Tìm điểm nghẽn trong tái cơ cấu nền kinh tế

Đây là một trong nhiều đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 vừa khai mạc.

Đây là một trong nhiều đề nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 vừa khai mạc.

Sáng nay (27/9), tại Ninh Bình, khai mạc Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Nghị quyết Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2014 đã đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, với 14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Trong đó, bao gồm:  tăng trưởng kinh tế 5,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; lạm phát khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động…

Đến nay, hơn 9 tháng thực hiện, đặc biệt là tháng 5 xảy ra việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển của nước ta. Điều này tác động không thuận đến kinh tế - xã hội trong nước. Nhưng kết quả đạt được đánh giá bước đầu có khả quan. Và theo đánh giá của Chính phủ, có  12/14 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, có 2 chỉ tiêu không đạt là tạo việc làm và tỉ lệ lao động qua đào tạo.

Điểm nổi bật của kết quả 9 tháng qua là tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đầu có chuyển biến mạnh hơn so với năm 2013. Trong đó, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm nay đạt 6,4% so với mức tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước. Qua đó, góp phần đưa tăng trưởng GDP đạt 5,8%. Xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng và có xuất siêu. Đây là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp, tỷ lệ xuất siêu cả năm 2014 ước đạt 0,34%.

Cùng với đó, vốn FDI thực hiện tăng so với cùng kỳ, cán cân thương mại tiếp tục được cải thiện, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến…; một số mặt hàng, dịch vụ công, giá xăng dầu… do nhà nước quản lý đã được điều chỉnh theo tín hiệu thị trường.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kinh tế xã hội nước ta còn nhiều bất cập, kinh tế phục hồi với tốc độ còn chậm, chưa vững chắc; tốc độ tăng tiêu dùng còn thấp, khu vực sản xuất chưa có khởi sắc rõ rệt; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao.

Đặc biệt, lãi suất cho vay đã giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp để kinh doanh còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng còn thấp, 8 tháng chỉ đạt 6,21%, tăng không đáng kể so với cùng kỳ 2013. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ nền kinh tế thấp do tổng cầu yếu.

Việc xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng còn chậm, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có xu hướng tăng trở lại; số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp. Cùng với đó, kinh tế nông nghiệp cũng còn nhiều khó khăn. Một số chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nhất là thuỷ, hải sản, khuyến khịch doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở nông thôn bắt đầu được triển khai...

Vì thế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh rằng, diễn đàn này có ý nghĩa quan trọng vì được tổ chức trong thời gian Đảng ta đang chỉ đạo tổng kết 30 năm Đổi mới, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11. Do đó, ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý... sẽ rất quan trong việc đánh giá thực trạng, chỉ ra giải pháp cho những tháng cuối năm 2014 và năm 2015.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đánh giá kết quả thực hiện so với mục tiêu đề ra, chỉ ra nguyên nhân, tìm ra điểm nghẽn ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trường, thực hiện các đột phá chiến lược.

Các tin khác