Lo ngại khai thác nước ngầm

Trong những năm gần đây, việc khai thác nước ngầm tràn lan đã khiến hiện tượng lún xảy ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TPHCM. Vậy nhưng, dù người dân lên tiếng phản đối và cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, thực trạng trên vẫn đang là thách thức lớn.

Trong những năm gần đây, việc khai thác nước ngầm tràn lan đã khiến hiện tượng lún xảy ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TPHCM. Vậy nhưng, dù người dân lên tiếng phản đối và cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, thực trạng trên vẫn đang là thách thức lớn.

Ô nhiễm tiếng ồn

Nhiều hộ dân có đơn phản ánh Cơ sở sản xuất nước đá viên Đại Anh (104 Dương Văn Dương, phường Tân Quý, quận Tân Phú) khai thác nước ngầm để sản xuất nước đá. Cơ sở này được UBND quận Tân Phú cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với quy mô 3 hệ thống sản xuất. Tuy nhiên theo người dân, việc khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất nước đá viên của Đại Anh về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, tăng nguy cơ sụt lún đất và mất an toàn cho các công trình nhà ở xung quanh.

Ông Lê Vĩnh Tường, sống cạnh nhà máy nước đá, bức xúc kể từ khi Đại Anh vận hành hệ thống sản xuất, cuộc sống người dân xung quanh bị đảo lộn. “Suốt 7-8 tháng nay, chủ cơ sở Đại Anh cho vận hành hệ thống ra đá với công suất tối đa cả ngày lẫn đêm, đặc biệt từ 1 giờ đêm đến 5 giờ sáng, gây tiếng ồn cực lớn. Bà con trong khu vực ai nấy đều lên tiếng phản đối nhưng người chủ vẫn phớt lờ” - ông Tường cho biết.

Ngày 14-7, UBND quận Tân Phú đã tiến hành kiểm tra, đo đạc tiếng ồn tại cơ sở này và ra quyết định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường 30 triệu đồng. Cụ thể, trong quá trình sản xuất, đơn vị này đã gây ra tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10dBA đến dưới 15dBA (quy định tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết Cơ sở sản xuất nước đá viên Đại Anh đã được Sở Tài nguyên - Môi trường cấp phép ngày 23-6-2014, với tổng lượng nước khai thác 15m3/ngày đêm, thời hạn khai thác 3 năm. Như vậy Đại Anh mới được cấp phép khai thác nước ngầm khoảng 2 tháng rưỡi, nhưng theo phản ánh của người dân, hoạt động này đã diễn ra từ trước đó.

Cũng theo ông Dũng, đến nay Đại Anh vẫn chưa tiến hành nộp phạt, trong khi quy định phải đóng phạt trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra quyết định. Vì vậy, quận đang xem xét ra quyết định cưỡng chế thi hành, yêu cầu Đại Anh nộp phạt, đồng thời khắc phục tiếng ồn. Nếu không khắc phục được, quận sẽ vận động chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời đến vị trí khác xa khu dân cư.

Từ năm 2007, UBND TP đã có Quyết định 69 hạn chế, cấm khai thác nước ngầm trên địa bàn của 29 phường thuộc 13 quận. Đầu năm 2014, để tăng cường ngăn chặn tình trạng khai thác nước ngầm trên địa bàn, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các địa phương nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm ở những nơi trong vùng hạn chế khai thác. Riêng những nơi chưa có nước sạch, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn phải tìm cách để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho người dân.

Nguy cơ lún trên diện rộng

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, đến năm 2020, nhiều khu vực ở TPHCM tiếp tục lún thêm 12-22cm. Kết quả khảo sát, quan trắc lún tự nhiên ở khu vực ÐBSCL và Ðông Nam bộ, do các chuyên gia Trường Ðại học Khoa học tự nhiên (Ðại học quốc gia TPHCM), cho thấy ở quận 6 tốc độ lún trung bình 5-20cm/năm; thị trấn An Lạc (quận Bình Tân) 12cm/năm; nhiều khu vực của các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Ðức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có tốc độ lún trung bình 15cm/năm.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lún nhanh do khai thác nước ngầm tràn lan. Nếu năm 1999 toàn TP có khoảng 100.000 giếng khai thác nước ngầm, mật độ trung bình 46 giếng/km2, nay đã tăng lên hơn 200.000 giếng khoan với tổng công suất khai thác trên 1 triệu m3/ngày đêm, gấp 5 lần so với quy hoạch được phê duyệt.

Khoan giếng khai thác nước ngầm ở TPHCM.

Khoan giếng khai thác nước ngầm ở TPHCM.

Vừa qua, các cơ quan chức năng đã trình UBND TP bản đồ vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm. Theo đó, tổng diện tích vùng cấm khai thác nước ngầm trên địa bàn TPHCM là 195km2; vùng hạn chế khai thác 1.268km2; vùng được khai thác 572km2 (chủ yếu ở quận 12, Hóc Môn và Củ Chi).

Vùng đề xuất cấm khai thác nước ngầm là vùng có mực nước hạ thấp lớn, nguy cơ lún đất xảy ra mạnh, gần ranh mặn và có bãi rác lớn. Diện tích vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm phân bố nhiều ở khu công nghiệp, khu dân cư và các nhà máy sử dụng nước ngầm lớn.

Các tin khác