Minh bạch để nợ xấu không “xấu”

Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH) luôn được quan tâm đặc biệt bởi nó được ví như “cục máu đông” làm tắc nghẽn sự phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều chuyên gia, nợ xấu không hẳn đã “xấu” như nhiều người nghĩ mà là vấn đề hết sức bình thường trong bất kỳ nền kinh tế nào. Nợ xấu chỉ trở nên trầm trọng khi người ta không dám nhìn thẳng vào nó để có những giải pháp phù hợp.

Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH) luôn được quan tâm đặc biệt bởi nó được ví như “cục máu đông” làm tắc nghẽn sự phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều chuyên gia, nợ xấu không hẳn đã “xấu” như nhiều người nghĩ mà là vấn đề hết sức bình thường trong bất kỳ nền kinh tế nào. Nợ xấu chỉ trở nên trầm trọng khi người ta không dám nhìn thẳng vào nó để có những giải pháp phù hợp.

Nợ xấu giấu dưới “tấm thảm đẹp”

Ông Darryl James Dong, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), người đã có hơn 20 năm xử lý nợ xấu, cho rằng không có gì xấu khi một nền kinh tế có ngưỡng nợ xấu cao. Ngay cả những nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã trải qua giai đoạn hàng chục năm để xử lý nợ xấu.

Do đó, Việt Nam không cần phải giấu nợ xấu dưới “tấm thảm đẹp” sẽ khiến nền kinh tế càng trì trệ. Những con số phần trăm về nợ xấu đòi hỏi xử lý theo cả quá trình, không phải dứt điểm một lần là xong. Theo con số chính thức được công bố từ NHNN, nợ xấu toàn hệ thống NH tính đến hết tháng 7-2014 là 4,17%/tổng dư nợ. Song nhiều ý kiến cho rằng con số nợ xấu thực tế cao hơn nhiều. Theo tính toán có khoảng 210.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý, còn lại 161.000 tỷ đồng chưa được xử lý, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục được “bổ sung”.

Rõ ràng chúng ta chưa thực sự hình thành thị trường mua bán nợ. Trong khi đó nợ xấu lại gắn liền với bất động sản và lĩnh vực này đang có nhiều dự án dở dang vì thiếu vốn. Vì vậy, cần phải có chính sách tạo thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà. Một khi dòng vốn FDI đầu tư vào bất động sản tăng sẽ kéo sức cầu tăng theo, tức khơi thông thị trường này sẽ giúp cho nợ xấu giảm bớt.

TS. Trần Du Lịch

Tại sự kiện Gateway to Vietnam 2014 do Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức mới đây, TS. Trần Du Lịch cho rằng phải có niềm tin vào xử lý nợ xấu, nếu không giải quyết dứt điểm sẽ gây điểm nghẽn trong nền kinh tế vì không hấp thu được vốn và dẫn đến nguy cơ bất ổn hệ thống NHTM. Trong khi đó, ông Darryl James Dong nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia có sự khác biệt nên những tổ chức bên ngoài tham gia xử lý nợ xấu ở Việt Nam cũng giống như những “con kền kền” vào rồi lại ra.

Vì thế Việt Nam phải tự mình tìm ra giải pháp phù hợp với văn hóa nước mình. Việc VAMC được thành lập là sự khởi đầu tốt nhưng chưa đủ và cần có những bước đi cụ thể, rõ ràng hơn. Chẳng hạn, phải có chính sách để tận dụng thời điểm vàng như hiện nay để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia giải quyết vấn đề nợ xấu ở Việt Nam.

Vị chuyên gia của IFC đưa ra khuyến nghị, Chính phủ phải xác định rõ những chính sách, quy định, cách thức thẩm định rủi ro, quy trình rõ ràng khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Từ đó hình thành nên một khung pháp lý, cơ chế về mua bán nợ xấu theo giá thị trường.

Cần thị trường kinh doanh nợ

Kinh nghiệm cho thấy tại nhiều quốc gia trên trên thế giới muốn xử lý nợ xấu đều phải dùng cơ chế thị trường. Tức nợ xấu phải được mua bán và được xử lý theo quy luật của thị trường. Chẳng hạn ở Hàn Quốc, KAMCO (công ty quản lý tài sản nợ thuộc NH Phát triển Hàn Quốc - KDB) đã thực hiện theo cơ chế thị trường khi mua nợ xấu của các NH với giá bằng khoảng 40% giá trị gốc ban đầu.

KAMCO đã mất hơn 5 năm để xử lý nợ xấu của Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn có nước thực hiện cách xử lý nợ xấu gần giống như VAMC của Việt Nam. Chẳng hạn tại Trung Quốc, các khoản nợ xấu được chuyển giao tại mức giá trị sổ sách trực tiếp từ 4 Công ty quản lý tài sản (AMC) thuộc 4 NHTM nhà nước. Trách nhiệm của 4 AMC này phải xử lý hết các khoản nợ xấu này trong vòng 10 năm.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, cho rằng điều kiện quan trọng nhất để xử lý thành công ở tất cả quốc gia là phải có một thị trường mua bán nợ. Trong khi đó ở Việt Nam hiện chưa có thị trường mua bán nợ, đối tượng được phép tham gia hoạt động mua bán nợ cũng rất hạn chế. Đơn cử các tổ chức như AMC thuộc NHTM cũng gói gọn hoạt động trong NH mẹ.

Còn VAMC được thành lập hơn 1 năm với bước đầu phát hành trái phiếu để mua bán nợ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần làm rõ là khi VAMC liên tục mua nợ vào, đầu ra sẽ như thế nào, bán cho ai? Hiện tại các quy định mua bán nợ đã mở hơn khi cho phép tổ chức này bán nợ cho cá nhân hoặc các tổ chức khác.

Nhưng hiện tại nghề kinh doanh mua bán nợ vẫn chưa hình thành, các tổ chức muốn thành lập công ty kinh doanh mua bán nợ cũng chỉ mua, không bán. Điều này đồng nghĩa với cách thức xử lý các khoản nợ xấu vẫn còn lòng vòng.

Theo nhiều chuyên gia, hoạt động của VAMC không thể “tay không bắt giặc” khi với số vốn chỉ 500 tỷ đồng. Vì vậy, trước mắt Chính phủ cần hỗ trợ trong việc hướng dẫn các thủ tục hành chính, tư pháp về vấn đề bán nợ, cộng với các giải pháp đồng bộ khác để đẩy nhanh hơn tốc độ xử lý nợ.

Theo dự kiến đến năm 2015, nghĩa là thời gian không còn nhiều so với mục tiêu đẩy tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3%. Điều này đang đặt ra thách thức không nhỏ cho hệ thống NH nếu vẫn tiếp tục che giấu nợ xấu. Tóm lại, nợ xấu không hẳn đã xấu nếu chúng ta thay đổi cách nhìn về nó để có những giải pháp xử lý phù hợp.

Các tin khác