Trỗi dậy xu hướng ly khai (K3): Những điểm nóng

Cử tri Scotland đã chọn ở lại trong Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm 18-9. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu đã làm thay đổi cục diện chính trị nước Anh, với sự nhượng bộ nhiều hơn của chính quyền trung ương. Xu hướng này dự báo sẽ làm thay đổi cả thế giới, với nhiều khu vực tự trị cũng muốn đạt được độc lập thông qua trưng cầu dân ý.

Cử tri Scotland đã chọn ở lại trong Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm 18-9. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu đã làm thay đổi cục diện chính trị nước Anh, với sự nhượng bộ nhiều hơn của chính quyền trung ương. Xu hướng này dự báo sẽ làm thay đổi cả thế giới, với nhiều khu vực tự trị cũng muốn đạt được độc lập thông qua trưng cầu dân ý.

Trỗi dậy xu hướng ly khai (K2): Cuộc bỏ phiếu lịch sử

Trỗi dậy xu hướng ly khai (K1):Tiền lệ Crimea

Quebec

Quebec là tỉnh bang lớn thứ 2 của Canada, có diện tích gần 1,5 triệu km² - gần gấp 3 lần nước Pháp hay bằng 7 lần Vương quốc Anh. Quebec có cơ cấu như một quốc gia trong Canada, với ngôn ngữ, văn hóa và thể chế riêng biệt. Năm 1995 Quebec tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ 2 trong 15 năm về việc có nên tách ra từ Canada hay không.

Trong khi cuộc bỏ phiếu năm 1980 có 58,2% cử tri không muốn Quebec độc lập, đến năm 1995, tỷ lệ này giảm xuống còn 50,6%, chênh lệch 1% so với số người muốn tách Quebec. Một số đổ lỗi cho câu hỏi trưng cầu được soạn thảo vụng về và dễ gây nhầm lẫn, với hàm ý sự mất mát. Trái ngược với câu hỏi rất đơn giản của Scotland trong tuần trước: “Scotland có nên là quốc gia độc lập?”.

Và câu trả lời cũng chỉ “Yes” hoặc “No”. Trở lại vào năm 1995, các cử tri ở Quebec phải đối mặt với câu hỏi trưng cầu rất rối rắm: “Bạn có đồng ý rằng Quebec nên trở nên có chủ quyền, sau khi đã thực hiện một đề nghị chính thức đến Canada cho một đối tác kinh tế và chính trị mới, trong phạm vi của dự luật tôn trọng tương lai của Quebec và các thỏa thuận ký kết vào ngày 12-6-1995?”.

Tuy nhiên, bản sắc riêng biệt của Quebec vẫn rất rõ ràng khi họ tổ chức lễ hội kỷ niệm lịch sử của tỉnh với cờ màu xanh và trắng bay khắp các thị trấn và thành phố, tiếng Pháp vẫn được sử dụng rộng rãi như một ngôn ngữ chính thức của khu vực. Năm 2006, Quốc hội Canada đã bỏ phiếu công nhận Quebec là “một quốc gia trong Canada thống nhất” để xoa dịu phong trào ly khai. Tất nhiên nhiều nhóm cổ súy ly khai ở Quebec không hài lòng với điều này.

Catalonia

Catalonia là một vùng tự trị của Tây Ban Nha được công nhận chính thức là một quốc gia theo Đạo luật Tự trị Catalonia, đóng góp 1/5 kinh tế Tây Ban Nha. Catalonia chiếm phần lớn lãnh thổ của cựu Công quốc Catalonia, được chia thành 4 tỉnh: Barcelona, Girona, Lleida, và Tarragona. Thủ phủ của Catalonia là Barcelona, thành phố lớn thứ 2 của Tây Ban Nha sau Madrid và là trung tâm của một trong những vùng đô thị lớn nhất ở châu Âu. Diện tích của vùng này 32.114km2, dân số khoảng 7,5 triệu người. Các ngôn ngữ chính là tiếng Catalan, phương ngữ Aran của tiếng Occitan và tiếng Tây Ban Nha; ngôn ngữ ký hiệu Catalan cũng được chính phủ công nhận.

Quốc hội Catalonia hôm 19-9 đã bỏ phiếu phê chuẩn việc trưng cầu độc lập vào ngày 9-11.

Quốc hội Catalonia hôm 19-9 đã bỏ phiếu phê chuẩn
việc trưng cầu độc lập vào ngày 9-11.

Năm thứ 3 liên tiếp, hàng trăm ngàn người đã đổ xuống đường phố Barcelona vào ngày quốc khánh 11-9 của Catalan để yêu cầu chính quyền trung ương cho phép họ tổ chức trưng cầu dân ý về việc trở thành quốc gia độc lập. Những người này muốn tổ chức cuộc trưng cầu, nhưng chính quyền Tây Ban Nha phản đối và gọi đó là vi hiến.

