Cần khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh

Hệ thống NHTM Việt Nam vẫn giữ được ổn định trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế, nhiều mục tiêu không đạt. Nguyên nhân chủ yếu do còn thiếu cách tiếp cận tổng hợp để xử lý tổng thể các vấn đề, đặc biệt thiếu một khuôn khổ pháp lý mang tính hệ thống.

Hệ thống NHTM Việt Nam vẫn giữ được ổn định trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế, nhiều mục tiêu không đạt. Nguyên nhân chủ yếu do còn thiếu cách tiếp cận tổng hợp để xử lý tổng thể các vấn đề, đặc biệt thiếu một khuôn khổ pháp lý mang tính hệ thống.

Chưa tạo chuyển biến về chat

 

Tháng 5-2013, Chính phủ thông qua 2 đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và “Thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC)”. Để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội đối với các đề án, NHNN đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành triển khai các đề án; chủ trì với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành nhiều văn bản như: Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21-01-2013; Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 9-11-2012; Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012; Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 31-1-2013; Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 17-9-2013…

Theo đó, NHNN đã tiến hành thanh tra toàn diện pháp nhân 32 TCTD trong năm 2012 và 25 TCTD trong năm 2013 để phân loại, đánh giá đúng thực trạng tài chính, hoạt động, quản trị. Căn cứ kết quả thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập, NHNN đã yêu cầu các TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại nhằm khắc phục những yếu kém, vi phạm pháp luật và thực hiện các giải pháp cơ cấu lại phù hợp.

Riêng đối với 9 NHTM yếu kém cần cơ cấu lại, NHNN đã thành lập tổ giám sát tại từng NH; chỉ đạo các NHTM nhà nước hỗ trợ thanh khoản và tham gia cơ cấu lại; thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu đối với từng NH với sự tham gia của một số bộ, ngành, địa phương. Kết quả các NHTM yếu kém có nguy cơ đổ vỡ cũng đã được NHNN kiểm soát chặt chẽ và từng bước được xử lý thông qua các giải pháp thích hợp nhờ đó mà thị trường tiền tệ bước đầu dần đi vào ổn định.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, các NHTM vẫn còn một chặng đường dài đầy thách thức phía trước trong tiến trình tái cơ cấu. Bởi quá trình thực hiện cho thấy vẫn còn quá nhiều hạn chế, khả năng khó hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ về đích đúng hạn của đề án vào năm 2015.

Cụ thể các NH sau hợp nhất, sáp nhập, mặc dù đã có sự tăng lên đáng kể về quy mô vốn và tài sản nhưng chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về mặt cơ học, chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị, chưa có sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất lẫn lượng cũng như phương thức hoạt động.

Còn chặng đường dài

Tái cơ cấu hệ thống NHTM xét trên góc độ dài hạn và tổng thể, không thể tách rời tái cơ cấu đầu tư công và DNNN. Bởi hiện nay có đến 60% các khoản nợ xấu NH là của DNNN. Nếu các DNNN không thay đổi về chất thông qua tái cơ cấu, chỉ chuyển nợ từ các NH sang VAMC, khả năng trả nợ của các DNNN không đổi, chỉ là xử lý về mặt kỹ thuật để làm trong sạch bảng cân đối kế toán của các NH.

Để thực hiện thành công mục tiêu quá trình tái cơ cấu hệ thống các NHTM, trước mắt NHNN cần ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc ủy quyền của VAMC cho các NHTM trong xử lý nợ xấu. Xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia, đồng thời xây dựng thị trường mua - bán nợ, phát triển thị trường trái phiếu và tạo hành lang pháp lý cho chứng khoán hóa các khoản nợ xấu.

Ngoài ra cần bổ sung quy định về bảo vệ cổ đông thiểu số, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể gián tiếp tham gia hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) các TCTD; xây dựng quy định định giá tài sản khi thực hiện M&A, trong đó phản ánh đầy đủ giá trị hữu hình và vô hình của TCTD; chuẩn hóa lại mẫu hợp đồng M&A, quy định cụ thể thời điểm cung cấp thông tin khi thực hiện M&A.

Bên cạnh quyết liệt hơn trong xử lý tình trạng sở hữu chéo trong các TCTD, việc cải thiện chất lượng quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động của các NHTM phải được đẩy mạnh. Theo đó, cần thay đổi cách tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).

Thông tư 13/2010/TT-NHNN nên quy định lại phần tính mẫu số của công thức tính CAR với việc cộng cả rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp. Về hệ số rủi ro của các tài sản có trong công thức tính CAR tại Điều 5 của thông tư này cần phân loại tài sản chi tiết và tính đến sự khác biệt giữa các mức độ rủi ro riêng biệt.

Đối với các khoản phải thu, hệ số rủi ro được xác định dựa trên loại hình tài sản đặc biệt (giấy tờ có giá, bất động sản…) và đối tượng (chính quyền trung ương, địa phương; công ty trực thuộc…), nhưng đồng thời phải chi tiết cho rủi ro theo mức độ tín nhiệm của đối tác hoặc theo đặc điểm khoản tín dụng. Ngoài ra cũng cần bổ sung quy định về giới hạn liên quan đến đòn bẩy tài chính (vốn tự có/tổng tài sản) của các NHTM.

Về phía NHNN cần có lộ trình cụ thể việc áp dụng Basel II và Basel III. Theo đó, tăng cường yêu cầu an toàn vốn với mô hình tập đoàn tài chính - NH và quản lý mô hình này dựa theo khuyến nghị của Ủy ban Basel. Bên cạnh đó, cần có các chính sách như miễn, giảm thuế, phí hợp lý liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 2 năm đối với các TCTD sau khi thực hiện M&A...

Thực hiện cho vay, hỗ trợ nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý dưới hình thức tái cấp vốn đối với các TCTD tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém từ nguồn tiền cung ứng của NHNN. Cho phép TCTD yếu kém, các TCTD tham gia xử lý các TCTD yếu kém thực hiện có lộ trình trích lập dự phòng rủi ro, nhằm hỗ trợ về thời gian cho TCTD khắc phục tồn tại tài chính. Cho phép các TCTD có lộ trình xử lý một số vi phạm phát sinh do việc M&A như: sở hữu cổ phần, cấp tín dụng… vượt giới hạn, chưa đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn hoạt động.

Giải pháp khác là xác lập cơ chế cho phép NHNN mua lại cổ phần tại một số NHTM cổ phần để góp phần tháo gỡ vướng mắc của các DNNN trong thoái vốn khỏi lĩnh vực NH, của các cổ đông đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ, cũng như đảm bảo sự ổn định của hệ thống NH sau khi các cổ đông thoái vốn. Thực tế cần thiết phải xem xét áp dụng biện pháp phá sản một số TCTD yếu kém không thể "chữa" được.

Các tin khác