Kinh tế VN: Gập ghềnh phục hồi, thách thức cải cách

Nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu thoát đáy nhưng tốc độ phục hồi chậm, trong khi chương trình tái cơ cấu kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều thách thức. Đó là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua ở Ninh Bình. Nhiều giải pháp góp phần đẩy nhanh phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, cũng như cải cách thể chế - tái cơ cấu kinh tế trong dài hạn, đã được kiến nghị tại diễn đàn.

Nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu thoát đáy nhưng tốc độ phục hồi chậm, trong khi chương trình tái cơ cấu kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều thách thức. Đó là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua ở Ninh Bình. Nhiều giải pháp góp phần đẩy nhanh phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, cũng như cải cách thể chế - tái cơ cấu kinh tế trong dài hạn, đã được kiến nghị tại diễn đàn.

Vật vã đi lên

Là một diễn giả chính tại diễn đàn lần này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng đến nay nền kinh tế đã thoát đáy và đang “vật vã để đi lên” nhưng tổng cầu vẫn yếu, nợ xấu không được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng, tín dụng không đến được với nền kinh tế; tốc độ phục hồi chậm.

Khu vực doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, chỉ số quản trị mua hàng theo HSBC tuy vẫn ở mức trên 50 điểm phần trăm nhưng đã sụt giảm 4 tháng liên tục. Điều đáng lưu ý, khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng yếu, tỷ trọng xuất khẩu 8 tháng năm 2014 chỉ chiếm 32,7% tổng kim ngạch của cả nước, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên tới 67,3%.

Hệ thống phân phối cũng đang bị nhà đầu tư nước ngoài xâm lấn, vốn FDI cũng chiếm tỷ trọng gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. “Tình hình này tốt hay xấu và liệu tăng trưởng kinh tế có đi liền với tích lũy và tăng cường nội lực, gia tăng sức mạnh của doanh nghiệp trong nước? Đây là câu hỏi cần được đặt ra một cách nghiêm túc” - ông Tuyển nói.

Lãi suất cho vay đã giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp để kinh doanh còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, 8 tháng chỉ đạt 6,21%, tăng không đáng kể so với cùng kỳ 2013. Điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp do tổng cầu yếu. Việc xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng chậm, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có xu hướng tăng trở lại; số lượng nợ xấu được xử lý thấp.

Nguyễn Thị Kim Ngân,
Phó Chủ tịch Quốc hội

Cũng là một diễn giả chính, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dùng cụm từ “gập ghềnh phục hồi, thách thức cải cách” để chuyển tải thông điệp của mình về tình hình kinh tế Việt Nam. Theo chuyên gia này, ổn định vĩ mô của kinh tế Việt Nam khá mong manh dù sản xuất kinh doanh có chỉ số được cải thiện. Và 2 rủi ro lớn nhất hiện nay là khó khăn ngân sách và nợ công, khi nợ tăng rất nhanh và dòng tiền trả nợ bắt đầu có vấn đề.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo báo cáo về kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2014, kết quả đạt được khá khả quan khi 12/14 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra (2 chỉ tiêu không đạt là tạo việc làm và tỷ lệ lao động qua đào tạo). Điểm nổi bật là tăng trưởng ở hầu hết ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có chuyển biến mạnh hơn so với năm 2013.

Trong đó, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, tiếp tục phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đạt 6,4% so với mức tăng 5,4% cùng kỳ năm trước; xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng và có xuất siêu. Tuy nhiên, kinh tế phục hồi với tốc độ chậm, chưa vững chắc; tốc độ tăng tiêu dùng còn thấp, khu vực sản xuất chưa có khởi sắc rõ rệt; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn ở mức cao.

Khó đạt mức tăng trưởng 5,8%

Đa số ý kiến tại diễn đàn đều cho rằng với tình hình hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014 là thách thức rất lớn. “Tăng trưởng GDP năm nay sẽ khó đạt mức 5,8% như chỉ tiêu. Nếu muốn đạt, phải tăng thêm khai thác dầu thô, khai thác than… nhưng đây là cách tăng trưởng không hiệu quả. Vấn đề không chỉ tốc độ tăng trưởng mà quan trọng hơn là cách thức tạo ra tăng trưởng.

Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới. Nếu không cải cách tổng thể, nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tổn thương. Đến lúc đó những thành quả cải cách mấy chục năm qua có thể về con số 0. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng có rất nhiều cơ hội để phát triển. Có thể nói đây là những cơ hội hiếm thấy, cửa sổ không phải lúc nào cũng mở. Vấn đề còn lại là Việt Nam có nắm bắt được cơ hội hay không.

