Thế cờ Nam Á (K2): Xe - Pháo - Mã

Nếu Ấn Độ là quân tướng trên bàn cờ Nam Á, những nước nào sẽ đóng vai trò xe, pháo, mã?

Nếu Ấn Độ là quân tướng trên bàn cờ Nam Á, những nước nào sẽ đóng vai trò xe, pháo, mã?

Chuyến thăm sau 1/4 thế kỷ

Gần như ngay sau khi đón tiếp người đồng cấp Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khởi hành đến thăm các nước Nam Á khác là Bangladesh và Sri Lanka. Phát biểu với báo giới trước khi rời Tokyo, Abe lưu ý ông là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm Bangladesh và Sri Lanka trong vòng 14 và 24 năm qua. “Đó là những nước có ảnh hưởng ngày càng lớn cả về kinh tế lẫn chính trị” - ông Abe nói.

Bangladesh hy vọng sẽ giành được sự đầu tư của Nhật Bản cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm 1 cầu đường sắt và 1 đường hầm dưới dòng sông Brahmaputra cuồn cuộn. “Lúc này những gì chúng tôi muốn là đầu tư. Cuộc viếng thăm này là một cột mốc quan trọng trong quan hệ của chúng ta” - Ngoại trưởng Bangladesh A.H. Mahmood Ali nói. 

Trước đó, Thủ tướng Bangladesh đã đến thăm Nhật Bản vào tháng 5 và được Tokyo cam kết hỗ trợ 6 tỷ USD. Tháng trước, Dhaka cho biết Tokyo đồng ý cho Bangladesh vay 4 tỷ USD để xây nhà máy nhiệt điện chạy than, cũng như 1 cảng biển nước sâu và 1 thị trấn. Bangladesh có kế hoạch thành lập khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản. Phát biểu tại 1 diễn đàn ở Dhaka với hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp từ 2 nước, Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản sẽ xúc tiến đầu tư từ cơ sở hạ tầng đến nước sạch, với hy vọng lớn lao về hoạt động kinh doanh ở Bangladesh.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc cần phải cẩn thận khi đặt chân lên cả 2 chiếc thuyền cùng lúc, bởi Ấn Độ và Pakistan vốn là những hàng xóm cơm không lành, canh không ngọt, thậm chí đã từng phát động chiến tranh với nhau. Ngoài ra, đánh giá khả năng quân sự và hệ tư tưởng của Pakistan, họ phải đối mặt với một số khó khăn khách quan và chủ quan trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, mối quan hệ hữu hảo giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam gần đây có thể khiến Bắc Kinh không mấy hài lòng.

Đối với Nhật Bản, nước phải nhập khẩu phần lớn năng lượng, Ấn Độ Dương là tuyến đường biển quan trọng, cung cấp dầu mỏ và khí hóa lỏng từ Trung Đông. Bangladesh và Sri Lanka nằm dọc theo tuyến đường biển giữa các nguồn tài nguyên phong phú Trung Đông và Đông Á.

Với Bangladesh và Sri Lanka, sự quan tâm lớn của các nền kinh tế khu vực là tạo ra cơ hội để thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu. Để bày tỏ thành ý, Bangladesh đã rút lui khỏi cuộc tranh ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc năm 2015-2016 nhằm tạo thuận lợi cho Nhật Bản vào vị trí này. “Tôi đánh giá cao quyết định này, nó sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa 2 nước” - ông Abe nói.

Tại thủ đô Colombo của Sri Lanka, ông Abe và người đồng nhiệm Rajapakse cam kết gia tăng hợp tác hàng hải về mặt lãnh thổ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra gây hấn hơn. Báo chí Sri Lanka cho biết Nhật Bản sẵn sàng cung cấp tàu tuần tra để giúp Sri Lanka tăng cường bảo vệ lãnh hải. Dù có quy mô dân số và diện tích nhỏ, Sri Lanka có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng vì nằm ở điểm giữa của vùng Sừng châu Phi và Vịnh Ba Tư ở phía Tây; và ở giữa eo biển Malacca với các thị trường dầu mỏ và khí đốt như Nhật Bản và Trung Quốc.

Để đối phó với những hoạt động o bế Sri Lanka của Trung Quốc trong những năm gần đây, hồi tháng 6 năm ngoái Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã đến thăm Sri Lanka và tổ chức những buổi đàm phán chính thức với người đứng đầu Hải quân Sri Lanka.

Qua đó, 2 bên bắt đầu hợp tác sâu về giám sát hàng hải và chống khủng bố. Nhật Bản hiện đang tài trợ cho việc mở rộng sân bay quốc tế Colombo với một khoản vay mềm 330 triệu USD. Tokyo cũng đang giúp Sri Lanka thiết lập một hệ thống phát sóng truyền hình kỹ thuật số mới và nâng cấp mạng lưới giao thông vận tải nội địa.

