Cỗ máy kiếm tiền của khủng bố (K3): Những biện pháp trá hình

Để có một nguồn tiền ổn định và hợp pháp, các tổ chức khủng bố đã sử dụng nhiều biện pháp trá hình khác nhau.

Để có một nguồn tiền ổn định và hợp pháp, các tổ chức khủng bố đã sử dụng nhiều biện pháp trá hình khác nhau.

Cỗ máy kiếm tiền của khủng bố (K2): Mại dâm và buôn lậu

Cỗ máy kiếm tiền của khủng bố (K1): Bắt cóc tống tiền

Núp bóng từ thiện

Từ lâu al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác đã sử dụng một số nhà gây quỹ cốt lõi để thu hút tiền từ các nhà tài trợ. Các tổ chức từ thiện có một số đặc tính khiến chúng dễ bị lợi dụng để khai thác tài trợ cho khủng bố. Chúng thường được công chúng tin tưởng do đó dễ tiếp cận với các nguồn tài nguyên quan trọng, đa phần là tiền mặt. Ngoài ra, các tổ chức này có mặt ở nhiều nước, cung cấp điều kiện cần thiết cho các hoạt động giao dịch quốc gia và quốc tế.

Ở một số nước, các quỹ từ thiện chỉ bị kiểm soát bởi một số quy định lỏng lẻo, thậm chí không hề bị kiểm soát (về đăng ký, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và kiểm toán tài khoản...). Họ cũng thường dễ dàng lập quỹ mà không cần vốn pháp định ban đầu hay yêu cầu tối thiểu về nhân viên. Các tổ chức từ thiện cho phép những tổ chức khủng bố huy động, chuyển tiền và phân phối kinh phí cần thiết cho mục đích tuyên truyền, tuyển dụng và đào tạo.

Từ thiện là một trong những nguyên tắc cơ bản của đạo Hồi, tất cả tín đồ có tiền của đều bắt buộc phải đóng zakat (đóng góp tính theo % thu nhập của các tín đồ). Ngoài ra, kinh Koran và truyền thống Hồi giáo cũng kêu gọi tín đồ ủng hộ sadaqah (đóng góp tự nguyện) cho người nghèo. Những khoản tiền này được dùng để tài trợ cho các hoạt động tôn giáo, nhân đạo và xã hội.

Al-Qaeda đã mua chuộc nhân viên trong các tổ chức từ thiện để chuyển tiền từ các chương trình nhân đạo, xã hội hợp pháp cho các hoạt động bất hợp pháp của chúng. Trong một số trường hợp, al-Qaeda đã thiết lập những mạng lưới tổ chức từ thiện riêng như một vỏ bọc để huy động tiền trực tiếp. Al-Qaeda cũng sử dụng các tổ chức từ thiện để truyền bá những tư tưởng cực đoan nhất trong Hồi giáo.

Ở nhiều nước, các tổ chức này không chịu sự giám sát của các cơ quan nhà nước. Một thí dụ điển hình là trường hợp của Tổ chức Cứu trợ Hồi giáo quốc tế (IIRO), một trong những định chế từ thiện Hồi giáo lớn nhất có trụ sở ở Jeddah (Ả Rập Xê-út). Dù các hoạt động của IIRO tập trung các chương trình tôn giáo, giáo dục, xã hội và nhân đạo, nhưng tổ chức này được biết đã vô tình hoặc cố ý tài trợ cho al-Qaeda.

IIRO có chi nhánh ở khắp thế giới nhưng khoản đóng góp tài chính lớn nhất của nó đến từ Ả Rập Xê-út. IIRO có một quỹ quyên góp để tạo ra nguồn tiền ổn định nhằm tài trợ cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo, IIRO có liên đới trong việc tài trợ cho các hoạt động khủng bố.

Một trường hợp đáng ngờ khác là tổ chức Hồi giáo Al Haramain (AHIF) có trụ sở tại Ả Rập Xê-út, tự xưng là một tổ chức phi chính phủ (NGO) với mục tiêu từ thiện và giáo dục. Al Haramain là một trong những NGO hoạt động trên toàn thế giới và được cho là hỗ trợ al-Qaeda. Nhà sáng lập và cựu lãnh đạo Al Haramain, Aqeel Abdul Aziz Al Aqeel, cùng các chi nhánh của Al Haramain ở những nước khác, bị cáo buộc hỗ trợ tài chính và vật chất cho al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác như Jemaah Islamiya, Al Itihaad al Islamia, Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập (EIJ) và Lashkar e Tayyiba.

Năm 2008, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cáo buộc toàn thể tổ chức Al Haramain tài trợ ngân sách cho mạng lưới al-Qaeda. Từ năm 2002-2004, 3 chi nhánh của tổ chức này ở các nước bị kết tội huy động quỹ cho khủng bố. Theo một báo cáo năm 2009 của cảnh sát Pakistan, Al Haramain đã đóng góp khoảng 15 triệu USD cho các tổ chức thánh chiến ở nước này. Trong đó, hầu hết chảy vào túi của Tehrik e Taliban (TTP), tổ chức chịu trách nhiệm nhiều vụ đánh bom liều chết và bị cáo buộc đã ám sát bà Benazir Bhutto.

