Mất nhiều chi phí cho… chi phí

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quy định trần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… 15% trong tổng số chi phí được trừ, có hiệu lực từ 1-1-2014. Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ phương án tháo bỏ mức trần này để hỗ trợ DN. Việc một luật vừa có hiệu lực không lâu, nay lại đề xuất sửa đổi nội dung trước đó đã có nhiều ý kiến không đồng tình, đang đặt ra nhiều suy nghĩ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quy định trần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… 15% trong tổng số chi phí được trừ, có hiệu lực từ 1-1-2014. Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ phương án tháo bỏ mức trần này để hỗ trợ DN. Việc một luật vừa có hiệu lực không lâu, nay lại đề xuất sửa đổi nội dung trước đó đã có nhiều ý kiến không đồng tình, đang đặt ra nhiều suy nghĩ.

Hôm nay 25-9, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (ARV) tổ chức buổi tọa đàm về dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại. Còn nhớ, thời điểm dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế TNDN được đưa ra vào khoảng cuối năm 2012 (Quốc hội thông qua 19-6-2013), đã có hàng loạt hội thảo về vấn đề này được tổ chức. Đa số quan điểm của DN là nên tháo bỏ hẳn mức khống chế 10% thay vì nới lên mức 15%.

 Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức khống chế này gây thiệt hại cho DN vì thực tế đã chi cho các hoạt động này trên mức khống chế (số này phổ biến trong hoàn cảnh việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi chi phí rất lớn). Hơn nữa, vì chiến lược, quy mô, ngành nghề khác nhau nên nhu cầu quảng cáo, khuyến mại, quảng bá thương hiệu của DN cũng khác nhau, nên việc khống chế chi phí này sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa các DN.

Chính vì những bất hợp lý và thiệt hại về lợi ích này nhiều DN đã phản đối, khiếu nại trong thời gian qua. Bên cạnh đó, theo quy định trong các thông tư hiện hành, một số khoản chi phí cũng mang tính chất quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, như chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tổ chức hội chợ, triển lãm lại không chịu mức khống chế nói trên, trong khi về mặt bản chất không khác các khoản chi khuyến mại, quảng cáo, tiếp thị… Đây là sự phân biệt đối xử cần phải hạn chế, nhất là trong tiến trình hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới.

Cũng theo lý giải của VCCI, bỏ giới hạn mức chi còn khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của DN, trong khi Nhà nước không thất thu, bởi khoản chi của DN này đồng thời là khoản thu của DN khác cung cấp dịch vụ và Nhà nước đã đánh thuế đối với khoản thu này. Bảo vệ cho lập luận này, tổ chức đại diện cho cộng đồng DN, nhấn mạnh Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới có quy định về mức khống chế như trên đối với chi quảng cáo và khuyến mại.

Điều này làm cho chi phí thuế thực của DN tăng lên trung bình 42-80% so với chi phí thuế danh nghĩa tùy trường hợp (khoản chi quảng cáo và khuyến mại càng cao so với tỷ lệ doanh thu, mức tăng chi phí thuế thực càng lớn). Đây là điểm hạn chế lớn trong quá trình ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước. ARV cũng cho rằng nên dỡ bỏ hẳn mức khống chế vì đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của DN. Theo đó, trường hợp chưa thể dỡ bỏ hẳn nên quy định tỷ lệ 15% trên doanh thu.

Tuy nhiên, dù có nhiều ý kiến phản đối, Bộ Tài chính khi đó vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình. Bộ này cho rằng đề nghị dỡ bỏ mức khống chế chỉ có các DN đầu tư nước ngoài (FDI), công ty đa quốc gia nhất là DN thuộc khối EU, còn DN Việt Nam “không có kiến nghị về việc bỏ tỷ lệ hoặc nâng tỷ lệ khống chế”.

Bộ Tài chính cũng khẳng định việc khống chế tỷ lệ chi phí, quảng cáo, khuyến mại còn góp phần bảo vệ DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Quan điểm của Bộ Tài chính đã nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội, khi cơ quan lập pháp này thông qua dự luật với quy định khống chế ở mức 15% chi phí.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đến nay, chỉ sau hơn 9 tháng thực hiện, lại chính Bộ Tài chính đề xuất dỡ bỏ hẳn chi phí quảng cáo, tiếp thị để tháo gỡ khó khăn, tăng sức cạnh tranh cho DN. Bên cạnh mặt tích cực là việc Bộ Tài chính cầu thị, sẵn sàng sửa những điểm bất hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho DN, việc thay đổi quan điểm cũng cho thấy có quá nhiều vấn đề trong quá trình xây dựng văn bản này. Thứ nhất, vấn đề dỡ bỏ hay không đã được mổ xẻ kỹ lưỡng, hạn chế tồn tại đã được chỉ ra và đây không phải là nội dung quá phức tạp.

Thứ hai, ngay cả thông lệ quốc tế cũng đã chỉ ra một vài nước đang áp dụng việc khống chế, trong đó có Việt Nam như chính thừa nhận của Bộ Tài chính. Song vượt qua tất cả, quyết định duy trì mức khống chế vẫn được đưa ra. Thời gian chưa đủ lâu nhưng vấn đề này lại mang ra sửa đổi đã gây ra nhiều tốn kém không đáng có cho cả người ra quyết định lẫn người thực hiện.

Việc sửa đổi này nếu được Bộ Tài chính, Chính phủ nhất trí còn phải được Quốc hội thảo luận và thông qua. Thời gian để thông qua và có hiệu lực sẽ kéo dài ít nhất vài tháng, trong khi những chi phí đó sẽ không đáng có nếu như trước đây ban soạn thảo, cơ quan lập pháp lắng nghe hơn tiếng nói từ đối tượng chịu tác động.

Các tin khác