Hai thương vụ sáp nhập sẽ được thông qua

Tại phiên chất vấn UBTVQH mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN đã chấp thuận chủ trương Southern Bank sáp nhập Sacombank, Mekong Bank (MDB) sáp nhập Maritime Bank. Vì thế 2 thương vụ sáp nhập này sẽ sớm được thông qua.

Tại phiên chất vấn UBTVQH mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN đã chấp thuận chủ trương Southern Bank sáp nhập Sacombank, Mekong Bank (MDB) sáp nhập Maritime Bank. Vì thế 2 thương vụ sáp nhập này sẽ sớm được thông qua.

Sẵn sàng sáp nhập

Thực ra 2 thương vụ sáp nhập này đã được hé lộ từ đầu năm và đã được ĐHCĐ của cả 2 nhà băng thông qua trong kỳ họp đại hội vào đầu năm nay. Các NHTM cũng đã có sự chuẩn bị và xây dựng đề án sáp nhập trình lên NHNN sau kỳ ĐHCĐ. Thế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản chính thức thông qua đề án sáp nhập.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của ĐTTC, hiện nay tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu giữa Southern Bank sang cổ phiếu Sacombank vẫn là một ẩn số khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi giữa 2 NH này có sự chênh lệch khá lớn về cả quy mô cũng như kết quả sinh lời, nhất là lợi nhuận Sacombank đều đạt kế hoạch trên dưới 3.000 tỷ đồng trong 2 năm qua, trong khi Southern Bank chỉ hoàn thành được vài phần trăm chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra 2 năm rồi.

Nhưng lợi thế khi sáp nhập là  Southern Bank - Sacombank có chung dáng dấp của một chủ sở hữu là gia đình ông Trầm Bê đều nắm tỷ lệ cổ phần lớn tại Southern Bank và Sacombank, nên việc sáp nhập sẽ là cơ hội để xóa tình trạng tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt trần mà NHNN đang quyết liệt xử lý trong thời gian này và xóa được sở hữu chéo. Nhưng cái khó đối với Sacombank chính là phải gánh khoản nợ xấu không nhỏ từ Southern Bank. Tỷ lệ nợ xấu của Southren Bank đến cuối năm 2013 vẫn ở trên mức 4%.

Đối với thương vụ sáp nhập Mekong Bank vào Maritime Bank cũng không khác nhiều so với trường hợp trên khi Maritime Bank hiện đang nắm giữ 10,16% cổ phần của Mekong Bank. Vì thế, cổ đông của 2 nhà băng này đã sớm thông qua kế hoạch sáp nhập. NH sau sáp nhập của Maritime Bank có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng (Maritime Bank 8.000 tỷ đồng và Mekong Bank - MDB 3.750 tỷ đồng), với tổng tài sản khoảng 113.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khác với Southern Bank, nợ xấu của Mekong Bank được kiểm soát dưới 3% trong những năm qua.

Báo cáo tình hình quản trị NH 6 tháng đầu năm 2014 của Southern Bank cho thấy, cá nhân ông Trầm Bê và con gái là Trầm Thuyết Kiều vẫn nắm giữ tỷ lệ cổ phần tại Southern Bank vượt trần quy định của Luật các TCTD năm 2010, lần lượt là 8,36% và 7,36%.

Còn nếu tính cả số cổ phần mà con trai ông Bê là Trầm Trọng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT Southern Bank, đang nắm giữ 4,42%, số cổ phần gia đình ông Bê tại Southern Bank lên đến 21,14%, không thay đổi so với tỷ lệ nắm giữ vào cuối năm 2013. Trong khi đó, theo báo cáo tình hình quản trị NH 6 tháng đầu năm 2014 của Sacombank, gia đình Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Trầm Bê nắm giữ với tổng cộng 6,78% cổ phần Sacombank.

Đối tác ngoại chia tay

Nhưng điều đáng quan tâm đó chính là cổ đông ngoại của Mekong Bank là Fullerton Financial Holdings – FFH (Singapore) nắm giữ tỷ lệ 20% cổ phần của NH đã sớm chia tay. Thông tin được một phó thống đốc NHNN cho biết, việc thoái vốn của FFH tại Mekong Bank đã được hoàn tất, đồng thời NHNN chấp thuận để FFH chuyển nhượng khoản vốn này lại cho Maritime Bank.

Sau khi chia tay Mekong Bank, FFH có ý định sẽ tìm một đối tác NH nội khác để cùng hợp tác, song đến nay vẫn chưa được hé lộ. Lãnh đạo FFH cho rằng, mục tiêu của Tập đoàn là tìm kiếm đối tác NH nội để đẩy mạnh chiến lược phát triển, thay vì ở một NH sắp sáp nhập. 

Tư vấn cho khách hàng tại Sacombank. Ảnh: LONG THANH

Tư vấn cho khách hàng tại Sacombank. Ảnh: LONG THANH

Hiện Southern Bank đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là UOB (Singapore), nhưng liệu nhà đầu tư này có rút vốn khỏi Southern Bank khi sáp nhập vẫn là dấu hỏi. Phía Sacombank vẫn để ngỏ room dành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng như lên kế hoạch hút vốn ngoại cách đây 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có cổ đông ngoại. Vì thế, UOB cũng có khả năng sẽ trở thành cổ đông ngoại của NH sau sáp nhập.

Ngoài 2 trường hợp trên, NHNN cũng cho biết đang tích cực chỉ đạo triển khai một số trường hợp mua lại một số TCTD khác. Báo cáo của NHNN lên UBTVQH, trong số 9 NHTMCP yếu kém được xác định từ năm 2012, NHNN đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, trong thời gian tới NHNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 1 NH còn lại.

Hiện nay, các NH này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt. Trong đó một số NHTMCP yếu kém đang được NHNN áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu. 

Các tin khác