Một tổ chức từ thiện khác có trụ sở tại Kuwait là Islamic Heritage Society (RIHS) cũng bị cáo buộc cung cấp tài chính và vật chất cho al-Qaeda và các chi nhánh của chúng. Năm 2002, Hoa Kỳ và Ủy ban Trừng phạt LHQ đã đưa tổ chức này vào danh sách khủng bố. RIHS cũng bị cáo buộc hỗ trợ ngân sách và hậu cần cho Lashkar e Tayyiba (LeT) - tổ chức khủng bố ở Pakistan có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda, đã thực hiện các vụ tấn công tàu lửa ở Mumbai năm 2006 và tòa nhà quốc hội Ấn Độ năm 2001.

Công ty bình phong

Al-Qaeda đã dùng những công ty thương mại để tự cấp ngân sách cũng như chuyển tiền qua lại. Một điển hình là Barakaat, một mạng lưới công ty có chi nhánh ở 40 nước, hoạt động trong các lĩnh vực viễn thông, xây dựng và tài chính. Mỗi năm Barakaat chuyển hàng triệu USD từ Hoa Kỳ tới al-Qaeda hay các chi nhánh của nó.

Chính trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin Laden đã đầu tư cho mạng lưới công ty này như một cách kiếm tiền và chuyển tiền cho riêng ông cũng như toàn tổ chức. Barakaat cũng có mối quan hệ gần gũi với các tổ chức từ thiện Hồi giáo Al Haramain và IIRO. Một trường hợp khác là tổ chức khủng bố Al Itihaad Al Islamiya (AIAI) ở Somalia, chuyên tổ chức các trại đào tạo khủng bố ở Trung Đông.

Al Itihaad Al Islamiya tài trợ hoạt động của mình bằng nhiều hoạt động thương mại khác nhau, chẳng hạn xuất khẩu than sang Trung Đông, cung cấp dịch vụ hậu cần, vận tải, an ninh và bảo vệ, viễn thông, trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính, công ty nông nghiệp, khách sạn, thậm chí tham gia phân phối quyền khai thác thủy sản.

Việc sử dụng các công ty ma và các công ty ủy thác nước ngoài để che dấu danh tính của cá nhân hoặc tổ chức tham gia tài trợ khủng bố đặt ra vấn đề khó khăn đối với những nỗ lực điều chỉnh hoạt động giao dịch tiền tệ. Đó là các công ty, quỹ hoặc tổ chức được đăng ký tại một trung tâm tài chính ngoài lãnh thổ.

Một điển hình là Tổng công ty Kinh doanh Quốc tế (IBC), đã được sử dụng để tạo ra những cấu trúc tài chính phức tạp. Chúng có thể tạo ra sản phẩm tài chính từ cổ phiếu không ghi tên và không cần phải công bố tài khoản. Cư dân tại các trung tâm tài chính có thể đóng vai trò là giám đốc bù nhìn hoặc cổ đông để che giấu các giám đốc hoặc chủ sở hữu thực sự.

Cỗ máy kiếm tiền của khủng bố (K3): Những biện pháp trá hình ảnh 1

Tiền công đức ở các đền thờ Hồi giáo có thể bị sử dụng để tài trợ khủng bố.

Theo điều tra của Tòa án Tối cao Tây Ban Nha (Audiencia Nacional), nhóm GSPC (nay là al-Qaeda ở khu vực Hồi giáo - AQIM) hoạt động dựa trên nguồn tiền chuyển về từ các nước đến Algeria và Syria. Để làm điều này, họ đã sử dụng các công ty ma hoặc các công ty bình phong ở những thiên đường thuế như Bahamas và Delaware.

Audiencia Nacional lần theo dấu vết một công dân Algeria ở Tây Ban Nha với các tài khoản ngân hàng ở Palma de Mallorca dưới tên của một công ty Hoa Kỳ thành lập tại Delaware. Người này đã chuyển tổng số tiền 200.000USD để trả cho các dịch vụ của một công ty công nghệ thông tin có trụ sở ở Hà Lan và Đức. Nhưng công ty liên quan phủ nhận việc xuất các hóa đơn đó. Điều này khiến các nhà điều tra tin rằng số tiền này đã rời Tây Ban Nha cho các mục đích khác.

Có một xu hướng mới là sự liên hệ giữa khủng bố và các hoạt động tội phạm ảo. Theo một điều tra của cảnh sát Anh, 3 thành viên của một tổ chức khủng bố có kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công ở Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Đông đã sử dụng một số thẻ tín dụng ăn cắp để mua các hạng mục như hệ thống GPS, kính nhìn ban đêm, túi ngủ, điện thoại, dao và lều từ hàng trăm trang web.

Trong số mua hàng của họ là hàng trăm điện thoại di động trả trước và hơn 250 vé máy bay, được mua bằng 110 thẻ tín dụng khác nhau. 3 người đàn ông cũng liên quan đến việc rửa tiền cướp từ tài khoản ngân hàng với sự trợ giúp của các trang web đánh bạc trực tuyến. Những món đồ chúng mua dự định gửi cho các chiến binh thánh chiến ở Iraq.

(Còn tiếp)

Các tin khác