Ông Sanjay Kalra,
Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam

Nếu giải quyết được nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư tư nhân, có thể tiếp cận đến chỉ tiêu này và tạo đà cho năm 2015” - ông Trương Đình Tuyển gợi ý. Nhóm diễn giả của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội gồm GS.TS Trần Thọ Đạt, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, TS. Hà Quỳnh Hoa đưa ra dự báo năm 2014 tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,69%, trong khi lạm phát ở mức khoảng 4,5%.

Chính vì lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các chuyên gia này cho rằng Chính phủ có thể nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng.

Về kiến nghị cụ thể, ông Trương Đình Tuyển cho rằng để phục hồi tăng trưởng trong ngắn hạn cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Yêu cầu này đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. “Đây là công việc không mất nhiều tiền, nhưng tiếc là chúng ta thực hiện quá muộn” - ông Tuyển nhận định.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hữu hiệu để giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; thực hiện minh bạch tỷ lệ nợ xấu. Trong điều kiện tổng cầu yếu, lạm phát thấp và đang xuất siêu, có thể xem xét khả năng điều chỉnh hạ giá VNĐ khoảng 3% để khuyến khích xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Dù lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế trong năm nay, nhưng các chuyên gia kinh tế lại có cái nhìn lạc quan cho năm sau. Nhiều ý kiến dự báo kinh tế Việt Nam năm 2015 có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng 6-6,2%.

Lý giải điều này, ông Trương Đình Tuyển cho biết: “Yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh đang được Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt và sẽ có chuyển biến trên hầu hết các tiêu chí trong nửa đầu năm 2015. Nhiều khả năng hầu hết hiệp định mậu dịch tự do nước ta đang đàm phán sẽ được hoàn thành không muộn hơn 6 tháng đầu năm 2015. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng”.

Tái cơ cấu chậm vì lợi ích nhóm

Bên cạnh khó khăn của quá trình phục hồi kinh tế, sự chậm trễ trong tái cơ cấu cũng là một thách thức lớn được đặt ra tại diễn đàn. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Việt Nam, tái cơ cấu chậm, đi chệch hướng là do lợi ích nhóm chi phối quá lớn. Do kinh tế Việt Nam phải vật vã vượt qua khó khăn trước đó, nên phải tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách mang tính ngắn hạn. Việc chậm tái cơ cấu còn do việc đánh giá thấp nguy cơ, không theo kịp sự phát triển của thị trường.

Bên cạnh đó, không đánh giá đúng nguyên nhân cũng dẫn đến đề án đề ra thiếu tính khả thi, giải pháp vô ích, chệch hướng thị trường. Cụ thể, mô hình tăng trưởng ngày càng bị sai lệch, chủ yếu dựa vào vốn, tăng trưởng đánh đổi bằng lạm phát. Đặc biệt, vẫn không làm rõ cơ chế thực hiện định hướng XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường, cố giữ cơ chế cũ, cơ chế xin cho, trách nhiệm tập thể bằng vô trách nhiệm cá nhân.

“Nhà nước vẫn cố thủ cơ chế cũ, ưa thích can thiệp sâu, kiểm soát chặt chẽ vào mọi mặt kinh tế. Cứ hùng hục tái cơ cấu mà vẫn cơ chế này, giá điện, giá đất vẫn thế... thì vô ích” - ông Thiên nói.

Dù 12/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội 9 tháng năm 2014 vượt kế hoạch, nhưng phát triển chưa bền vững.

Dù 12/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội 9 tháng năm 2014 vượt kế hoạch,
nhưng phát triển chưa bền vững.

Để khắc phục tình trạng trên, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đề xuất cần phải có sự tái cơ cấu thực sự, không phải hời hợt như vừa rồi. Tức phải có sự thay đổi từ phía Nhà nước, thị trường cũng phải thay đổi. Phải tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, có cơ sở chuẩn về định giá thị trường, hệ thống giá phải thay đổi. “Không thể duy trì thói quen làm ăn vô trách nhiệm như trước đây, không tái cơ cấu được đuổi thẳng, để người khác làm. Muốn tái cơ cấu nhanh cần có chế tài cá nhân, tập thể rõ ràng” - ông Thiên thẳng thắn.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại dựa trên 3 trụ cột (thị trường, Nhà nước và xã hội) là tiền đề quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế. Đối với cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán hết phần vốn doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối, coi đây là nội dung chủ yếu của tái cơ cấu.

Các tin khác