Ê chề trang phục

Chương trình “Nhân tố bí ẩn” đang bước vào hồi kết thúc, thì xảy ra sự cố ê chề: nhóm Fband dùng chiếc khăn piêu của người Thái để đóng khố. Mục đích của nhóm Fband là dùng trang phục người Ẻ-đê để thể hiện các ca khúc viết về vùng đất bazan nắng gió. “Nhân tố bí ẩn” được phát sóng trên truyền hình quốc gia, nên khán giả nhận ra sự ngớ ngẩn trên và phản ứng khá dữ dội.

Chương trình “Nhân tố bí ẩn” đang bước vào hồi kết thúc, thì xảy ra sự cố ê chề: nhóm Fband dùng chiếc khăn piêu của người Thái để đóng khố. Mục đích của nhóm Fband là dùng trang phục người Ẻ-đê để thể hiện các ca khúc viết về vùng đất bazan nắng gió. “Nhân tố bí ẩn” được phát sóng trên truyền hình quốc gia, nên khán giả nhận ra sự ngớ ngẩn trên và phản ứng khá dữ dội.

Trang phục biểu diễn của nhóm Fband không phải họ tự thiết kế, mà do ban tổ chức thuê một đơn vị thuộc Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM. Như vậy, lỗi không phải của nhóm Fband, mà là một câu chuyện đáng suy ngẫm về giáo dục và văn hóa.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, sống trải dài non sông hình chữ S. Không ai dám ung dung khẳng định mình có sự hiểu biết đầy đủ về bản sắc đa dạng và phong phú của từng dân tộc. Người miền Nam thông thuộc hơn một chút về người Khơ Me, người Hoa. Người miền Trung tương đối gần gũi với người Chăm, người Ba Na. Người miền Bắc cũng không xa lạ với người Tày, người Mường. Sự cách ngăn địa lý cũng gây trở ngại đáng kể cho sự chia sẻ văn hóa giữa các vùng đất nằm xa nhau. Phải nhìn nhận như vậy, để có thể đánh giá khách quan về trường hợp trang phục của nhóm Fband.

Chiếc khăn piêu khá nổi tiếng, vì là đề tài trữ tình cho một bài hát. Thế nhưng, giữa cảm xúc âm nhạc và kiến thức thực tế không hề đồng nhất. Nhóm Fband không tỏ tường, ban giám khảo không tỏ tường, ban tổ chức “Nhân tố bí ẩn” không tỏ tường, và những nhà truyền hình cũng không tỏ tường. Một sự cố nằm ngoài ý muốn, mà trách giận riêng ai cũng không nỡ.

Sự cố cũng nhắc nhở cả xã hội về sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Hô hào không phải phương pháp hữu hiệu để tự hào bản sắc Việt. Hãy đưa những nét đặc trưng của từng dân tộc vào chương trình phổ thông càng nhiều càng tốt. Thay vì bắt học sinh thuộc lòng những bài tụng ca khô cứng, nên cho học sinh tiếp cận cái hay, cái đẹp của từng dân tộc bằng những tiết học trực quan. Chỉ cần học sinh phân biệt được trang phục của người Mông với người Nùng, trang phục của Dao với người Mạ, chắc chắn những nhầm lẫn kiểu “Nhân tố bí ẩn” sẽ không xảy ra.

Ngành giáo dục đang hăng hái biên soạn lại sách giáo khoa. Sự cố chiếc khăn piêu chính là một gợi ý thú vị và cũng là một đơn đặt hàng có giá trị dài lâu.

Các tin khác