CTCK: Nội ngoại không thể chung xuồng

Khối ngoại rót vốn vào rất nhiều CTCK, nhưng khả năng “chung sống” với các cổ đông trong CTCK lại là một rào cản. Rất khó để nhìn thấy một sự kết hợp chặt chẽ giữa cổ đông nội-ngoại và ban lãnh đạo tại các CTCK.

Khối ngoại rót vốn vào rất nhiều CTCK, nhưng khả năng “chung sống” với các cổ đông trong CTCK lại là một rào cản. Rất khó để nhìn thấy một sự kết hợp chặt chẽ giữa cổ đông nội-ngoại và ban lãnh đạo tại các CTCK.

Nhận diện người điều hành nội-ngoại

Nói tới SSI, người ta nghĩ ngay tới vai trò cực kỳ quan trọng của ông Nguyễn Duy Hưng. Mặc dù SSI cũng có cổ đông ngoại, nhưng trong suy nghĩ của đa phần NĐT, CTCK này là của ông Hưng và những người có liên quan. Thế nên, khi thông tin ANZ thoái vốn khỏi SSI được công bố, câu hỏi được đặt ra ANZ đã làm gì và được gì trong những năm làm cổ đông tại SSI? Tương tự là CTCK VN Direct với ảnh hưởng lớn của Công ty TNHH MTV Tài chính IPA và bà Phạm Minh Hương, mặc dù công ty cũng có cổ đông ngoại.

Khi thị trường có thêm những sản phẩm như chứng khoán phái sinh, có thể các CTCK cũng cần đến những đối tác có kinh nghiệm triển khai sản phẩm dạng này để cùng tham gia vận hành. Nhưng để có thêm những cuộc “hôn nhân” giữa NĐTNN và CTCK, cam kết giữa các bên sẽ phải theo hướng chặt chẽ, rõ ràng hơn thay vì chung chung như hiện nay.

Ngược lại, với những CTCK dán mác “ngoại”, gần như ảnh hưởng của khối ngoại bao trùm ngay từ đầu, đội ngũ lãnh đạo nếu có người trong nước cũng chỉ ở vai trò điều hành theo định hướng từ cổ đông lớn. Lấy thí dụ như CTCK Maybank Kim Eng (MBKE). Khi mới đi vào hoạt động vào năm 2008, ngay lập tức tạo được những dấu ấn với các NĐT nhờ những sự hỗ trợ của cổ đông lớn Kim Eng (lúc đó sở hữu 49% cổ phần). Những buổi hội thảo nhận định TTCK của MBKE đều có các chuyên gia người nước ngoài đến từ Kim Eng “mẹ”.

Hay như định hướng chỉ tập trung vào môi giới, việc không tự doanh của MBKE khá “lạ lẫm” vào thời điểm đó cũng đến từ các cổ đông lớn. Hay như trong phần giới thiệu của CTCK KIS Việt Nam, với cổ đông lớn thuộc CTCK KIS đến từ Hàn Quốc, mặc dù vẫn có những thành viên người Việt, thậm chí chủ tịch HĐQT của công ty cũng là người Việt, nhưng trong hoạt động của KIS Việt Nam, NĐT lại thấy dấu ấn của người Hàn, các vị trí như CEO và giám đốc môi giới đều là người Hàn Quốc. Những buổi hội thảo gần đây của KIS Việt Nam cũng đều đưa chuyên gia từ KIS “mẹ” ở Hàn Quốc sang nói chuyện với NĐT.

Asean Small Cap Fund (ASCF) cũng sở hữu cổ phần tại 2 CTCK đang niêm yết tại HNX là CTCK Apec (APS) và CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG). ASCF là một quỹ đầu tư, kinh nghiệm trong mảng dịch vụ chứng khoán như thế nào chưa rõ.

Song nhìn vào những gì tổ chức này đã làm có thể dự báo đây chỉ là một thương vụ đầu tư tài chính đơn thuần. Khả năng ASCF trở thành cổ đông chiến lược, tham gia sâu vào hoạt động của APS hay VIG khó xảy ra. Và như vậy đường đi của 2 CTCK này trong thời gian tới vẫn sẽ do ban lãnh đạo và những cổ đông nội quyết định.

