Chợ Tân Bình thay áo mới

Tên của bạn (*)

Trước tình trạng xuống cấp, không còn đảm bảo hoạt động, UBND quận Tân Bình, TPHCM đang tích cực chuẩn bị cho việc cải tạo, sửa chữa nâng cấp chợ Tân Bình thành Trung tâm Thương mại (TTTM) dịch vụ và chợ truyền thống Tân Bình.

Phối cảnh TTTM dịch vụ và chợ truyền thống Tân Bình.
Phối cảnh TTTM dịch vụ và chợ truyền thống Tân Bình.

Chợ Tân Bình tọa lạc tại số 172-174M đường Lý Thường Kiệt, (phường 8, quận Tân Bình), có tổng diện tích gần 22.000m2, được giới hạn bởi các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Lê Minh Xuân, Tân Tiến và Phú Hòa.

Chợ Tân Bình xây dựng từ trước năm 1975, do tư nhân đầu tư khai thác, có tên gọi là chợ Nguyễn Văn Thoại. Sau ngày thống nhất đất nước, chính quyền cách mạng tiếp quản và đưa vào quản lý khai thác đến nay. Hiện nay toàn chợ có 3.336 sạp với 2.956 thương nhân (trong đó có 6 đơn vị là doanh nghiệp nhà nước và HTX; 2.950 hộ cá nhân), hàng ngày có khoảng trên 10.000 lượt khách hàng đến mua sắm tại chợ.

Mặc dù chợ Tân Bình là một trong những chợ lớn của TPHCM, nhưng do được xây dựng quá lâu - trên 50 năm, trải qua nhiều giai đoạn sửa chữa, duy tu, mở rộng không đồng bộ, đến nay chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, 2/3 số lượng sạp có diện tích dưới 1m2, không đảm bảo tiêu chuẩn quy định (tối thiểu 3m2/sạp), môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thương nhân và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là nguy cơ cháy nổ và không an toàn vào mùa mưa bão hàng năm.

Vừa qua, quận Tân Bình đề nghị UBND TP cho phép cải tạo, sửa chữa, nâng cấp chợ Tân Bình thành TTTM Dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình. TP đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Tân Bình sử dụng quyền khai thác dự án để tham gia góp vốn liên doanh với Công ty TNHH Tân Quang hình thành pháp nhân mới thực hiện dự án TTTM Dịch vụ Tân Bình tại khu đất 7.000m2 phía trước chợ Tân Bình.

TP cũng đã chấp thuận chủ trương cho phép UBND quận Tân Bình tiếp tục quản lý để đầu tư chợ truyền thống Tân Bình bằng phương thức xã hội hóa; kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án; không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; nhà đầu tư bỏ toàn bộ vốn đầu tư; có thu tiền sử dụng đất đối với phần đất thuộc dự án giao nhà đầu tư khai thác.

TTTM Dịch vụ đa năng sẽ được xây dựng trên phần đất 7.000m2 giáp với đường Lý Thường Kiệt, gồm 3 tầng hầm, 17 tầng lầu với tổng kinh phí khái toán là 1.992 tỷ đồng. Nơi đây có chức năng kinh doanh thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bất động sản Tân Bình Phú đã được TP giao đất để đầu tư thực hiện dự án, đồng thời có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất một lần cả thời gian thuê đất là 50 năm và bỏ toàn bộ vốn để thực hiện dự án. Đổi lại, công ty này có quyền khai thác TTTM Dịch vụ đa năng trong thời gian thuê đất.

Chợ truyền thống Tân Bình sẽ xây dựng trên phần đất còn lại của chợ hiện hữu, có diện tích 14.979,8 m2, giáp với phần đất dự kiến xây dựng TTTM Dịch vụ Tân Bình và giáp với các tuyến đường Lê Minh Xuân, Tân Tiến, Phú Hòa. Quy mô chợ gồm 3 tầng hầm, 1 tầng lửng hầm và 6 tầng lầu với tổng diện tích sàn xây dựng là 54.708,42 m2 (không bao gồm hầm). Chợ thiết kế theo hướng vừa hiện đại vừa mang dáng dấp truyền thống, có đầy đủ tiện ích để phục vụ cho thương nhân cũng như khách hàng đến mua sắm tại chợ như: lắp đặt thang máy, thang cuốn, máy điều hòa nhiệt độ…

Tổng kinh phí ước khoảng 2.879 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường hỗ trợ, chi phí đầu tư xây dựng chợ tạm, chợ truyền thống... Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Quang bỏ toàn bộ vốn để thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư bàn giao công trình cho UBND quận quản lý khai thác, thu tiền thuê sạp từ thương nhân hoàn trả vốn cho nhà đầu tư; đối với phần đất thuộc dự án giao Tân Quang khai thác có thu tiền thuê đất trong suốt thời gian thuê theo quy định của pháp luật.

Dự kiến tháng 11-2018, chợ truyền thống đi vào hoạt động và năm 2021-2022, TTTM Dịch vụ đa năng Tân Bình đi vào hoạt động. Trong thời gian thực hiện dự án, để đảm bảo cho việc kinh doanh của thương nhân được duy trì, UBND quận quyết định cho xây dựng hai chợ tạm. Thời gian kinh doanh ở chợ tạm là 39 tháng, thời gian này thương nhân không phải đóng phí chợ. Khi hoàn thành chợ truyền thống mới, những cá nhân có đủ điều kiện sẽ tái bố trí điểm kinh doanh.

Những ai có đủ điều kiện tái bố trí nhưng không có nhu cầu thì được hỗ trợ một lần tiền là 30 triệu đồng/hộ để tự lo điểm kinh doanh mới hoặc chuyển đổi ngành nghề. Thương nhân kinh doanh ngành hàng nào sẽ được tái bố trí theo ngành hàng đó. Hộ kinh doanh hiện hữu có diện tích 3m2, 5m2… sẽ được bố trí điểm kinh doanh mới có diện tích tương ứng.

Các tin khác