữ cổ phần của nhau.

Việc NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong một thời gian dài từ năm 2006 đến 2010 đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bùng nổ mạnh mẽ. Để có đủ vốn cung cấp cho nền kinh tế với quy mô lớn và thường xuyên, các TCTD buộc phải liên kết sở hữu với nhau. Hiện trạng mạng lưới sở hữu chéo ở Việt Nam vẫn đang hết sức phức tạp, đã tạo thành ma trận chằng chịt đến mức báo động, dù các quy định khống chế tình trạng này không thiếu, nhưng rất ít thông tin được công khai.

Trên thực tế, Luật Các TCTD năm 2010 đã có những quy định rõ ràng về vấn đề sở hữu cổ phần của các cá nhân và TCTD. Tuy nhiên, để lách luật, các TCTD đã hoặc thông qua trung gian để mua cổ phần của các TCTD đã mua cổ phần của mình, hoặc cá nhân tìm cách núp bóng người khác để sở hữu cổ phần NH vượt quá con số quy định 5% vốn điều lệ của TCTD như quy định.

Cách đích Basel II khá xa

Ðề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đặt ra lộ trình đến năm 2015 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể thực hiện được bởi cho đến nay dù tốc độ tăng nợ xấu có giảm, nhưng quy mô nợ xấu còn rất lớn, rủi ro hệ thống vẫn còn và khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của nợ xấu.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2014, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại nhấn mạnh đến việc thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống NHTM, mà nếu cần thiết sẽ cho phá sản NH yếu kém. Tuy nhiên, có những vướng mắc vượt tầm giải quyết của NH đó, hay của chính NHNN.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng phải quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu hệ thống các TCTD, mà trọng tâm đầu tiên vẫn là xử lý nợ xấu phải mạnh mẽ và dứt điểm. Tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã nêu ý kiến NHNN phải tạo được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống NH, các TCTD, các công ty tài chính gắn với thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống NH lành mạnh. Nhưng hơn 2 năm qua tái cơ cấu hệ thống NH chưa chuyển biến tích cực như mong đợi.

Phải nói rằng trình độ quản trị NH vẫn chưa đáp ứng tốt các chuẩn mực quốc tế. Việc thiếu các thành viên độc lập trong HĐQT, sự hạn chế về trình độ của những người điều hành vẫn là nhân tố hạn chế hiệu quả quản lý tại các NH.

Sự thiếu rõ ràng và minh bạch trong mối quan hệ giữa HĐQT, ban điều hành, ban kiểm soát cũng như chưa có những cơ chế giải quyết triệt để dẫn tới giảm tính độc lập của ban kiểm soát khi thực hiện vai trò của mình. Hiệp ước Basel I ra đời năm 1988, nhưng phải 17 năm sau Việt Nam mới bắt đầu thực hiện với sự ra đời của 2 quyết định quan trọng: Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN, ngày 19-4-2005, sau đó đã được thay thế bằng Thông tư 13/2010/TT-NHNN, ngày 20-5-2010 và Thông tư 19/2010/TT-NHNN, ngày 27-9-2010, về đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các TCTD; Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN, ngày 22-4-2005 về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng trong hoạt động của các TCTD.

Thực tế, mức độ vận dụng Basel I của các NH Việt Nam vẫn còn chưa đầy đủ do thiếu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu. Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM lớn dù đã đạt mức 8%, nhưng được tính toán trên cơ sở các chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Còn Basel II đến khi nào? Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia châu Á đã triển khai Basel II cho thấy thường mất 5-7 năm kể từ lúc bắt đầu đến khi hoàn toàn tuân thủ. Do đó, nếu không triển khai nghiêm túc từ đầu, hệ thống NH Việt Nam sẽ cách đích Basel II khá xa.

Trên thực tế, các NHTM tuy đã đạt được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% theo Basel II, nhưng nếu trích lập dự phòng rủi ro đúng và đủ theo quy định của NHNN, chắc chắn tỷ lệ này sẽ sụt giảm, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi con số nợ xấu vẫn chưa thể xác định được chính xác là bao nhiêu.

Thể chế và cơ chế

Thực trạng trên xuất phát từ hệ thống pháp luật trong lĩnh vực NH còn thiếu, chồng chéo, bất cập hoặc chậm sửa đổi; chưa áp dụng những quy định quan trọng tạo điều kiện cho ngành phát triển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và lộ trình hội nhập, như luật phá sản, luật mua - bán, sáp nhập, hợp nhất...

Hệ thống thanh tra, giám sát hoạt động NH chưa phát huy hiệu quả trong bối cảnh các NHTM phát triển nhanh về quy mô. Các tiêu chuẩn cấp phép, các chuẩn mực an toàn chưa chặt chẽ, chưa kiềm chế mức độ rủi ro gia tăng trong hoạt động NH. Nguyên tắc thị trường và kỷ cương, kỷ luật, an toàn trong hoạt động NH không được đề cao; thiếu minh bạch về thông tin và các hành vi cố ý làm trái quy định pháp luật trong NH chưa đuợc xử lý nghiêm.

SCB là ngân hàng hợp nhất đầu tiên từ 3 ngân hàng trong lộ trình tái cơ cấu. Ảnh: LONG THANH

SCB là ngân hàng hợp nhất đầu tiên từ 3 ngân hàng trong lộ trình tái cơ cấu.
Ảnh: LONG THANH

Lấy đơn cử theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 19/2010/TT-NHNN về hoạt động giám sát từ xa của NHNN, mới chỉ được thể hiện trong nội dung giám sát chất lượng tài sản bằng việc thống kê các khoản nợ quá hạn hoặc trong việc giám sát các giới hạn tín dụng của NHTM, chưa đủ để đánh giá mức độ rủi ro tín dụng của NHTM.

Vì thế cần phải có những đánh giá định tính khác như đánh giá tiêu chuẩn cấp tín dụng và đánh giá quy trình cấp tín dụng của NH. Hoạt động giám sát của NHNN đối với các NHTM chủ yếu vẫn mang tính theo dõi, giám sát một cách riêng lẻ với từng NH, chưa thấy xu hướng chung của cả hệ thống; chưa chú trọng vào hoạt động cảnh báo sớm của các NHTM. Do vậy, rủi ro hệ thống và khủng hoảng thanh khoản có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của nợ xấu vẫn còn.

Về phía NHTM chưa chủ động tự tái cơ cấu, nợ xấu chưa được xác định một cách đầy đủ, chưa thực sự nghiêm túc chấp hành những quy định về cho vay và đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Trình độ và năng lực của các cấp lãnh đạo, cũng như nhân viên còn nhiều hạn chế, chưa nỗ lực trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, chưa tìm ra hướng đi riêng trong hoạt động NH.

Việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý các TCTD yếu kém là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên nhưng cần tăng tốc thực hiện để đảm bảo nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Các tin khác