Soi nợ xấu sau chất vấn Thống đốc

Những vấn đề liên quan đến nợ xấu, tái cấu trúc NH vẫn được quan tâm đặc biệt tại phiên trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mới đây trước UBTVQH. Liệu lộ trình xử lý nợ xấu có lạc quan hơn sau những gì Thống đốc “tiết lộ”?

Những vấn đề liên quan đến nợ xấu, tái cấu trúc NH vẫn được quan tâm đặc biệt tại phiên trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mới đây trước UBTVQH. Liệu lộ trình xử lý nợ xấu có lạc quan hơn sau những gì Thống đốc “tiết lộ”?

Tỷ lệ nợ xấu thực chất là bao nhiêu?

Tại phiên trả lời chất vấn hôm 29-9, Thống đốc NHNN cho biết theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 7-2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013 tỷ lệ nợ xấu là 3,61%).

Như vậy, so với đầu năm nợ xấu đã tăng lên đáng kể. Người đứng đầu cơ quan này cũng tiết lộ thêm nợ xấu vào tháng 9-2012, thời điểm trước khi tiến hành đề án xử lý nợ xấu là 464.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 3 năm qua hệ thống NH đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó VAMC đã mua 69.000 tỷ đồng, số còn lại xử lý bằng hình thức trích lập dự phòng.

Con số 300.000 tỷ đồng được tái cơ cấu như lời Thống đốc nói là không hề nhỏ. Nếu được đánh giá một cách nghiêm túc theo tiêu chuẩn quốc tế có thể phần lớn trong số này vẫn còn là nợ xấu. Do đó, đối với nền kinh tế con số nợ xấu chắc chắn không còn đẹp ở mức 4,11% mà còn phải cộng thêm một phần trong con số 300.000 tỷ đồng đang cơ cấu lại, tức nợ xấu có thể lớn hơn.

Về con số khác biệt giữa nợ xấu theo báo cáo của các TCTD so với con số của Thanh tra NHNN, Thống đốc cho biết đến nay tổng số nợ được cơ cấu lại là 300.000 tỷ đồng, trong đó có 157.000 tỷ đồng không trở thành nợ xấu. Vì vậy, để đánh giá nợ xấu thực chất hơn trong hệ thống, NHNN đã cộng thêm số nợ xấu được tái cơ cấu làm cho số nợ thực chất lên khoảng 5,8% và có thể trên 6% trong năm nay.

Trả lời của Thống đốc chắc hẳn người nghe sẽ cảm thấy “yên tâm” phần nào về tình trạng nợ xấu trong hệ thống NH vì con số đưa ra vẫn còn “khá đẹp”. Tuy nhiên, sẽ có thắc mắc xung quanh con số nợ xấu ngoại bảng hay nợ xấu cơ cấu lại thực chất là gì và có phải gọi là nợ xấu hay không?

Một chuyên gia trong ngành tài chính cho biết đánh giá nợ xấu là một vấn đề khá phức tạp. Nợ xấu được phân loại theo cả định lượng (nợ quá hạn) và cả định tính dựa trên khả năng trả nợ. Nợ xấu trên sổ sách NH cũng có sự khác biệt lớn với nợ xấu thực tế của một nền kinh tế.

Do vậy, nếu không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này sẽ không hiểu hết được bản chất của nó. Do vậy, rất nhiều người bị chính các con số đánh lừa. Điều đáng nói là nhiều trường hợp các cơ quan chức năng lại đưa ra con số mà ít khi giải thích một cách cặn kẽ.

Theo vị chuyên gia này, con số 4,11% được Thống đốc nhấn mạnh là theo báo cáo của các TCTD và đây là con số nội bảng. Khi nghe đến con số này nhiều người nghĩ ngay đây chính là nợ xấu của nền kinh tế. Trên thực tế con số này lại khác xa so với nợ xấu thực chất của một nền kinh tế. Do vậy theo báo cáo của các TCTD thì nợ xấu khó thực chất vì các TCTD thường có “1001” cách để che giấu số nợ xấu của mình. Điều này cũng được chính Thống đốc NHNN nêu trong trả lời chất vấn.

Nợ xấu nội bảng chỉ là nợ xấu trên sổ sách. Thực tế NH còn có rất nhiều khoản nợ xấu ngoại bảng khác nhiều khi còn lớn hơn nội bảng. Chẳng hạn, con số 249.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý bằng trích lập dự phòng và được VAMC mua lại được đưa ra ngoài theo dõi ngoại bảng. Đối với nền kinh tế đó vẫn là nợ xấu vì thực tế nó chưa thực sự biến mất.

