DNNN Bộ Xây dựng: Gian nan tái cơ cấu

Theo kế hoạch tái cơ cấu đến hết năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ phải chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa (CPH) và sắp xếp lại 14 tổng công ty (TCT) 100% vốn nhà nước thuộc bộ, trong đó giảm từ 402 doanh nghiệp (DN) thuộc các TCT này xuống còn 243, tập trung thoái toàn bộ vốn góp tại 143 DN với tổng giá trị 4.491 tỷ đồng; thực hiện phá sản, giải thể, chuyển giao và sáp nhập 16 DN.

Theo kế hoạch tái cơ cấu đến hết năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ phải chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa (CPH) và sắp xếp lại 14 tổng công ty (TCT) 100% vốn nhà nước thuộc bộ, trong đó giảm từ 402 doanh nghiệp (DN) thuộc các TCT này xuống còn 243, tập trung thoái toàn bộ vốn góp tại 143 DN với tổng giá trị 4.491 tỷ đồng; thực hiện phá sản, giải thể, chuyển giao và sáp nhập 16 DN.

Quyết liệt CPH

Việc tái cơ cấu các TCT thuộc Bộ Xây dựng tập trung vào 4 nội dung gồm nghề kinh doanh, tổ chức, tài chính và quản trị DN. Trong đó tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh tập trung các ngành chính như xây lắp, tổng thầu EPC, đầu tư BĐS, vật liệu xây dựng, đầu tư và kinh doanh thủy điện, cơ khí xây dựng...

Kiên quyết thoái vốn tại các ngành không thuộc ngành nghề kinh doanh chính như khách sạn, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... trước năm 2015. Hiện nay, các TCT đang tích cực thực hiện theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, trong đó trọng tâm là công tác CPH và thoái vốn.

Đến quý II-2014, các TCT đang thực hiện thoái vốn tại 42 danh mục với giá trị 2.172,11 tỷ đồng, chiếm 43,22% kế hoạch thoái vốn, trong đó đã thoái vốn thành công tại 19 danh mục (tăng 3 danh mục so với năm 2013) với tổng giá trị 497,16 tỷ đồng, đạt 9,89% kế hoạch thoái vốn và đang thực hiện thoái vốn tại 23 danh mục (tăng 5 DN so với năm 2013), với tổng giá trị 1.674,95 tỷ đồng, chiếm 33,33% kế hoạch thoái vốn.

Tại thời điểm này tiến trình CPH các DNNN thuộc Bộ Xây dựng đang diễn ra đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, hiện đang có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tìm hiểu kế hoạch CPH các DN trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay thị trường xây dựng và BĐS đang trầm lắng khiến các nhà đầu tư cũng không mấy mặn mà, trong khi đó chúng ta cũng không thể bán rẻ để làm mất vốn nhà nước.

Ông Đặng Văn Long,
Vụ trưởng Vụ Quản lý DN
Bộ Xây dựng

Cùng với công tác thoái vốn, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu một số DN xi măng đang gặp khó khăn. Cùng với đó, các TCT thuộc bộ đã chủ động thực hiện sáp nhập một số công ty con, công ty liên kết; sáp nhập, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện nhằm làm tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao năng lực quản trị DN; sáp nhập các công ty cấp II vào công ty cấp I, thực hiện giảm dần giá trị vốn góp của Nhà nước tại các CTCP mà Nhà nước không cần thiết nắm giữ cổ phần chi phối theo nội dung đề án tái cơ cấu được phê duyệt.

Các TCT cũng xây dựng các kế hoạch tái cơ cấu quản trị DN tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổ chức và hoạt động, hệ thống nội quy, quy chế, quy định quản lý nội bộ, hoàn thiện Chiến lược phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020; sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa; áp dụng các nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quản trị DN quốc tế; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn, kiểm tra và giám sát của công ty mẹ đối với người đại diện phần vốn tại các DN khác.

Hiện nay, Bộ Xây dựng thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu các TCT rà soát, xây dựng tiến độ kế hoạch tái cơ cấu, đặc biệt là công tác CPH, thoái vốn; tiếp tục rà soát, bổ sung những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ để xây dựng lộ trình thoái vốn.

Bộ Xây dựng cũng tăng cường theo dõi, kiểm tra, và đôn đốc việc thực hiện này; đối chiếu với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch CPH giai đoạn 2011-2015, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới DN giai đoạn 2011-2013, tạo điều kiện hoàn thành kế hoạch chung giai đoạn 2011-2015.

Tháo gỡ vướng mắc

Để thực hiện được kế hoạch, Bộ Xây dựng đã đề ra một số giải pháp, như tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ lãnh đạo, người lao động trong DN trong công tác CPH, tái cơ cấu DN thông qua các hình thức chỉ đạo bằng văn bản, tổ chức hội thảo, cuộc họp phổ biến…

Theo đó, quy định việc thực hiện kế hoạch CPH, tái cơ cấu là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo DN. Bên cạnh đó, tiến hành thực hiện CPH các công ty con đồng thời với công ty mẹ để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và lựa chọn được phương án CPH phù hợp hơn. Việc phê duyệt kế hoạch, tiến độ CPH cụ thể, bao gồm cả mốc thời gian cho từng bước công việc, được đẩy mạnh.

Cụ thể, lãnh đạo bộ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, đánh giá mức độ hoàn thành tiến độ CPH theo kế hoạch đề ra; chỉ đạo các DN chủ động chuẩn bị hồ sơ, tài liệu pháp lý để CPH; áp dụng các biện pháp xử lý linh hoạt, hữu hiệu, dứt điểm đối với DN đang gặp khó khăn lớn về tài chính, lao động; phối hợp với DN CPH giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là DN có nhiều tài sản là đất đai, nhà cửa, máy móc thiết bị…

TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama) đang được xác định giá trị DN để chuẩn bị CPH.

TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama) đang được xác định giá trị DN để chuẩn bị CPH.

Cùng với việc tiến hành CPH các DN xây dựng, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu xử lý công nợ, tái cơ cấu vốn các DN thực hiện CPH. Ngoài việc tiến hành rà soát, xử lý những vướng mắc, tồn đọng về tài chính, tài sản, lao động... các đơn vị phải tập trung hoàn thành việc bàn giao DNNN sang CTCP; xử lý công nợ tồn đọng, thực hiện tái cơ cấu vốn tại các đơn vị thành viên…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cho biết vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, CPH, bởi các DN thực hiện CPH hầu hết có quy mô lớn, vốn đầu tư ở nhiều DN khác hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau trong cả nước. Do đó, DN phải tiến hành xử lý nhiều vướng mắc tồn đọng do lịch sử để lại, khối lượng công việc triển khai lớn, phức tạp... đòi hỏi có nhiều thời gian.

Vì thế, Bộ Xây dựng đang tập trung chỉ đạo các DN CPH rà soát, xử lý những tồn đọng này… đồng thời, các công ty mẹ cần triển khai tái cơ cấu các đơn vị thành viên để tập trung vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh chính, có lợi thế nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động hiệu quả ngay sau khi chuyển sang CTCP.

Các tin khác