Madrid cho rằng Catalonia đã có quyền tự trị rất lớn, bao gồm quốc hội và cảnh sát riêng, được tự quyết về giáo dục và y tế. Madrid khẳng định Hiến pháp Tây Ban Nha không cho phép bất kỳ khu vực nào trong 17 khu vực của đất nước đơn phương phá vỡ sự thống nhất. Tuy nhiên, một nhân vật chính trị chủ chốt của Catalonia là Oriel Junqueras, lãnh đạo đảng Esquerra Republicana, nói nếu chính quyền Madrid ngăn chặn công dân thực hiện quyền cơ bản của họ là bỏ phiếu, sẽ có nhu cầu bất tuân dân sự.

Những người biểu tình ở Barcelona hồi đầu tháng cũng cho rằng họ vẫn đi bỏ phiếu, bất chấp Madrid cho phép hay không. Dự kiến cuộc trưng cầu sẽ là câu hỏi có 2 phần: “Catalonia có nên thành một nhà nước?”. Những người bỏ phiếu “có” sẽ bỏ tiếp cho câu hỏi thứ hai: “Nhà nước đó có nên độc lập?”. Một cuộc khảo sát dư luận gần đây cho thấy 43% người được thăm dò ủng hộ Catalonia độc lập, bằng số người không ủng hộ, trong khi phần còn lại trả lời “không biết”. Ngày 19-9 vừa qua, Quốc hội Catalonia đã bỏ phiếu thông qua việc tiến hành trưng cầu dân ý vào ngày 9-11.

Trung Quốc

Nhưng bất an nhất có thể là Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc có 5 khu tự trị là Nội Mông, Hồi Ninh Hạ, Tây Tạng, Choang Quảng Tây và Tân Cương. Lo ngại xu hướng ly khai sẽ bùng nổ, tờ Hoàn cầu Thời báo của chính quyền Bắc Kinh đã có bài bình luận gay gắt về cuộc bỏ phiếu độc lập của Scotland: “Nếu Scotland giành được độc lập, Anh sẽ bị giáng cấp từ nước hạng nhất thành nước hạng nhì, một lần nữa phá vỡ sự cân bằng ở châu Âu. Và hậu quả của nó thậm chí có thể gây ảnh hưởng trên địa chính trị quốc tế”.

Tỉnh Tân Cương ở phía Tây, nơi có cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ chiếm đa số, có phong trào đòi độc lập mạnh mẽ nhất. Đã có nhiều cuộc bạo động của người Duy Ngô Nhĩ nổi lên gần đây. Những cuộc tấn công ở nhà ga và những nơi công cộng khác trong và ngoài tỉnh đã khiến chính quyền Bắc Kinh khởi động một chiến dịch chống khủng bố lớn ở Tân Cương, mà những nhóm ly khai gọi là Đông Turkestan.

Tân Cương là một khu vực rộng lớn có diện tích bằng cả Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha cộng lại. Nếu độc lập, nó sẽ là nước lớn thứ 16 trên thế giới. Tân Cương chiếm 1/6 tổng diện tích Trung Quốc, với 21 triệu dân. Tân Cương hiện có sản lượng khai thác dầu khí lớn thứ 2 Trung Quốc (1,1 triệu thùng/ngày), sản lượng khai thác khí đốt chiếm 14% cả nước. Tân Cương còn có trữ lượng than lên tới 2.190 tỷ tấn, cùng sản lượng khai thác 80 triệu tấn/năm, chiếm 40% tổng sản lượng than của Trung Quốc. Tân Cương cũng sở hữu mỏ vàng, đồng, nickel và số mỏ quặng sắt lên tới 1/4 trữ lượng của toàn quốc. Ngoài ra, Tân Cương còn là nơi cung cấp bông lớn nhất Trung Quốc.

Kashmir

Các lãnh đạo ly khai ở Kashmir, Ấn Độ yêu cầu chính quyền nước này ban quyền trưng cầu tương tự như ở Scotland cho khu vực này. Mirwaiz Umar Farooq, lãnh đạo ly khai Kashmir, nói: "Chúng tôi hy vọng Ấn Độ cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận của mình và nhận ra thực tế rằng các quyền của người dân không thể bị chà đạp. Cần khuyến khích những người yêu chuộng hòa bình quyết định tương lai của họ”.

Lãnh thổ Kashmir trở thành một điểm nóng khi Ấn Độ và Pakistan giành độc lập từ tay thực dân Anh vào tháng 8-1947. Theo kế hoạch chia cắt lãnh thổ trong Luật Độc lập Ấn Độ năm 1947, Kashmir được tự do chọn lựa hoặc sáp nhập vào lãnh thổ Ấn Độ, hoặc vào lãnh thổ Pakistan. Hoàng tử Hari Singh của Kashmir lúc đầu muốn độc lập nhưng cuối cùng đã quyết định sáp nhập Kashmir vào lãnh thổ Ấn Độ, giao quyền lực cơ bản của vùng đất này cho chính phủ Ấn Độ, đổi lại vùng đất này nhận được sự hỗ trợ về quân sự và một cuộc trưng cầu dân ý.

Chính quyền trung ương Ấn Độ từng hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để xác định mong muốn của người dân Kashmir. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ thực hiện lời hứa đó. Nay, Ấn Độ lại xem toàn bộ khu vực núi phủ tuyết trắng và những thung lũng màu mỡ là một phần không tách rời trong lãnh thổ của mình và duy trì một sự hiện diện quân sự lớn ở Jammu và Kashmir.

Các tin khác