Ai giám sát chất lượng từ điển?

Từ điển giống như một công cụ không thể thiếu đối với việc học hành và nghiên cứu. Tầm quan trọng về tính chính xác và tính khoa học của từ điển không thể xem nhẹ. Đáng tiếc, trong xu hướng xuất bản cởi mở, từ điển bỗng trở thành một loại sách bình thường trên thị trường, ai cũng dễ dàng biên soạn và phát hành. Một khi trăm hoa đua nở, chất lượng từ điển tụt dốc thảm hại.

Từ điển giống như một công cụ không thể thiếu đối với việc học hành và nghiên cứu. Tầm quan trọng về tính chính xác và tính khoa học của từ điển không thể xem nhẹ. Đáng tiếc, trong xu hướng xuất bản cởi mở, từ điển bỗng trở thành một loại sách bình thường trên thị trường, ai cũng dễ dàng biên soạn và phát hành. Một khi trăm hoa đua nở, chất lượng từ điển tụt dốc thảm hại.

Mới đây, dư luận sửng sốt khi đề cập đến nội dung “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất do NXB Hồng Đức phát hành. Cuốn sách này còn được lưu trong hệ thống Thư viện Quốc gia Việt Nam với bản in của NXB Trẻ năm 2001 và vẫn được bày bán với bản in của NXB Thanh Niên năm 2011. “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” có cách giải thích nghĩa rất ngớ ngẩn, kiểu như “Quản giáo” là "người coi một giáo đường hay tu viện" hoặc “Tao đàn” là "chỗ nằm của tao nhân thi sĩ", hoặc “Tù trưởng” là "người đứng đầu trông coi tội nhân"... Nếu hiểu như vậy sẽ tạo ra một thế hệ người Việt lệch lạc về tiếng Việt. “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” đã làm méo mó ngôn ngữ dân tộc một cách tồi tệ. Do được cấp giấy phép xuất bản nên học sinh, nhà trường và phụ huynh bị đẩy vào mê hồn trận khi tham khảo cuốn sách này.

“Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” không phải trường hợp cá biệt. Nếu có cuộc khảo sát đầy đủ đối với các ấn phẩm tương tự. Ngay cả “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của cố giáo sư Nguyễn Lân cũng tồn tại không ít bất cập, cần được chỉnh sửa và bổ sung hoàn thiện hơn.

Từ điển là một công trình đòi hỏi người biên soạn phải có trình độ nhất định và lao động nghiêm túc, không phải NXB nào cũng có đội ngũ biên tập viên đủ khả năng thẩm định và đánh giá chất lượng từ điển. Nếu tình trạng NXB nào cũng có quyền in từ điển thoải mái, những hệ lụy tương lai không thể nào tiên liệu.

Từ điển, nhất là từ điển tiếng Việt, cần phải đạt chuẩn mực nhất định về sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Hiện nay hầu như không có cơ quan nào đảm trách chất lượng từ điển tiếng Việt. Bài học be bét của “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” chính là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc. Đã đến lúc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam mà trực tiếp là Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, cần phối hợp với NXB Giáo dục để có những điều chỉnh thích hợp nhằm xuất bản một cuốn từ điển tiếng Việt chuẩn chất dành cho học sinh.

Các tin khác