DNNN gian nan thoái vốn

Quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cho đến thời điểm này đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thời gian gần đây tiến độ tái cấu trúc đang có dấu hiệu chậm lại do quá trình thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại các tổ chức tín dụng (TCTD) diễn ra chậm chạp.

Quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cho đến thời điểm này đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thời gian gần đây tiến độ tái cấu trúc đang có dấu hiệu chậm lại do quá trình thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại các tổ chức tín dụng (TCTD) diễn ra chậm chạp.

Áp lực 2 chiều

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2013 các DNNN đã tiến hành thoái vốn được 965 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực tài chính, NH 734,7 tỷ đồng. Nhưng từ đầu năm đến ngày 20-6, số vốn các DN này thoái khỏi lĩnh vực tài chính là 168,5 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực NH 73 tỷ đồng. Các chuyên gia ước lượng, hiện số vốn của các DNNN còn sở hữu tại TCTD khoảng 10.000 tỷ đồng, cho thấy quá trình thoái vốn của DNNN đang diễn ra khá chậm.

Theo đó, hiện nay nhiều DNNN vẫn còn nắm cổ phần chi phối tại các NHTM như Tập đoàn Dầu khí đang sở hữu 20% cổ phần tại Ocean Bank; Petrolimex sở hữu 40% cổ phần PGBank; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có vai trò lớn tại SHB; Tập đoàn Điện lực (EVN) nắm giữ 16% cổ phần của ABBank; Tập đoàn Dệt may có cổ phần lớn tại NH Quốc dân và Tập đoàn Bảo Việt nắm cổ phần chi phối BaoVietBank…

Việc thoái vốn không phải nói là làm ngay được mà phải có lộ trình, thời gian. Thực chất thoái vốn là bán lại những phần vốn đó nhưng không phải ai thoái vốn cũng có người mua. NHNN không thể mua lại cổ phần bằng tiền ngân sách, còn nếu bán cho SCIC mua lại, xem như “đánh bùn sang ao” vì chỉ là chuyển từ DNNN này sang DNNN khác, không thoái vốn.

TS. Trần Du Lịch,
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Trước tiến độ thoái vốn chậm chạp, Chính phủ đã liên tục đốc thúc thực hiện. Cụ thể, Nghị quyết 15/NQ/CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6-3-2014, quy định việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính-NHTM của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể giao NHTM nhà nước mua lại hoặc chuyển NHNN làm đại diện chủ sở hữu.

Tại hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN diễn ra đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu DNNN đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2014-2015, đặc biệt quan tâm tới việc thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính NH. NHNN được yêu cầu phải trình báo cáo phương án xử lý các khoản đầu tư của DNNN tại TCTD gắn với việc tái cơ cấu các NHTM. Tuy nhiên, việc thoái vốn của các DNNN khỏi lĩnh vực NH vẫn không như mong đợi, vì muốn bán nhưng không tìm được người mua.

Hiện nay quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN, đặc biệt lĩnh vực NH được xem là miếng bánh ngon, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dù vậy  nhiều DNNN rất vất vả trong đàm phán nhưng chưa thể chuyển nhượng được phần vốn tại các NHTM.

Chẳng hạn từ năm 2012 đến nay, Ocean Bank chưa thể hoàn tất đàm phán với đối tác Hermes Capital (Anh) về việc chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn Dầu khí tại NH. EVN dù rất nỗ lực nhưng chỉ mới thoái được khoảng 6% trên tổng số 22% vốn sở hữu tại ABBank, trong khi theo chỉ đạo của Chính phủ năm 2015 EVN sẽ phải thoái hết vốn tại NH này.

Các chuyên gia cho rằng khi các đợt đấu giá bán cổ phần thoái vốn đầu tư tại ABBank của EVN và đợt đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong tháng 8, tháng 9 năm ngoái gặp thất bại, bởi mỗi đợt chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia. Thực tế này càng cho thấy việc tìm kiếm đối tác chuyển nhượng cổ phần của DNNN tại các NHTM không hề dễ.

Đã mở nhưng khó thông

Để đẩy mạnh quá trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, mới đây Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, trong đó quy định rõ việc thoái vốn nhà nước tại các NH. Theo đó, nếu DNNN sở hữu hoặc cùng DNNN khác sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại các NH, được NHNN xem xét tiếp nhận đại diện chủ sở hữu hoặc chỉ định 1 hoặc một số NHTM nhà nước mua lại theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với từng trường hợp.

Đối với vốn nhà nước đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, NH sau khi xử lý theo quy định vẫn không bán được hoặc không bán hết, DNNN báo cáo chủ sở hữu vốn nhà nước đề nghị Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, thỏa thuận mua số cổ phần, phần vốn nhà nước còn lại theo mức giá không cao hơn giá khởi điểm khi bán thỏa thuận không thành công, hoặc không cao hơn giá bán thỏa thuận thành công.

Khách hàng vay vốn tại Ocean Bank. Ảnh: LONG THANH

Khách hàng vay vốn tại Ocean Bank. Ảnh: LONG THANH

Tuy nhiên, lãnh đạo một NHTMCP chia sẻ, dù Chính phủ đang thúc đẩy các DNNN hoàn thành thoái vốn trong năm 2015, nhưng thực tế để thoái vốn khỏi NHTM mất khá nhiều thời gian, bởi thủ tục rất phức tạp. Cụ thể, để tổ chức mỗi đợt bán đấu giá cổ phần, đơn vị thoái vốn phải mất hơn 1 năm để hoàn thiện thủ tục và các cấp có thẩm quyền liên quan phê duyệt.

Vất vả nhưng khi đấu giá vẫn xảy ra tình trạng cổ phiếu bị ế khi không có nhà đầu tư tham gia, hoặc do giá khởi điểm chào bán cổ phiếu cao hơn nhiều so với giá thị trường. Một điểm nữa khiến việc thoái vốn bị nghẽn là độ công khai minh bạch của các NH vẫn chưa thuyết phục được nhà đầu tư, đồng thời hiện nay tỷ suất sinh lời trên vốn và mức cổ tức NH chia hàng năm không đủ sức hấp dẫn.

So với mệnh giá ban đầu góp vốn, thị giá cổ phiếu NH đã xuống thấp khiến vốn chủ sở hữu cũng sụt giảm theo, cùng với đó là áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng lớn khiến sức hút của NH đang giảm đi nhiều. Vì vậy, DNNN muốn bán cổ phần phải chấp nhận lỗ và đây là rào cản của việc thoái vốn nhà nước. 

Các tin khác