Làm gì để khơi thông tín dụng?

Tái cấu trúc nguồn nợ cũ

Vấn đề lúc này không phải lãi suất cao hay thấp mà làm sao phải tái cấu trúc được nguồn nợ cũ doanh nghiệp mới mạnh dạn vay để tổ chức chu kỳ sản xuất mới.

Vấn đề lúc này không phải lãi suất cao hay thấp mà làm sao phải tái cấu trúc được nguồn nợ cũ doanh nghiệp mới mạnh dạn vay để tổ chức chu kỳ sản xuất mới.

Liên tiếp trong 2 năm qua lãi suất cho vay đã giảm, các chính sách tín dụng cũng có thay đổi lớn, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, ngành nghề cũng vào cuộc thông qua những chương trình kết nối NHTM và doanh nghiệp. Đây là những động thái rất tích cực và có trách nhiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua cơn khốn khó. Song cần phải xem lại gốc rễ của vấn đề để tìm hiểu nguyên nhân vì sao dòng tín dụng vẫn còn bị nghẽn, nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận vốn vay.

Với doanh nghiệp có thể chia làm 2 dạng. Thứ nhất, doanh nghiệp đang hoạt động tốt, có uy tín lâu nay với NH nên việc tiếp cận vốn vay rất dễ dàng, thậm chí còn được nhiều NHTM săn đón, chào mời vay vốn với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, số lượng những doanh nghiệp thuộc dạng này rất ít. Thứ hai, những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ đang vướng những khoản nợ cũ với NH nên muốn được vay vốn phải giải quyết được nợ cũ. Số lượng doanh nghiệp nằm trong dạng này hiện nay khá nhiều.

Chính vì lẽ đó, vấn đề lúc này không phải lãi suất cao hay thấp, mà chính là làm như thế nào để tái cấu trúc nguồn nợ cũ cho doanh nghiệp, giúp họ mạnh dạn vay vốn để tổ chức những chu kỳ sản xuất mới. Hiện tại có khá nhiều doanh nghiệp vướng phải những khoản vay trung, dài hạn với mức lãi suất 13%/năm, thậm chí 15%/năm, nhưng khi tình hình thay đổi doanh nghiệp vẫn phải cõng lãi vay này nên rất khó vay mới.

Thực trạng này đang khiến bức tranh chung nghịch lý của thị trường hiện nay: người muốn vay nhưng không vay được, trong khi NH muốn cho vay vốn nhưng không giải ngân được vì điều kiện 2 bên không gặp nhau. Để giải quyết vấn đề này rất cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước bằng một cơ chế nhất định, bởi tự thân các NHTM không làm được.

Cũng phải nói thêm không nên trách phía NH vì họ cũng là doanh nghiệp, bản thân họ cũng đang hết sức nỗ lực tìm mọi phương án, tung ra nhiều gói vay, đặc biệt các gói vay ngắn hạn để doanh nghiệp có thể tiếp cận được. NH giờ không còn khó khăn như xưa, họ đã chủ động tìm đến các doanh nghiệp.

Thêm một nút thắt nữa khiến việc khơi thông dòng tín dụng gặp khó khăn là sức mua thị trường còn quá yếu. Hiện nay, do kinh tế khó khăn trong một thời gian tương đối dài, người tiêu dùng đang dần hình thành thói quen chi tiêu dè xẻn, điều này khiến doanh nghiệp phải cân nhắc trong việc vay vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Các biện pháp kích cầu vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Toàn bộ nền kinh tế đang bị chậm lại. Doanh nghiệp không dám đầu tư sản xuất mới, cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi tăng giá sản phẩm dù phải đứng trước nhiều sức ép từ giá nguyên liệu đầu vào. Tất cả đang làm nên vòng luẩn quẩn chưa tìm được lối ra.

Câu chuyện vay tín chấp cũng được nói đến khá nhiều, thực ra đây là nghiệp vụ tín dụng mà NHTM nào cũng có nhưng bối cảnh này được nói đến nhiều hơn. Song với nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đi lên từ các hộ gia đình với phương án quản trị, kinh doanh, mức độ khả thi của dự án không rõ ràng cũng khó tiếp cận với hình thức vay này, bởi khi cho vay NH phải thẩm định rất kỹ lưỡng. Chính vì thế việc tiến dần đến các phương thức quản trị hiện đại là hết sức cần thiết và quan trọng với các doanh nghiệp không chỉ trong bối cảnh hiện nay.

Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng còn rất chậm. Vì thế thật khó để có thể đánh giá được khi nào tín dụng mới thực sự được khơi thông. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, NHTM và của chính doanh nghiệp.

Các tin khác