Quý III, nợ đọng văn bản giảm

Bộ Tư pháp cho biết, quý III/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 28 văn bản quy định chi tiết 25 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và 1 thông tư chi tiết 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015. Số văn bản nợ đọng giảm đáng kể so với trước.

Bộ Tư pháp cho biết, quý III/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 28 văn bản quy định chi tiết 25 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và 1 thông tư chi tiết 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015. Số văn bản nợ đọng giảm đáng kể so với trước.

Theo Bộ Tư pháp, trong quý III/2014, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng văn bản được nâng lên đáng kể, cơ bản không có tình trạng văn bản có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi gây bức xúc dư luận xã hội. Số văn bản nợ chưa ban hành giảm còn 34 văn bản, giảm đáng kể so với trước (giảm 16 văn bản so với quý II/2014 và 36 văn bản so với quý I/2014).

Cụ thể, từ ngày 26/6 - 25/9/2014, đối với 62 văn bản quy định chi tiết 25 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 28 văn bản (11 nghị định, 3 quyết định, 14 thông tư). Số nợ chưa ban hành là 34/62 văn bản (13 nghị định, 2 quyết định, 16 thông tư, 3 thông tư liên tịch).

Đối với 100 văn bản quy định chi tiết 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015, đã ban hành 1 thông tư; số còn lại vẫn trong thời hạn soạn thảo, ban hành.

Theo Bộ Tư pháp, trong quý IV/2014, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh là rất nặng nề, bên cạnh việc phải xây dựng, ban hành 34 văn bản nợ chưa ban hành thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ còn phải nghiên cứu xây dựng, ban hành số lượng lớn văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 (99 văn bản).

Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện các văn bản còn nợ, nhất là các văn bản đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến; chủ động đề xuất, thực hiện các giải pháp nhằm giảm tối đa số lượng văn bản nợ trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Cũng theo Bộ Tư pháp, từ ngày 22/6 - 22/9/2014, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 579 văn bản (163 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ và 416 văn bản của địa phương). Qua kiểm tra, bước đầu Bộ Tư pháp đã phát hiện một số văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP (sai nội dung, sai về hiệu lực, sai về thể thức, căn cứ pháp lý).

Từ kết quả kiểm tra, Bộ Tư pháp đã ra Thông báo yêu cầu xử lý đối với các văn bản đã phát hiện sai về nội dung; sai về thẩm quyền. Đối với các văn bản chỉ sai về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày hoặc sai về hiệu lực mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các đối tượng được áp dụng cũng đã được Bộ Tư pháp thông báo, trao đổi, nhắc nhở thông qua các cuộc họp, hội nghị tập huấn về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để cơ quan ban hành biết, tự kiểm tra, rút kinh nghiệm.

Các tin khác