Thúc thủ với tin nhắn rác?

Hàng loạt vụ án lừa đảo qua tin nhắn bị triệt phá thời gian qua đã cho thấy một thực trạng đáng buồn về việc quản lý tin nhắn rác. Sau rất nhiều nỗ lực, việc ngăn chặn các tin nhắn quấy rầy người dùng vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn bế tắc.

Hàng loạt vụ án lừa đảo qua tin nhắn bị triệt phá thời gian qua đã cho thấy một thực trạng đáng buồn về việc quản lý tin nhắn rác. Sau rất nhiều nỗ lực, việc ngăn chặn các tin nhắn quấy rầy người dùng vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí còn bế tắc.

Vẫn lộng hành

Trong 1 ngày, 1 thuê bao của các nhà mạng như Viettel, MobiFone hay VinaPhone có thể nhận được hàng chục tin nhắn rác với đủ các nội dung, từ rao bán nhà đất, gọi lại để tặng bài hát, tải game đến quảng cáo hàng hóa, mua bán sim số đẹp… Ngoài tin nhắn SMS thuần túy, nếu sử dụng các ứng dụng OTT, các thuê bao còn phải tiếp tục nhận thêm những tin nhắn làm phiền từ các ứng dụng này.

Theo anh Trần Quang Minh (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), trong vòng khoảng 1 năm trở lại đây, anh trở thành nạn nhân đúng nghĩa của tin nhắn rác khi sử dụng điện thoại 2 sim 2 sóng và cài thêm một ứng dụng OTT. “Người ta chỉ bị làm phiền 1 thì tôi đến 3. Có ngày chỉ độ 2-3 phút là điện thoại lại báo có tin nhắn, từ mua bán nhà, nhà hàng bia hơi khuyến mại, mua đệm đến soi cầu lô đề, phiền phức kinh khủng. Chặn thì không xuể, tôi buộc phải bỏ ứng dụng OTT để đỡ phiền phức, còn 2 số điện thoại gắn với công việc thì đành chịu” - anh Minh cho biết.

Nguy hiểm hơn, người dùng còn nhận được loại tin nhắn có nhúng phần mềm ẩn danh như quảng cáo tải game, tải clip hot, clip sex... Chỉ cần click vào tin nhắn là các phần mềm này tự động kết nối vào các đầu số và bị trừ tiền mà không biết. Dù chỉ vài giây, thuê bao di động có thể bị trừ từ 15.000-30.000 đồng. Với số lượng thuê bao hàng triệu, các đối tượng lừa đảo sẽ thu về một số tiền không nhỏ.

Một thí dụ điển hình là vụ việc công an quận Đống Đa (Hà Nội) phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) bắt giữ 11 đối tượng phát tán tin nhắn rác lừa đảo các thuê bao di động 2 tháng trước. Số tiền chiếm đoạt phí dịch vụ lên tới 23 tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là dùng sim rác gửi tin nhắn thông báo giả mạo trúng thưởng đến các thuê bao để nhận lại tin nhắn xác nhận với mức phí từ 15.000-30.000 đồng/tin nhắn. Số tiền trên được cái đối tượng lừa đảo ăn chia với các nhà mạng theo tỷ lệ từ 45-55%.

Quản chặt?

Việc quản lý sim rác, tin nhắn rác qua SMS đã được Bộ Thông tin-Truyền (TT-TT) thông đưa ra từ cách đây nhiều năm bằng nhiều quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện là bao. Các nhà mạng đều cho rằng họ không dung túng cho các tin nhắn rác. VinaPhone đã khóa gần 460.000 sim gửi tin nhắn loại này, đồng thời khóa hơn 150 cú pháp nhắn tin đến các đầu số khác nhau.

Viettel từng được xem là nhà mạng quyết liệt với tin nhắn rác nhất, đã có hệ thống chống spam theo tốc độ nhắn tin và kiểm soát được khoảng 60% dung lượng tin nhắn. VNPT cũng có hệ thống tương tự, chống spam theo từ khóa và tần suất nhắn tin của thuê bao. Tuy nhiên, đến nay những biện pháp này gần như không mang lại tác động thực sự.

Việc quản lý đầu số lỏng lẻo là một trong những nguyên nhân khiến cho việc loại trừ tin nhắn rác không khác gì “bắt cóc bỏ dĩa”. Theo Thanh tra Bộ TT-TT, việc quản lý dịch vụ đầu số, nhất là đối với đầu số 1900xxxx còn rất lỏng lẻo. Các DN viễn thông chỉ cung cấp hạ tầng nên họ cấp dịch vụ đầu số tràn lan. Các DN cung cấp dịch vụ nội dung có thể dễ dàng thuê cùng lúc nhiều đầu số, nếu bị phát hiện sai phạm, chặn đầu số dịch vụ này họ có thể dễ dàng chuyển đổi sang dùng đầu số khác và tiếp tục hành vi lừa đảo.

Ngoài ra, sim rác vẫn chưa thể quản lý được cũng là một trong những nguyên nhân khiến tin nhắn rác trở nên “loạn”. Bên cạnh đó, vai trò của các mạng viễn thông cũng chưa được xem xét đúng mức. Với tỷ lệ ăn chia 55%, rõ ràng mối lợi các nhà mạng thu về là không hề nhỏ. Tuy nhiên, khi quy về trách nhiệm, lãnh đạo các mạng viễn thông chiếm thị phần lớn như Viettel, VinaPhone hay MobiFone đều cho rằng nhà mạng không kiểm soát nội dung tin nhắn nên không thể biết được đâu là tin nhắn bình thường, đâu là tin nhắn lừa đảo, chỉ có thể ngăn chặn khi khách hàng phản ánh hoặc bằng các bộ lọc như trên. Tình trạng này khiến Bộ TT-TT, cực chẳng đã, đang có dự định thu hồi quyền cho thuê đầu số của các nhà mạng về bộ quản lý.

Tin nhắn SMS đã khó như vậy, tin nhắn rác qua OTT còn bế tắc hơn. Khác với tin nhắn rác qua SMS, tin nhắn qua mạng OTT không thể quy về các đầu số của DN nội dung, cũng không thể buộc nhà mạng phải chịu trách nhiệm. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT lại đặt máy chủ tại nước ngoài khiến việc truy tìm nguồn gốc phát tán và tìm giải pháp ngăn chặn càng khó khăn hơn.

Theo ông Trần Vũ Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ TT-TT), tình trạng tin nhắn rác OTT đang diễn biến ngày càng phức tạp và việc chưa có quy định quản lý cũng như chế tài xử phạt khiến vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn. "Nội dung quảng cáo rất nhạy cảm, từ sản phẩm phòng the cho tới cờ bạc... nhưng chúng ta lại chưa biết phải làm gì, phải xử lý như thế nào" - ông Hà cho biết.

Các tin khác