Luật Phá sản: Rườm rà quy định quản tài viên

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản (có hiệu lực từ 1-1-2015) về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với nhiều hạn chế, bất cập tại dự thảo, khi Luật Phá sản có hiệu lực, việc thực thi sẽ gặp khó khăn.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản (có hiệu lực từ 1-1-2015) về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với nhiều hạn chế, bất cập tại dự thảo, khi Luật Phá sản có hiệu lực, việc thực thi sẽ gặp khó khăn.

Nhiêu khê thủ tục

Theo Luật Phá sản, quản tài viên có vai trò quan trọng trong quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã…

Quản tài viên còn có quyền đề nghị thẩm phán tiến hành các công việc như thu thập tài liệu, chứng cứ; tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

Trong bản góp ý mới đây về dự thảo nghị định liên quan đến quản tài viên, VCCI cho rằng sau khi rà soát vẫn còn một số quy định chưa đáp ứng được mục tiêu về trình tự, thủ tục phải đảm bảo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính, chặt chẽ, công khai, minh bạch; chưa khả thi để có thể thi hành ngay, tránh tình trạng phải có nhiều văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, theo dự thảo, quản tài viên muốn hành nghề phải thực hiện 2 thủ tục: đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên và đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Theo VCCI, việc quản lý quản tài viên theo 2 thủ tục này sẽ gây trùng lắp, vượt quá mức cần thiết và chưa đảm bảo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bởi để đảm bảo quản tài viên có đủ kiến thức và năng lực chuyên môn để thực hiện công việc, việc quản lý bằng chứng chỉ hành nghề quản tài viên là đủ, vì thủ tục đăng ký hành nghề quản tài viên không phục vụ cho mục tiêu đảm bảo năng lực chuyên môn này. Bên cạnh đó, để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ của quản tài viên (công việc này thực chất là một dịch vụ, quản tài viên thực hiện dịch vụ này như một nghề kinh doanh) hiện đã có đủ các thủ tục cần thiết đối với chủ thể cung cấp dịch vụ.

Thí dụ, quản tài viên làm việc trong doanh nghiệp đã có thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; quản tài viên hoạt động độc lập đã có các thủ tục đăng ký thương nhân tương ứng.

Mặt khác, Luật Phá sản có hiệu lực vào đầu năm 2015 và quản tài viên là một chế định hoàn toàn mới, nên sẽ có hiện tượng tại thời điểm luật phát sinh hiệu lực, không có đội ngũ quản tài viên để tham gia quy trình giải quyết phá sản.

Do mục tiêu của nghị định này phải đảm bảo cung cấp nhanh chóng đội ngũ quản tài viên để thực thi các quy định tại Luật Phá sản, nên quy định về thủ tục cũng phải nhanh chóng, hiệu quả. Việc trải qua 2 thủ tục mới được phép hành nghề trong khi không rõ về mục tiêu cũng như ý nghĩa của các thủ tục, sẽ gây khó khăn cho các đối tượng đủ điều kiện được hành nghề quản tài viên, kéo dài thời gian để hoàn thiện. Điều này đi ngược mục tiêu của dự thảo này.

Chưa đảm bảo thi hành ngay luật

Không ai khuyến khích doanh nghiệp phá sản để phát triển nghề quản tài viên. Vì thế, không nên đưa ra các tiêu chí đối với quản tài viên như một nghề độc lập. Thực tế, những người được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên như luật sư, kiểm toán viên đều đã được kiểm soát chặt chẽ, được ràng buộc với các tiêu chuẩn của nghề này. Do đó, đối với quản tài viên cần cấp chứng chỉ hành nghề theo cách thức đơn giản.

Ông Bùi Văn Mai,
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

Theo VCCI, quy định về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên chưa đảm bảo tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, chặt chẽ. Theo dự thảo, thời hạn cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định cấp hay không cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đây là khoảng thời gian quá dài vì hồ sơ cần xem xét không quá phức tạp, đều là các tài liệu đã được cơ quan thứ ba xác nhận.

Bên cạnh đó, thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề quản tài viên cũng lên đến 30 ngày là quá dài. Không những vậy, quy định thủ tục cấp lại chứng chỉ chưa rõ ràng, minh bạch khi chưa chỉ ra cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền xác nhận trường hợp chứng chỉ hành nghề quản tài viên bị mất, những trường hợp không được cấp lại chứng chỉ hành nghề…

Góp ý của VCCI cũng chỉ ra, một số quy định tại dự thảo chưa đủ cụ thể, rõ ràng, chưa đảm bảo có thể thi hành ngay. Chẳng hạn, dự thảo quy định về các trường hợp quản tài viên bị tạm đình chỉ hành nghề nhưng không quy định về thời hạn tạm đình chỉ, trường hợp nào bãi bỏ biện pháp tạm đình chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, dự thảo có một số quy định còn mang tính định tính, trao quá nhiều quyền mang tính chất suy đoán cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể là dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu.

Ngoài ra, dự thảo có một số quy định trao quyền cho bộ, cơ quan ngang bộ khá chi tiết. Thí dụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên; Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao hướng dẫn quy định chuyển tiếp đối với các nội dung quy định tại Điều 131 của Luật Phá sản và Tổ quản lý, thanh lý tài sản được thành lập theo quy định của Luật Phá sản năm 2004.

Như vậy, ngay cả khi nghị định này ban hành, Luật Phá sản vẫn phải chờ các văn bản hướng dẫn mới có thể triển khai thực hiện được. Mặt khác, luật giao Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao hướng dẫn về điều khoản chuyển tiếp, nhưng trong dự thảo Chính phủ lại trao quyền tiếp cho Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn tiếp là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Phá sản.

Các tin khác