Trung Quốc áp trần nợ địa phương

Trong một nỗ lực kiềm chế nợ công địa phương, cuối tuần trước chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch áp trần đối với hoạt động vay nợ của các chính quyền địa phương, đồng thời cấm họ vay mượn thông qua các công cụ tài chính.

Trong một nỗ lực kiềm chế nợ công địa phương, cuối tuần trước chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch áp trần đối với hoạt động vay nợ của các chính quyền địa phương, đồng thời cấm họ vay mượn thông qua các công cụ tài chính.

Tất cả hoạt động vay mượn của các tỉnh, thành sẽ chỉ ở trong mức quy định của Hội đồng Nhà nước, chính phủ và được Quốc hội phê chuẩn, theo một tuyên bố của chính phủ hôm 2-10. Tuy nhiên, con số hạn ngạch cụ thể chưa được công bố. Thông báo cũng cho biết kể từ nay chính quyền trung ương sẽ không bảo lãnh nợ cho chính quyền địa phương nữa.

“Đại tiệc vay mượn” của các chính quyền địa phương Trung Quốc kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến các nhà kinh tế khắp thế giới lo ngại. Nhiều định chế uy tín, trong đó có Ngân hàng JPMorgan Chase & Co., so sánh nợ địa phương Trung Quốc với những món nợ từng nhấn chìm các nước châu Á vào khủng hoảng tài chính Đông Á và khoản nợ khiến Nhật Bản rơi vào thập niên mất mát.

Bắc Kinh đang cố gắng kiềm chế rủi ro tài chính nhưng không muốn làm trì trệ hơn nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại. “Tác động điều này đối với tăng trưởng có thể tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng tích cực trong dài hạn” - theo Tommy Xie, một nhà kinh tế của Ngân hàng OCBC có trụ sở tại Singapore. “Trong ngắn hạn, các chính quyền địa phương sẽ phải thận trọng hơn, có thể khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nhưng về dài hạn, nó làm tăng minh bạch và tái phân bổ hợp lý nguồn vốn”.

Mức nợ địa phương sẽ được dùng như một tiêu chí cứng để đánh giá cán bộ. Chính quyền địa phương sẽ được cấp “quyết định hạn chế vay mượn”, bao gồm cả phát hành trái phiếu cho các dự án dịch vụ công cộng. Họ phải đảm bảo tài chính cho các dự án hiện có. Tính đến ngày 30-6-2013, nợ chính quyền địa phương tăng tới 67% so với cuối năm 2010, lên 17.900 tỷ NDT (2.900 tỷ USD), theo Văn phòng Kiểm toán Quốc gia. Gần 40% các khoản nợ chính quyền địa phương được huy động thông qua hơn 7.000 công cụ tài chính của họ.

Tuyên bố được đưa ra sau khi cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã thông qua sửa đổi luật ngân sách quốc gia vào cuối tháng 8, đặt ra khuôn khổ pháp luật cho phép chính quyền địa phương huy động vốn bằng cách bán trái phiếu trực tiếp. Trước đây, các chính quyền tỉnh, thành đã lách quy định cấm họ trực tiếp phát hành nợ hoặc vay vốn ngân hàng bằng cách thiết lập hàng ngàn công ty để huy động vốn làm đường sá, cầu cống và sân vận động thể thao.

“Thành phố ma” Ordos, một sản phẩm của việc vay nợ địa phương quá đà.
“Thành phố ma” Ordos, một sản phẩm của việc vay nợ địa phương quá đà.

Từ nay, Trung Quốc chỉ cho phép chính quyền địa phương vay vốn cho các dự án phi lợi nhuận trong khi vừa phải hoàn trả khoản nợ hiện tại, thông cáo viết. Họ sẽ không được phép huy động tiền cho mục đích chi tiêu nói chung. Trong khi chính quyền địa phương có thể có "quyết định hạn chế" về vay nợ, công cụ tài chính của họ sẽ bị cấm thêm nợ liên quan chính phủ.

Chánh thanh tra của Trung Quốc cho biết hồi tháng 6 rằng tăng trưởng nợ chính quyền địa phương đã chậm lại, một dấu hiệu cho thấy nỗ lực giám sát chặt chẽ hơn các khoản vay và kiềm chế ngân hàng ngầm (shadow banking) đã có hiệu quả. Kinh tế Trung Quốc dự báo tăng 7,3% trong năm nay, theo ước tính của các nhà kinh tế tham gia một khảo sát của Bloomberg hồi tháng 9.

Đó sẽ là tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990. Bắc Kinh đã hạn chế sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế có tác động trên diện rộng để vực dậy tăng trưởng, thay vào đó, họ dùng những bước kính thích hạn chế như việc nới lỏng các chính sách thế chấp trong tuần trước để hỗ trợ thị trường nhà đất.

Các tin khác