GSK Trung Quốc bị phạt nửa tỷ đô

Chi nhánh tại Trung Quốc của đại gia dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) hôm 19-9 đã bị chính quyền Bắc Kinh tuyên phạt gần 500 triệu USD với tội danh đưa hối lộ.

Chi nhánh tại Trung Quốc của đại gia dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) hôm 19-9 đã bị chính quyền Bắc Kinh tuyên phạt gần 500 triệu USD với tội danh đưa hối lộ.

Chính quyền Trung Quốc buộc tội GSK hối lộ các bệnh viện và bác sĩ, đưa lại quả bất hợp pháp thông qua các cơ quan du lịch và các hiệp hội ngành công nghiệp dược phẩm để nâng giá thuốc của công ty lên cao, thu về lợi nhuận bất hợp pháp hơn 150 triệu USD. Trong một động thái khá hiếm, các cơ quan cũng truy tố giám đốc người nước ngoài, người điều hành GSK Trung Quốc.

Sau 1 buổi xét xử bí mật kéo dài 1 ngày, tòa án tuyên phạt vị giám đốc người Anh của GSK, Mark Reilly, và 4 nhà quản lý công ty 4 năm tù giam. Nhưng các bản án đã được tạm hoãn, cho phép các bị cáo có thể tránh bị bỏ tù nếu biết lánh xa các rắc rối. Tân Hoa Xã cho biết các bị cáo đã nhận tội và không kháng cáo, và ông Reilly có thể bị trục xuất ngay lập tức. GSK viết trong một thông cáo rằng “hoàn toàn thừa nhận những sự thật và chứng cứ của cuộc điều tra, và bản án của tòa án Trung Quốc”.

Bản án và khoản phạt mới nhất là một bước lùi cho GSK. Khi mới bị cáo buộc lần đầu vào năm ngoái, công ty này cho rằng đó là lỗi của các nhân viên và “nằm ngoài tầm kiểm soát hệ thống”. Công ty cho rằng vụ việc chỉ liên quan một số ít nhân viên người Trung Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay, cảnh sát Trung Quốc đã cáo buộc giám đốc người Anh Reilly đã điều hành một “mạng lưới hối lộ khổng lồ”.

Cảnh sát cáo buộc ông Reilly và 2 cộng sự người Trung Quốc thậm chí đã hối lộ các quan chức chính phủ ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, những người trong ngành dược ở Trung Quốc cho rằng GSK chỉ là một trường hợp điển hình. “Rất khó làm ăn trong ngành y tế và dược phẩm ở Trung Quốc nếu không đưa hối lộ. Mọi người đều đưa hối lộ. Nhưng GSK gặp xui nên đã bị bắt” - David Zweig, Giám đốc Trung tâm Quan hệ xuyên quốc gia của Đại học Khoa học và công nghệ Hồng Công, nói.

Các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc hiện đều cảm nhận được sức ép ngày càng lớn từ phía chính quyền Bắc Kinh. Cùng với những vụ điều tra và các khoản phạt xuất hiện ngày càng nhiều, các công ty đang hồi hộp chờ tới lượt mình bị lên đoạn đầu đài. Trước GSK 1 tuần, các nhà chức trách Trung Quốc đã phạt Volkswagen 40,5 triệu USD với cáo buộc vi phạm luật độc quyền.

Trong một vụ tương tự, 1 tá các nhà sản xuất linh kiện xe hơi Nhật Bản đã bị phạt 200 triệu USD vào tháng trước. Một số nhóm doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đã gửi đơn khiếu nại lên các quan chức Bắc Kinh, cho rằng những hành động “đàn áp pháp lý” của các cơ quan chức năng Trung Quốc là nỗ lực phân biệt đối xử với với các công ty đa quốc gia và giúp các công ty Trung Quốc cạnh tranh.

Cụm từ “chủ nghĩa dân tộc kinh tế” ngày càng được các lãnh đạo công ty đa quốc gia dùng nhiều hơn khi nói về các vụ điều tra của chính quyền. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã bác những đơn khiếu nại này. Tân Hoa Xã cho rằng vụ án GSK cho thấy “một Trung Quốc mở không phải là một Trung Quốc vô luật lệ”.

Ngược lại, các nhà quan sát cho rằng trường hợp của GSK làm nổi bật tình trạng nguy hiểm của các công ty đa quốc gia khi lựa chọn tiếp tục làm ăn ở một đất nước nơi tham nhũng hoành hành và hệ thống pháp luật và quy định khiến việc truy tố các công ty nước ngoài dễ dàng hơn.

2 luật sư chống độc quyền liên quan đến các vụ điều tra khác cho biết trong hầu hết vụ việc, các quan chức Trung Quốc có vẻ rất nôn nóng. Đôi khi họ tiến hành cuộc điều tra chỉ trong vài tuần, và các công ty đa quốc gia có rất ít cơ hội để giải trình. 2 luật sư giấu tên này cho biết trong một số vụ chống độc quyền mùa hè này, giám đốc điều hành các công ty đa quốc gia thậm chí không được phép mang theo luật sư của mình đến các cuộc họp với các nhà chức trách. Trong nhiều trường hợp, các nhà chức trách yêu cầu các công ty đa quốc gia phải giảm mạnh giá bán. GSK và nhiều nhà sản xuất xe hơi đã phải làm điều đó.

Các tin khác