UBTVQH cho ý kiến về giám sát tái cơ cấu nền kinh tế

Làm rõ mục tiêu đến năm 2015

Hôm qua, 1-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về báo cáo giám sát kết quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Đa số ý kiến tại phiên họp cho rằng báo cáo dù được chuẩn bị công phu nhưng chưa làm rõ được nguyên nhân những tồn tại của quá trình tái cơ cấu cũng như mục tiêu trong thời gian tới.

Hôm qua, 1-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về báo cáo giám sát kết quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Đa số ý kiến tại phiên họp cho rằng báo cáo dù được chuẩn bị công phu nhưng chưa làm rõ được nguyên nhân những tồn tại của quá trình tái cơ cấu cũng như mục tiêu trong thời gian tới.

Văn bản, chính sách còn chồng chéo

Triển khai công tác giám sát, đánh giá toàn diện tình hình tái cơ cấu nền kinh tế sau 3 năm thực hiện, Đoàn giám sát của UBTVQH đã tập hợp được bản báo cáo hết sức công phu lên tới 6.000 trang; đánh giá tổng thể kết quả đã đạt được và nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tiếp theo đối với công tác tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công, nhiều chính sách, văn bản về tái cơ cấu đầu tư công đã được ban hành, bước đầu góp phần khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, thất thoát, lãng phí trong phân bổ, bố trí nguồn vốn và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư.

Cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Sau hơn 2 năm triển khai, số lượng các ngân hàng thương mại yếu kém đã giảm, nợ xấu cơ bản được kiềm chế và bước đầu được xử lý. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng đã được nâng lên. An toàn hệ thống ngân hàng dần được cải thiện.

Tuy nhiên, hiện nay quy định về đầu tư công tại một số văn bản, chính sách còn chồng chéo, gây khó khăn trong triển khai thi hành; việc triển khai có nơi còn thực hiện chưa nghiêm, chưa chấp hành đầy đủ về bố trí vốn. Tình trạng điều chỉnh quyết định đầu tư dự án còn diễn ra phổ biến, chưa khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản...

Về công tác tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay tương đối khó khăn do các yếu tố hội nhập quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo bà Hồng, trong nhiều năm trước hệ thống các tổ chức tín dụng đã phát triển mạnh mẽ với nhiều ngân hàng được thành lập mới, kèm theo tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, có thời điểm lên đến trên 30% trong thời gian dài dẫn đến nợ xấu ở mức cao.

Do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng, NHNN luôn xác định công việc này cần làm thường xuyên, lâu dài và phải tuyệt đối đảm bảo an toàn hệ thống. Song song với tái cơ cấu, NHNN tích cực xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp khác nhau, kiên quyết không dùng ngân sách.

Tái cơ cấu chưa kiên quyết

Qua kết quả giám sát cần tiếp tục đề cao vai trò của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đối với nhiệm vụ triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn; cần thực hiện đúng quy định doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán đúng thời gian niêm yết.

Ông Trần Văn Hiếu,
Thứ trưởng Bộ Tài chính

Tuy nhiên, tham gia thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn cho rằng ông kỳ vọng nhiều hơn ở bản báo cáo. “Trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta đã xác định được thể chế nào phù hợp, thể chế nào chưa? Tại sao chưa phù hợp, còn thiếu thể chế gì mới có thể thực hiện tái cơ cấu thành công? Báo cáo giám sát nếu chưa chỉ ra được trách nhiệm của từng bộ, ngành cũng phải nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, địa phương đến đâu… trong những mặt được và chưa được của tiến trình tái cơ cấu” - ông Quyền nói.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng nhận xét, dù đã được chuẩn bị rất công phu nhưng “một báo cáo giám sát phải khác với báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, phải làm nổi bật kết quả giám sát và kiến nghị rất rõ, trong đó một nhận xét quan trọng là việc triển khai tái cơ cấu không kiên quyết”. Đi vào các kiến nghị cụ thể trong báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Phan Trung Lý yêu cầu xem xét lại một số kiến nghị đã chính xác chưa. Đơn cử như kiến nghị “dành một phần ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu” hay gỡ bỏ trần lãi suất ngân hàng…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, báo cáo giám sát phải làm rõ hơn nữa việc “chúng ta có do dự, ngại khó trong việc cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hay không? Tại sao chỉ tiêu về lao động lại nhiều năm không đạt, cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực? Nếu do lỗi chủ quan cũng phải nói rõ vào đây”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị nên có báo cáo đánh giá chung, khẳng định rõ việc tiến hành tái cơ cấu đã đáp ứng yêu cầu hay chưa, độ tin cậy của số liệu trong các báo cáo như thế nào...

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, báo cáo giám sát cần làm rõ những hạn chế vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn để đề xuất nhiệm vụ cụ thể từ nay đến 2015.

Chủ tịch nói: “Đây là giám sát tối cao để UBTVQH làm cơ sở cho Quốc hội tiến hành giám sát và ra nghị quyết. Trong đó, báo cáo tình hình tái cơ cấu, kết quả đạt được, hạn chế nguyên nhân và sau giám sát có chủ trương gì phải nói rõ. Chúng ta nên bỏ công thức viết là cơ bản tán thành với báo cáo giám sát. Theo đó, phải làm rõ nguyên nhân và mục tiêu tập trung tái cơ cấu từ nay đến 2015 đạt đến đâu”.

Các tin khác