Hàng hải cũng là vấn đề được chú ý đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Sri Lanka, trong bối cảnh Trung Quốc muốn nâng cao sức mạnh hàng hải của mình. Trong chuyến thăm của ông Tập, 2 bên đã ký kết 1 thỏa thuận ghi nhớ hợp tác về cảng Hambantota.

Đây là cảng biển đang được xây dựng ở bờ Nam của Sri Lanka, cách bờ biển Ấn Độ chỉ 250km. Trung Quốc hứa hẹn sẽ đầu tư 1,4 tỷ USD vào cảng này. Trước đó, Trung Quốc đã bơm 500 triệu USD vào bến container của cảng Colombo, nằm ở bờ Bắc của Sri Lanka. Ngoài hợp tác cảng biển, Trung Quốc cũng cam kết đổ tiền vào các dự án phát điện và đường sắt ở Sri Lanka.

Những hợp tác với Sri Lanka nằm trong nỗ lực thiết lập “con đường tơ lụa hàng hải” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này đang khiến các nước khác lo ngại, đặc biệt Nhật Bản và Ấn Độ, những nước đang có xung đột lãnh thổ và lãnh hải với Bắc Kinh.

“Bộ Chỉ huy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cần phải cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, nâng cao năng lực để giành chiến thắng ở một cuộc chiến tranh khu vực trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay” - Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau chuyến công du Ấn Độ. Chỉ thị này khiến nhiều người suy đoán về mục tiêu thật sự của Trung Quốc trong vấn đề biên giới.

Pakistan

Dù không có trong lịch trình thăm viếng của các nguyên thủ châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian gần đây, nhưng Pakistan vẫn luôn là quân cờ quan trọng trên bàn cờ Nam Á. Thậm chí, một số nhà quan sát còn đặt nước này lên ngang hàng với Ấn Độ, trước hết vì đây cũng là quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, Pakistan vẫn kém xa Ấn Độ. Về thế lực, Ấn Độ là thành viên của nhóm BRICS và G20. Delhi cũng là lãnh đạo của các nước đang phát triển thông qua G77 và Phong trào Không liên kết. Về kinh tế, theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2013 GDP của Ấn Độ đạt 1.900 tỷ USD, trong khi Pakistan 236 tỷ USD, chỉ bằng 12% của Ấn Độ.

Năm 2013, Ấn Độ nằm trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ấn Độ còn được nhận định sẽ có tiềm năng tăng trưởng bứt phá như Trung Quốc những năm 1980, khi GDP hiện chỉ tăng 4,5%. Trong khi đó, Pakistan không có được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như Ấn Độ trong suốt thập niên qua. Với vị thế của mình, rõ ràng Ấn Độ phải là đối tượng được Bắc Kinh o bế hàng đầu ở khu vực Nam Á. Tuy nhiên, tại sao lại có những vụ đụng độ biên giới diễn ra giữa 2 bên ngay khi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa nguyên thủ 2 nước?

Theo GS. Srikanth Kondapalli, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Á Đông thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, thời gian xảy ra cuộc đối đầu có liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập ở Trung Quốc. “Mức độ quấy rầy ở biên giới có liên quan tới chiến dịch ông Tập Cận Bình khởi xướng trong hàng ngũ lãnh đạo PLA. Một số người cho rằng, cuộc đối đầu ở biên giới Ấn - Trung thực ra là cơn thịnh nộ của các phe phái trút lên đầu Chủ tịch Tập” - GS. Kondapalli bình luận.

Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân trước khi lên máy bay công du Nam Á. Ảnh: AFP/JIJI PRESS

Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân trước khi lên máy bay công du Nam Á.
Ảnh: AFP/JIJI PRESS

Dù ở vị thế kém hơn, Pakistan vẫn có vai trò chiến lược quan trọng trong khu vực. Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã cố gắng tăng cường quan hệ song phương với Pakistan. Điều này hình thành nền tảng cho Trung Quốc tạo thành một "liên minh chiến lược" với Pakistan trong những năm 1970.

Trong thực tế, Pakistan đã được Trung Quốc dùng như một quân cờ để kiềm chế Ấn Độ, nước có nhiều tranh chấp với Bắc Kinh, đặc biệt 2 bên đã tiến hành chiến tranh biên giới vào năm 1962. Mặt khác, Pakistan ngày càng có vai trò quan trọng hơn đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố bắt đầu nổi lên gần đây ở miền Tây Trung Quốc.

Pakistan đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố so với Ấn Độ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, chủ nghĩa khủng bố sẽ trở thành trở ngại lớn đối với Trung Quốc trong việc phát triển khu vực phía Tây của nước này. Trung Quốc đã thiết lập liên minh qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để chống lại các lực lượng khủng bố ở miền Tây Bắc. Nước này cũng làm tương tự với Pakistan ở khu vực Tây Nam Trung Quốc, đem lại một ý nghĩa mới cho liên minh chiến lược giữa Trung Quốc và Pakistan.

Các tin khác