NĐTNN khó làm cổ đông CTCK

Chứng khoán là một ngành đòi hỏi sự lăn xả, chấp nhận rủi ro và am hiểu thị trường. Do vậy sự hợp tác trong một ngành nghề đặc thù và nhiều sức ép như vậy là điều không dễ dàng với nhiều bên. MBKE có thể là một điển hình để lý giải điều này. Vào giai đoạn mới xuất hiện trên thị trường, chủ trương của MBKE là không tự doanh, chỉ tập trung vào môi giới trong mắt một số NĐT khi đó là hơi lạc lõng.

Đặt trường hợp MBKE có thêm một số cổ đông lớn và những cổ đông này cũng tham gia trực tiếp vào việc định hướng chiến lược chưa chắc đã có thể đi đến cùng con đường này. Rồi cũng chính MBKE trong thời gian gần đây tăng cường quản trị rủi ro, giảm bớt các hoạt động liên quan đến margin, đẩy mạnh khách VIP đã khiến cho KQKD không tốt như những năm trước. Nhưng không vì vậy MBKE chịu nhiều sức ép vì công ty chỉ có 1 chủ sở hữu duy nhất là Maybank.

Từ chuyện của MBKE sẽ thấy khả năng các NĐTNN tham gia vào các CTCK trong vai trò đối tác chiến lược sẽ ngày càng hẹp hơn. Chẳng hạn một quỹ đầu tư, tạm gọi là bên mua (buy side) sẽ khó lòng hiểu được bên bán (sell side) để có thể hỗ trợ trực tiếp. CTCK đòi hỏi sự gần gũi với khách hàng, nhiều khi còn pha thêm chút “giang hồ”, trong khi quỹ đầu tư thường tỏ ra đạo mạo, chuyên nghiệp nên sự khác nhau về phong cách quá rõ.

Nhiều khả năng NĐTNN sẽ chỉ tham gia theo 2 hình thức là đầu tư tài chính thuần túy hoặc mua lại hẳn và trực tiếp điều hành theo kiểu MBKE hay KIS. Cũng phải nói thêm, nếu mua lại cả công ty, trực tiếp tham gia điều hành công sức bỏ ra không nhỏ, chưa kể kết quả thu về chưa chắc đã như kỳ vọng. Khoảng cách giữa các CTCK ngay trong top 10 nửa trên và nửa dưới đã rất khác. Đi theo con đường này chỉ có những NĐT có tầm nhìn rất dài hoặc có ý định xây dựng lên một công ty để rồi bán lại. Trong một chừng mực nào đó, xem ra việc đầu tư tài chính thuần túy “khỏe” hơn nhiều khi NĐTNN có thể thích thì mua không thích thì bán.

Tên tuổi của giám đốc Nguyễn Duy Hưng gắn liền với thương hiệu SSI. Ảnh: LONG THANH

Tên tuổi của giám đốc Nguyễn Duy Hưng gắn liền với thương hiệu SSI.
Ảnh: LONG THANH

Tính đến thời điểm này, có lẽ nhu cầu về vốn của các CTCK với NĐTNN là không lớn, nếu không muốn nói là không cần. Nhìn qua có thể thấy một loạt CTCK hiện tại có ngân hàng mẹ đứng sau, mẹ sẵn sàng rót vốn nếu nhận thấy cơ hội thuận lợi. Thậm chí ngay cả với những CTCK đã “chết lâm sàng” vẫn có kỳ vọng bán được giấy phép.

Thực tế, vẫn còn một cửa để NĐTNN tham gia hợp tác sâu với các CTCK bắt nguồn từ lợi thế và kỳ vọng của cả 2 bên. Thí dụ: CTCK muốn mở rộng mảng nghiên cứu-phân tích, có thể chào bán cổ phần cho một tổ chức có thế mạnh ở mảng này. Hoặc những CTCK ở top dưới, muốn mở rộng mảng khách nước ngoài cũng có thể bắt tay với một CTCK ngoại để kết nối khách hàng. 

Các tin khác