CPH, thoái vốn tại PVN: Gian nan phía trước

Ông Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết từ nay đến cuối năm 2015 PVN sẽ hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 3/5 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). 2 doanh nghiệp còn lại sẽ CPH sau 2015 là Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPOWER) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL).

Ông Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết từ nay đến cuối năm 2015 PVN sẽ hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 3/5 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). 2 doanh nghiệp còn lại sẽ CPH sau 2015 là Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPOWER) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL).

Hiện PVCFC đã hoàn thành việc xác định giá trị CPH (tổng tài sản là 5.300 tỷ đồng), nhưng còn có điểm vướng duy nhất là giá khí và đang được PVN trình Thủ tướng Chính phủ giá khí năm 2015 và sau CPH. Trên thực tế, PVCFC có lãi nhờ vào chính sách bù giá khí theo lộ trình của Chính phủ. Song cơ chế giá khí hiện nay Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận đến hết năm 2014.

Do đó, để đảm bảo CPH và bán cổ phần lần đầu thành công, PVN cho biết đã có văn bản đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách giá khí phù hợp cho  PVCFC, đồng thời phê duyệt gia hạn cơ chế điều tiết giá khí sau CPH. “Nếu được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 10, tháng 12 PVCFC sẽ hoàn thành xong kế hoạch với doanh nghiệp này để lên kế hoạch CPH” - ông Hồng nói.

PVN đã phê duyệt phương án tái cơ cấu 18/18 doanh nghiệp và đang chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp theo đúng lộ trình. Lãnh đạo PVN đã có văn bản chỉ đạo người đứng đầu các công ty thành viên hoàn thành việc sắp xếp theo đúng kế hoạch và nếu không đạt sẽ coi là không hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Lê Minh Hồng,
Phó Tổng giám đốc PVN

Về BSR, theo ông Hồng việc đàm phán với Gazprom Neft (Nga) trong việc tham gia mua 49% cổ phần vẫn đang được tiến hành và dự kiến trong năm 2015 sẽ hoàn thành thỏa thuận này. Trường hợp đàm phán không thành công, PVN sẽ tiếp tục đầu tư và tiến hành CPH.

Với DQS (tiếp nhận từ Vinashin), theo đại diện PVN, do vốn đầu tư quá lớn, vốn nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp đã hết, nên theo quy định DQS không đủ điều kiện để CPH. Vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, PVN đang nghiên cứu để chuyển công ty sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nắm giữ vốn hoặc cán bộ, công nhân viên trong ngành. Ông Hồng thừa nhận CPH DQS là việc làm hết sức khó khăn.

Liên quan đến việc thoái vốn, PVN hiện đang nắm giữ vốn tại 11 doanh nghiệp ngoài ngành, trong đó có PVcomBank và OceanBank. Hiện việc thoái vốn tại 2 ngân hàng này đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Riêng với PVcomBank, theo chỉ đạo, PVN sẽ hỗ trợ tối đa cho ngân hàng này. Tất cả kế hoạch, lộ trình việc thoái vốn vẫn sẽ đảm bảo hoàn thành trước thời điểm 31-12-2015.

Tại hội nghị trước đó về tái cơ cấu ngành dầu khí, ông Lê Minh Hồng cho biết đang còn nhiều tồn tại ở không ít đơn vị. Đó là bộ máy quản lý gián tiếp còn cồng kềnh, hiệu quả chưa cao; cơ cấu, số lượng lãnh đạo còn lớn, không hợp lý, chất lượng nguồn nhân lực còn tồn tại nhiều yếu kém, hạn chế. Bên cạnh đó, định mức chi phí còn cao, sức cạnh tranh thấp so với các đơn vị bên ngoài trong cùng ngành, cùng lĩnh vực; hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp nếu so với lãi suất ngân hàng, thậm chí một số đơn vị kinh doanh thua lỗ…

Đối với công tác CPH, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp dầu khí nằm ở việc nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, nhiều đặc thù, có doanh nghiệp chịu sự điều tiết về giá bán sản phẩm của Nhà nước nên thời gian chuẩn bị, tháo gỡ khó khăn trước CPH thường kéo dài. Xung quanh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau CPH còn nhiều bất cập.

Việc CPH Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Việc CPH Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, Nhà nước chưa có quy định rõ ràng (thí dụ giá khí cho PVCFC và ưu đãi thuế cho BSR), nên thời gian kiến nghị, đề xuất kéo dài, đồng thời nếu không phê duyệt  có thể nhìn thấy ngay doanh nghiệp sẽ thua lỗ sau CPH. Ngoài ra, chi phí cho CPH (tối đa 500 triệu đồng) là quá thấp, dẫn đến việc tìm đối tác, cổ đông chiến lược bị hạn chế.

Đối với công tác thoái vốn, vì các tập đoàn kinh tế và tổng công ty cùng tiến hành thoái vốn đồng loạt đã tạo ra nguồn cung quá lớn trên TTCK, trong khi nhu cầu thị trường còn hạn hẹp (bất động sản, vốn góp…). Các đơn vị thuộc đối tượng thoái vốn kinh doanh hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, thậm chí có đơn vị không còn hoạt động liên tục và nhiều yếu tố khách quan khác ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn.

Các tin khác