Thủ tướng yêu cầu tính toán sát lại nợ công

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng phải tính toán sát lại tình trạng nợ công để báo cáo nhân dân, Quốc hội nắm bắt.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng phải tính toán sát lại tình trạng nợ công để báo cáo nhân dân, Quốc hội nắm bắt.

Thông tin kỹ hơn tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Chín vừa tổ chức ngày 30/9, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định, hiện việc tiếp cận khái niệm nợ công vẫn còn tồn tại những góc độ khác nhau.

Đây là vấn đề đã được nhiều chuyên gia nhắc tới trước đó và theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề nóng này trong buổi họp Chính phủ vừa diễn ra ngày hôm nay.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính có phương án đánh giá lại toàn bộ nợ công, đánh giá nợ công cụ thể thế nào, khả năng trả nợ ra sao và đề xuất giải pháp xử lý nợ công.

Về con số nợ công, trong báo cáo tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội 13 vừa diễn ra vào tháng Sáu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, con số này ước tính trong năm 2013 là 54,1% GDP. Con số này vẫn dưới ngưỡng an toàn là 65% GDP.

Nói thêm về tình hình kinh tế vĩ mô, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, kinh tế trong 9 tháng qua đang tăng trưởng tương đối bền vững.

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 5,62%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2 năm trước (năm 2013 là 5,14% và năm 2012 là 5,1%). Trong số này, nổi bật là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6%, dịch vụ tăng 5,99% hay nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3%.

"Trên đà này, cuối năm nay, chúng ta có thể đạt được các chỉ tiêu đề ra như GDP cố gắng đạt 5,8%" Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng nhắc lại ý kiến đã được Chính phủ thống nhất là "không được thỏa mãn, chủ quan, hạn chế yếu kém, tiếp tục đưa đất nước vượt qua khó khăn để tạo đà cho năm 2015."

Qua đó, cùng với việc yêu cầu ngành tài chính xem xét lại nợ công như trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng yêu cầu các bộ cải cách thủ tục hành chính không chỉ nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp mà còn cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

"Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, kiểm soát lạm phát, làm thế nào để tăng tốc độ lưu chuyển tín dụng, tăng tổng cầu,..." Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay.

Các tin khác