Sản phẩm nhỏ, khát vọng lớn

Để làm ra đôi đũa ăn bình thường quá đơn giản. Nhưng để làm ra đôi đũa sạch theo chuẩn châu Âu, bà Lê Thị Thu Lai (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hương Quê, đã mất nhiều năm ròng rã nghiên cứu, thí nghiệm. Để đến nay khi đã có sản phẩm chuẩn trong tay, bà lại bước vào hành trình mới: hành trình chinh phục người tiêu dùng.

Để làm ra đôi đũa ăn bình thường quá đơn giản. Nhưng để làm ra đôi đũa sạch theo chuẩn châu Âu, bà Lê Thị Thu Lai (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hương Quê, đã mất nhiều năm ròng rã nghiên cứu, thí nghiệm. Để đến nay khi đã có sản phẩm chuẩn trong tay, bà lại bước vào hành trình mới: hành trình chinh phục người tiêu dùng.

PHÓNG VIÊN: - Trong suốt nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, thí nghiệm bà đã có những kỷ niệm gì với sản phẩm nhỏ bé này?

Bà LÊ THỊ THU LAI: - Tỉnh Ninh Thuận có làng nghề chuyên sản xuất đũa ăn và ngay từ khi còn nhỏ tôi đã tham gia nghề truyền thống này. Mấy chục năm gắn bó với nghề, với tôi đôi đũa đã là một phần tất yếu của cuộc sống. Có lẽ cũng vì gắn bó lâu nên tôi rất rành về đôi đũa, càng làm tôi càng nhận ra nếu cứ làm thủ công như thế, phía sau hình thức đẹp thực tế là đôi đũa chưa sạch, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.

Từ suy nghĩ ấy, tôi bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu, thí nghiệm để có thể làm ra một đôi đũa sạch theo đúng tiêu chuẩn. Những ngày đầu, khi mang sản phẩm lên Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để kiểm định, tôi đã phải chấp nhận những thất bại liên tiếp. Chính đại diện của trung tâm này đã khuyên tôi đừng tiến hành nữa vì sản phẩm gỗ phải kiểm định theo tiêu chuẩn châu Âu hoặc Hoa Kỳ rất khắt khe.

Nếu tiếp tục thực hiện sẽ tốn kém do giá kiểm định 1 sản phẩm 4 triệu đồng, mỗi lần tôi mang đi gần 20 sản phẩm để kiểm định, tức chi phí khoảng 80 triệu đồng. Tuy nhiên, vì khát khao quá lớn nên tôi không bỏ cuộc và tiếp tục nghiên cứu.

Trong quá trình nghiên cứu tôi nhờ Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Ninh Thuận giúp đỡ. Sở đã giới thiệu tôi với một số giáo sư, tiến sĩ, nhưng họ nói khi nào rảnh mới giúp tôi được. Biết đến khi nào họ mới rảnh nên tôi lại tự mày mò và có lẽ chính nghị lực, quyết tâm đã mang đến thành công.

Sau nhiều năm nghiên cứu đến tháng 10-2012, Trung tâm 3 đã chính thức xác nhận sản phẩm của chúng tôi đạt tiêu chuẩn châu Âu. Lúc đó tôi cảm giác như có ai cho mình cả núi vàng vì tôi biết tương lai cho sản phẩm của mình đang rộng mở.

- Nhìn thấy tương lai rộng mở nhưng con đường đi đến tương lai ấy của Hương Quê lại đang gặp nhiều trở ngại?

- Hiện nay, dù sản phẩm đũa Hương Quê đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị của Coopmart, Big C, Metro, Lotte… nhưng thực sự chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết về giá thành. Để làm ra đôi đũa sạch theo đúng chuẩn châu Âu chi phí bỏ ra cao hơn so với đôi đũa thông thường, nhưng khi đưa hàng vào siêu thị vẫn phải chấp nhận mức giá lỗ.

Theo đó, các siêu thị cho biết khi nào sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng biết đến nhiều mới có thể tăng giá bán. Để quảng bá cho sản phẩm của mình, tôi đã tham gia rất nhiều hội chợ từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, tôi cũng tham gia nhiều hội thảo, hội nghị để mong muốn có cơ hội gặp gỡ những nhà bán lẻ để mong nhận được sự sẻ chia, đồng thời tìm được những đối tác đầu tư vốn giúp chúng tôi có tiềm lực tài chính mạnh hơn, quảng bá tốt hơn cho sản phẩm của mình.

Tham vọng của tôi là có thể biến DN nhỏ của mình thành DN lớn mạnh, thu mua toàn bộ sản phẩm đũa của tỉnh Ninh Thuận để tạo ra những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Tôi biết chỉ một thời gian ngắn nữa, khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, hay Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, hàng ngoại sẽ tràn vào có thể giết chết thương hiệu nhỏ như chúng tôi. Cũng có người hỏi vì sao đưa hàng vào siêu thị chịu lỗ mà chúng tôi vẫn tồn tại được. Đó là nhờ vào kênh nhà hàng. Hiện nay chúng tôi đang cung cấp sản phẩm cho nhiều nhà hàng tại TPHCM. Khoản lợi nhuận từ đây được chúng tôi bù cho mảng siêu thị.

Nhiều đồng nghiệp cũng hỏi tôi nay không còn trẻ vậy điều gì làm động lực để tôi tin tưởng con đường tương lai? Đúng là ở tuổi tôi, ai thành công đã rất thành công, nhưng với riêng tôi dường như mọi thứ mới đang bắt đầu. Cũng có đôi lần tôi nản chí muốn bỏ cuộc, song chính từ tâm huyết của một người gắn bó với đôi đũa biết bao nhiêu năm mà tôi lại ráng. Người tiêu dùng ngày càng thông minh, cẩn trọng với sức khỏe của mình hơn, nên tôi nghĩ nhất định chúng tôi sẽ thành công. 

- Thị trường nội còn khó khăn nhưng với những nỗ lực để sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt bà có tham vọng đưa sản phẩm của mình xuất ngoại?

- Tôi hiểu rõ tiềm lực của mình, nên một mình ra biển lớn quá khó. Chính vì lẽ đó tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để sản phẩm nhỏ của mình có cơ hội được đi xa hơn. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có cơ duyên để gặp gỡ những đơn vị hỗ trợ xuất khẩu.

Trước đây, chúng tôi cũng từng có dịp xuất hàng đi Nhật Bản nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ. Nay khi sản phẩm đã có những chứng nhận đảm bảo, tôi mong muốn được trở lại thị trường này.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác