Cỗ máy kiếm tiền của khủng bố (K1): Bắt cóc tống tiền

Hầu như mỗi ngày đều xảy ra khủng bố ở đâu đó trên thế giới, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đã trở thành nỗi ám ảnh của loài người trong thế kỷ 21, đặc biệt với sự nổi lên của tổ chức tàn ác mang tên Nhà nước Hồi giáo (ISIS) gần đây. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa có hồi kết. Rõ ràng, các tổ chức khủng bố có một nguồn ngân sách rất dồi dào.

Hầu như mỗi ngày đều xảy ra khủng bố ở đâu đó trên thế giới, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đã trở thành nỗi ám ảnh của loài người trong thế kỷ 21, đặc biệt với sự nổi lên của tổ chức tàn ác mang tên Nhà nước Hồi giáo (ISIS) gần đây. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa có hồi kết. Rõ ràng, các tổ chức khủng bố có một nguồn ngân sách rất dồi dào.

Vào mùa hè năm 2013, hoạt động bắt cóc tống tiền (BCTT) của các tổ chức khủng bố trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới, khi liên tiếp nhiều vụ BCTT diễn ra, đặc biệt ở khu vực Sahel tiếp giáp sa mạc Sahara và vùng Sudan. Thậm chí, nó đã được đặt lên bàn nghị sự của thượng đỉnh G8 năm đó.

Tiền chuộc lên đến hàng triệu USD

Kể từ đầu năm 2013, có ít nhất 39 con tin người nước ngoài bị các tổ chức khủng bố ở châu Phi giết chết vì không trả đủ tiền chuộc. Những vụ bắt cóc người nước ngoài từ lâu trở đã thành ngành công nghiệp béo bở của các tổ chức tội phạm. Đặc biệt, đây là nguồn tiền đáng kể của các nhóm khủng bố Hồi giáo. Năm 2010, chính phủ Hoa Kỳ đã xác định BCTT là nguồn tài trợ khủng bố đáng ngại nhất hiện nay.

Số liệu thống kê đáng tin cậy hiện nay không có, nhưng trong 5 năm qua (tính đến 2013), đã có nhiều vụ bắt cóc đáng chú ý đối với người phương Tây ở châu Phi nói riêng; đồng thời, nhu cầu đòi tiền chuộc cũng đã tăng lên. Theo Công ty Stratfor có trụ sở tại Hoa Kỳ, tổ chức al-Qaeda ở các nước Hồi giáo đã thu về tổng cộng 89 triệu USD từ hoạt động BCTT người nước ngoài. BCTT cũng là một trong những nguồn tiền của tổ chức khủng bố giàu nhất hiện nay - ISIS.

Cho đến nay, dù không có số liệu thống kê đáng tin cậy về hoạt động BCTT, nhưng giới chuyên gia ước tính mỗi năm có từ 12.000-30.000 vụ bắt cóc được thực hiện trên toàn thế giới, với số người nước ngoài bị bắt cóc ngày càng tăng.

Dù mới được chú ý gần đây, nhưng thật ra BCTT đã là một hình thức tội phạm có từ xa xưa. Một trong những vụ BCTT được biết đến rộng rãi nhất là việc Vua Richard  the  Lionheart của Anh-Ireland bị bắt cóc vào thế kỷ thứ 12. Trong thế kỷ 20, những người nổi tiếng hay con cái của họ thường là đối tượng nhắm đến của bọn BCTT, như các vụ bắt cóc Charles Lindbergh Jr (năm 1932) hoặc Patty Hearst (năm 1974).

Từ những năm 1960 trở đi, các nhóm khủng bố quay sang dùng hoạt động bắt cóc như một vũ khí chính trị. Họ cũng thường nhắm đến các cá nhân nổi tiếng và trong nhiều trường hợp, mục đích của họ là chính trị, như yêu cầu thả các tù nhân, không phải tiền chuộc. Mãi đến những thập niên gần đây, hoạt động bắt cóc công dân nước ngoài bình thường với mục tiêu tống tiền mới ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, những vụ bắt cóc hình sự có động cơ như vậy trong một thời gian dài chỉ diễn ra ở một số nước như Colombia, Mexico, Iraq hoặc Pakistan, không phải là vấn đề toàn cầu. Nhưng điều đó đã thay đổi trong những năm gần đây, khi ngày càng nhiều vụ BCTT diễn ra với mức tiền chuộc lên đến hàng triệu USD, như các vụ BCTT của bọn cướp biển ngoài khơi bờ biển Somali hoặc tại Nigeria hay Yemen.

Trong nửa đầu năm 2013, một nửa trong số các vụ BCTT toàn cầu diễn ra ở các quốc gia Nigeria (26%), Mexico (10%), Pakistan (9%) và Yemen (7%). Theo chính phủ Australia, tỷ lệ đòi được tiền chuộc trong các vụ bắt cóc trên toàn cầu khoảng 64%, trong khi 6% các vụ bắt cóc kết thúc với cái chết của các con tin. Chính phủ Hoa Kỳ ước tính trong năm 2012 bọn khủng bố đã thực hiện 1.283 vụ bắt cóc, tổng cộng 150 người nước ngoài đã bị bắt cóc bởi các nhóm Hồi giáo từ năm 2008-2012, trong đó đa số bởi tổ chức AQIM, còn lại là các tổ chức Boko Haram ở Nigeria, Tehrik-e Taliban ở Pakistan, và Abu Sayyaf ở Philippines.