Đặc biệt trong đó 69.000 tỷ đồng thực chất chỉ là một khoản “ký gửi” tại VAMC chứ nó vẫn là nợ xấu và chưa được trích lập dự phòng đầy đủ và khả năng tổn thất của NH trong tương lai vẫn còn nguyên. Ngoài ra, một khoản rất lớn “nợ xấu ngoại” khác nằm từ các khoản bảo lãnh L/C, trái phiếu… cho các doanh nghiệp thường ít được NH đánh giá đúng.

VAMC vẫn loay hoay

Trong phiên trả lời chất vấn, chính Thống đốc NHNN đã thừa nhận những tồn tại chưa được khắc phục của VAMC. Ông cho biết mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng so với 86.000 tỷ đồng VAMC đã mua cho thấy năng lực tài chính của đơn vị này vẫn còn rất yếu. Dù Chính phủ đồng ý tăng thêm 2.000 tỷ đồng vốn cho VAMC nhưng so với con số 200.000 tỷ đồng cần xử lý năm tới cũng còn rất nhỏ bé.

Tuy nhiên, Thống đốc lý giải thêm rằng, dù trong điều kiện không có nguồn vốn nhưng VAMC đã tạo được cơ chế để giảm khó khăn cho nền kinh tế. Bởi có quốc gia sử dụng nguồn tiền lên đến 60% GDP, hay ít nhất cũng 7-8% ngân sách để xử lý nợ xấu, còn Việt Nam không dùng chút ngân sách nào để xử lý nợ xấu. Đây cũng là điểm khác biệt của VAMC với các công ty mua bán nợ nước ngoài. Vì thế, mô hình xử lý nợ xấu hiện tại thông qua VAMC có thể chấp nhận được.

Đánh giá về việc xử lý nợ xấu trong báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 vừa qua, một chuyên gia cho rằng Đề án xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính NH được triển khai trên nhiều mảng cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính. Việc xử lý nợ xấu trên cơ sở chưa đánh giá đầy đủ quy mô nợ xấu, cơ cấu nợ xấu bằng mô hình VAMC với số vốn 500 tỷ đồng đã không khai thông được vấn đề nợ xấu về thực chất. Không có “tiền tươi thóc thật”, chưa có quy chế bán lại nợ xấu, "cục máu đông" nợ xấu vẫn cản trở quá trình lưu thông của tín dụng trong nền kinh tế.

Các đại biểu chất vấn Thống đốc cũng băn khoăn, sau khi VAMC mua nợ thì việc mua bán diễn ra như thế nào theo nguyên tắc không dùng vốn nhà nước? Đến nay VAMC chỉ mới bán được khoảng 2,5% thì cơ chế nào với năng lực tài chính hiện tại để giúp tổ chức này đạt được mục tiêu đề ra? Tại các diễn đàn gần đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nguyên tắc “không dùng ngân sách” cần xem xét lại. Kinh nghiệm ở tất cả các quốc gia đều muốn xử lý nợ xấu phải theo cơ chế thị trường. Muốn mua nợ xấu theo cơ chế thị trường phải có “tiền tươi, thóc thật”.

Ảnh mang tính chất minh họa: LONG THANH

Ảnh mang tính chất minh họa: LONG THANH

Nhiều câu hỏi đặt ra song những trả lời của Thống đốc vẫn chưa đưa ra giải pháp giải quyết những cản trở chính đó. Liệu có là tín hiệu mừng khi Thống đốc vẫn tỏ ra lạc quan với cách xử lý nợ theo kiểu “truyền thống” như khoản trích lập dự phòng 78.000 tỷ đồng của các NH hay tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu này giá trị cũng cao gấp 2 lần các khoản nợ xấu.

Nhưng ở góc độ nhìn vào tình trạng thực tế của nợ xấu hiện nay, không tránh khỏi lo ngại về sự lạc quan đối với những giải pháp xử lý nợ xấu của NHNN như hiện nay. Nếu xử lý nợ xấu vẫn theo kiểu “truyền thống” mà VAMC hay NHTM đang làm thì “cục máu đông” rất khó giải quyết. Có thể nợ xấu sẽ vẫn xấu nếu các giải pháp đưa ra không phù hợp và dám chấp nhận những mạo hiểm cần thiết.

Các tin khác