Đìu hiu phim đặt hàng

Từ ngày điện ảnh được xã hội hóa, những bộ phim làm bằng ngân sách trở thành ẩn số của cộng đồng. Nhiều mối quan hệ khéo léo được vận dụng để xin Nhà nước hỗ trợ kinh phí sản xuất, khiến chất lượng và hiệu quả các phim đặt hàng càng ngày càng mờ mịt. Dư luận một phen ngỡ ngàng khi biết bộ phim “Sống cùng lịch sử” được đầu tư 21 tỷ đồng, nhằm kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sau khi đưa ra rạp đã thất bại thê thảm về mặt doanh thu. Thậm chí, suốt 2 tuần treo biển công chiếu tại Rạp Kim Đồng ngay trung tâm thủ đô Hà Nội, hoàn toàn không bán được vé nào. Giới mộ điệu lại thêm một lần ê chề về nỗi ám ảnh phim đặt hàng cứ tuần tự quy trình ồn ào dàn dựng, giới thiệu lấy lệ rồi lặng lẽ đem cất vào kho.

Từ ngày điện ảnh được xã hội hóa, những bộ phim làm bằng ngân sách trở thành ẩn số của cộng đồng. Nhiều mối quan hệ khéo léo được vận dụng để xin Nhà nước hỗ trợ kinh phí sản xuất, khiến chất lượng và hiệu quả các phim đặt hàng càng ngày càng mờ mịt.


Dư luận một phen ngỡ ngàng khi biết bộ phim “Sống cùng lịch sử” được đầu tư 21 tỷ đồng, nhằm kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sau khi đưa ra rạp đã thất bại thê thảm về mặt doanh thu.

Thậm chí, suốt 2 tuần treo biển công chiếu tại Rạp Kim Đồng ngay trung tâm thủ đô Hà Nội, hoàn toàn không bán được vé nào. Giới mộ điệu lại thêm một lần ê chề về nỗi ám ảnh phim đặt hàng cứ tuần tự quy trình ồn ào dàn dựng, giới thiệu lấy lệ rồi lặng lẽ đem cất vào kho.

Bộ phim “Sống cùng lịch sử” do Đoàn Tuấn viết kịch bản, Nguyễn Thanh Vân làm đạo diễn. Cả 2 người quyết định hồn vía “Sống cùng lịch sử” đều có dây mơ rễ má với những nhân vật có tiếng tăm và có chức vụ trong ngành điện ảnh. Vì vậy, kinh phí rót cho đoàn làm phim tương đối dễ dàng và nhanh chóng. Trớ trêu thay, không tích cực phản biện cũng không trình độ cố vấn, đã dẫn đến thảm cảnh bẽ bàng: khán giả quay lưng với một bộ phim được nhiều kỳ vọng trên bàn giấy của các nhà quản lý văn hóa.

Có nhiều nguyên nhân cho thất bại của “Sống cùng lịch sử”. Người xem có thể lý giải do không có sự góp mặt của diễn viên thượng thặng, còn ê-kíp thực hiện có thể lý giải do không có chiến lược quảng bá... Tuy nhiên, ngay cái tên phim đã bộc lộ sự hồn nhiên quá mức. “Sống cùng lịch sử” muốn đề cập giai đoạn nào, về những ai, về sự kiện gì? Vậy mà kỳ lạ thay, hội đồng xét duyệt vẫn hào hứng chấp nhận và gật đầu chi tiền.

21 tỷ đồng tích cóp từ thuế của người dân xem như đổ sông đổ bể. Nỗi hổ thẹn này đâu chỉ riêng đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam, mà còn có trách nhiệm của Cục Điện ảnh. Không thể ngụy biện rằng phim nghệ thuật phải thưa vắng. Kiểu lập luận ấy sẽ xúc phạm thẩm mỹ đang ngày càng cao của số đông quần chúng. Bây giờ kết nối toàn cầu, người Việt đã biết thưởng thức những kiệt tác điện ảnh, kể cả phim kinh điển lẫn phim vừa đoạt giải Oscar. Làm phim bằng ngân sách, cái cần đầu tiên là lòng tự trọng của nghệ sĩ, đừng “cố đấm ăn xôi” chen nhau tạo ra những thước phim tầm thường và vô vị.

Các tin khác