Theo chính phủ Hoa Kỳ, chỉ riêng AQIM đã thực hiện hơn 20 vụ bắt cóc và bắt giữ 60 người nước ngoài. Năm 2011, AQIM thu về 5,4 triệu USD trên mỗi con tin, cao hơn gần 1 triệu USD so với mức tiền chuộc bình quân năm 2010. Chính phủ Algeria cho biết năm 2011 các nước châu Âu đã chi tới 150 triệu USD tiền chuộc cho các vụ bắt cóc.

Công ty Stratfor cũng cho biết tổng số tiền thu được từ hoạt động BCTT của AQIM từ năm 2003 đã đạt 89 triệu USD. Theo cựu Đại sứ Hoa Kỳ Mali Vicki Huddleston, năm 2010 Pháp đã phải trả 17 triệu USD để đổi lại tự do cho 4 công dân bị bắt cóc ở Mali. Còn theo các nguồn tin Hồi giáo, AQIM nhận được 19,4 triệu USD vào tháng 7-2012 để thả tự do cho 2 người Tây Ban Nha và 1 người Italia bị họ bắt cóc.

Thách thức các chính phủ

Những vụ BCTT hàng triệu USD đã trở thành thách thức mới cho chính sách an ninh của các quốc gia. Các nhóm khủng bố sử dụng những khoản tiền chuộc để tuyển dụng thành viên mới, hoặc tài trợ cho việc duy trì các trại đào tạo, mua sắm vũ khí và công cụ truyền thông, cuối cùng là tổ chức và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Sahel được coi là một trong những địa bàn làm ăn chính của nguồn tiền khủng bố mới này.

Các nhóm Hồi giáo thường xuyên bắt cóc các thành viên nước ngoài của các tổ chức viện trợ, khách du lịch, nhân viên công ty, các nhà ngoại giao hoặc quan chức chính phủ. Sự yếu kém của các chính phủ ở Mauretania, Mali và Niger đã giúp những kẻ khủng bố thiết lập các sào huyệt ở sa mạc Sahara giống như tại khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan.

Hoạt động BCTT ở khu vực này được cả thế giới chú ý kể từ năm 2003, khi tổ chức Hồi giáo Algeria có tên Salafist group  for  Preaching  and  Combat (GSPC) đã bắt cóc 32 khách du lịch châu Âu, trong đó có 16 người Đức và 4 người Thụy Sĩ, ở miền Nam Algeria. Khi đó, chính phủ Mali đã thành công trong việc đứng ra làm trung gian cho GSPC và các chính phủ châu Âu.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của chính phủ Hoa Kỳ, thực tế việc chính phủ Mali thu được 5 triệu USD từ chính phủ Đức càng tạo ra động lực cho các chiến binh thánh chiến thực hiện nhiều vụ bắt cóc hơn nữa. AQIM, tên của tổ chức GSPC từ năm 2007, nhận thấy đây là nguồn kinh phí hấp dẫn, trong khi chính phủ Mali được coi là đồng lõa hữu ích trong việc đàm phán với các chính phủ châu Âu.

Một nhóm khủng bố đang tiếp cận con mồi.

Một nhóm khủng bố đang tiếp cận con mồi.

Điều trái khoáy, sự bùng nổ hoạt động BCTT lại là kết quả thành công của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ phát động từ năm 2001. Cuộc chiến chống khủng bố đã khiến mạng lưới al-Qaeda tự thay đổi cấu trúc từ điều hành trực tiếp từ đầu não thành một tổ chức gồm nhiều tế bào cấp địa phương, tự trị và tự chủ tài chính. Hoạt động chống khủng bố khiến AQIM chứng kiến những nguồn thu truyền thống của họ trước đây như buôn lậu, buôn bán ma túy, kinh doanh vũ khí... ngày càng giảm sút nên đã đẩy mạnh BCTT để bù lại.

Từ năm 2008, BCTT đã vượt qua buôn lậu ma túy để trở thành nguồn tài chính quan trọng nhất của AQIM. Bắt cóc người nước ngoài trở thành một hoạt động ưa thích của các chiến binh thánh chiến, vì đạt được một công đôi việc, vừa khiến phương Tây khiếp sợ, vừa có thể thu về hàng triệu USD một cách dễ dàng. Không chỉ vậy, nó còn khiến Hoa Kỳ hục hặc với các đồng minh.

Chính phủ Hoa Kỳ từng cáo buộc các chính phủ châu Âu đã trực tiếp hỗ trợ khủng bố bằng cách trả tiền chuộc. Nghị quyết 1904 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc năm 2009 từng nêu rõ không được phép trả tiền chuộc cho các nhóm khủng bố liên quan đến al-Qaeda.

(Còn tiếp)

Các tin khác