Liên thông thủ tục công chứng, đất, thuế

Hiện nay, để thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, người sử dụng đất phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác nhau.

Hiện nay, để thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, người sử dụng đất phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính khác nhau.

Các quy định đó nằm rải rác ở Luật Đất đai 2013, Bộ Luật Dân sự, Luật Công chứng, Luật Quản lý thuế và các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết các luật này. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, để thực hiện quyền của người sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất và giao dịch bảo đảm phải qua 10 thủ tục; công chứng hợp đồng, giao dịch là 13 và thuế 3 thủ tục.

Dù đã có nhiều cải cách để đáp ứng yêu cầu, tạo thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện, nhưng thực tế việc thực hiện thủ tục lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là không có một quy trình thủ tục liên thông đầy đủ, thống nhất, đơn giản giúp người sử dụng đất hoàn thành việc thực hiện các quyền của mình theo quy định.

Thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tư pháp đang xây dựng để trình Chính phủ đề án liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất và thuế. Cụ thể, cắt giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện gắn với tiết kiệm tối đa chi phí làm các thủ tục công chứng, đăng ký đất đai và thuế. Dự kiến quy trình thực hiện thủ tục liên thông gồm 6 bước. Trong đó, đầu mối tiếp nhận ký hoặc không ký hợp đồng tổ chức hành nghề công chứng. Nếu ký hợp đồng, các quy trình về hồ sơ liên quan đến thẩm định được chuyển qua văn phòng đăng ký đất đai, thuế do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện... Cá nhân, tổ chức, hộ gia đình nhận kết quả tại tổ chức hành nghề công chứng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc áp dụng thực hiện mô hình liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế sẽ giúp cá nhân, tổ chức, hộ gia đình giảm số lần đi lại làm thủ tục hành chính khi chỉ phải đi đến 1 đầu mối là tổ chức hành nghề công chứng để nộp hồ sơ và nhận kết quả, thay vì phải đi lại 8-10 lần.

Tuy nhiên, việc triển khai đề án này dự kiến vấp phải những khó khăn có thể xảy ra. Chẳng hạn, tổ chức hành nghề công chứng tiếp nhận và nắm giữ giấy tờ nhà đất và tiền thuế của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình thiếu cơ chế quản lý và trách nhiệm. Hay cơ chế phối hợp giữa tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế và một số cơ quan liên quan nếu chỉ một khâu bị ách tắc sẽ kéo theo cả chuỗi thủ tục bị ảnh hưởng.

Như vậy, vấn đề thuộc phạm vi về ý thức, trách nhiệm, đạo đức hành nghề của công chức, viên chức, người được ủy quyền tiếp nhận, giải quyết thủ tục. Để hạn chế những bất cập khi thực hiện thủ tục liên thông, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, sau khi đề án được phê duyệt, các bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp xây dựng thông tư liên tịch, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, thời hạn giải quyết, quy trình, thủ tục liên thông, thống nhất triển khai thực hiện.

Dự kiến tháng 6-2015 bắt đầu thực hiện thủ tục liên thông.

Các tin khác