2 ông Dũng với số phận con cá tra

Số phận con cá tra Việt Nam trong hiện tại và tương lai gắn bó mật thiết đến 2 nhân vật cùng tên Dũng là ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP),  và ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá Tra Việt Nam (VN-Pangasius). Mỗi ông có một quan điểm khác nhau về Nghị định 36 về việc nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Số phận con cá tra Việt Nam trong hiện tại và tương lai gắn bó mật thiết đến 2 nhân vật cùng tên Dũng là ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP),  và ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá Tra Việt Nam (VN-Pangasius). Mỗi ông có một quan điểm khác nhau về Nghị định 36 về việc nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Vì quyền lợi doanh nghiệp

Bày tỏ quan điểm về Nghị định 36, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp (DN) cá tra hoàn toàn ủng hộ chủ trương nhằm thay đổi hiện trạng ngành cá tra Việt Nam đang khó khăn sau thời gian dài phát triển nóng và thiếu quy hoạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu cá tra hồi phục chậm sau khủng hoảng kinh tế thế giới, đặc biệt Hoa Kỳ đã giảm nhập khẩu do tác động của vụ kiện chống bán phá giá, Nga vẫn tồn tại những vướng mắc về thủ tục và các thị trường khác chủ yếu nhập khẩu cá tra phi lê ở mức giá không cao, khiến DN cá tra gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Nghị định 36 khiến DN không kịp trở tay. Với vai trò đại diện quyền lợi cộng đồng DN và theo yêu cầu của 30 DN cá tra, cuối tháng 8 vừa qua, ông Hữu Dũng đã thay mặt VASEP ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức buổi đối thoại công khai trong tháng 9 giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-TPNT) với VASEP, có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, VCCI.

Chế biến cá tra suất khẩu.

Chế biến cá tra suất khẩu. 

Trong văn bản này, VASEP kiến nghị nhiều nội dung, như thay vì quy định tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% tại Nghị định 36, chỉ cần quy định DN phải ghi rõ trọng lượng tịnh trên nhãn hàng hóa (hoặc tỷ lệ mạ băng) đối với sản phẩm phi lê cá tra xuất khẩu, phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.

Thứ hai,  kiến nghị bỏ quy định hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm, đồng thời đề nghị Bộ NN-PTNN nghiên cứu để có cơ sở khoa học và thực tiễn quy định hàm lượng nước tối đa cho phép, lộ trình hợp lý để giảm dần hàm lượng nước trong phi lê đông lạnh cá tra xuất khẩu. Thứ ba, bãi bỏ thủ tục đăng ký xuất khẩu cá tra với VN-Pangasius.

Cuối cùng, kiến nghị bỏ quy định về thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra vì điều này đi ngược chủ trương của Chính phủ tìm mọi biện pháp để tiết giảm các khoản phí và lệ phí thu của DN.

Ngày 5-9, Bộ NN-PTNT đã có văn bản bác bỏ những ý kiến đề xuất và đề nghị đối thoại của VASEP liên quan đến Nghị định 36. Theo đó, bộ này khẳng định Nghị định 36 và Thông tư hướng dẫn thi hành được ban hành từ việc bám sát thực tế hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra cũng như yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở nước ta, nhất là các nội dung về đăng ký diện tích, sản lượng nuôi cá tra, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi, quản lý chất lượng, đăng ký hợp đồng xuất khẩu để người dân, DN thực hiện thuận lợi.

Bộ NN-PTNT cho biết các thủ tục hành chính trong Nghị định 36 đều được đơn giản hóa theo hướng giảm thiểu tối đa, không gây phiền hà cho DN và người nuôi cá tra. Quá trình soạn thảo thông tư nêu trên, đơn vị chủ trì soạn thảo là Tổng cục Thủy sản đã tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và tổ chức 8 cuộc họp tổ soạn thảo cũng như đại diện các đơn vị có liên quan để góp ý. Các buổi đối thoại đã được tiến hành trên cơ sở dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và thiện chí, tiếp tục giải đáp vướng mắc, làm rõ các vấn đề có tính nguyên tắc trong quản lý điều kiện ngành hàng cá tra để chấn chỉnh lại, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Hay phát triển bền vững

Trái ngược với quan điểm của VASEP, VN-Pangasius cho rằng để giúp ngành cá tra phát triển bền vững cần triển khai thực hiện tốt Nghị định 36. Theo ông Võ Hùng Dũng, sự phát triển ngành cá tra lâu nay được dựa trên yếu tố lợi thế so sánh nhưng các yếu tố này đã cạn kiệt.

Đồng thời, ngành cá tra Việt Nam đã có những bước thay đổi rất lớn từ sau năm 2010 như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu: suy giảm ở khối EU, gia tăng ở các thị trường ngoài EU và Hoa Kỳ; thay đổi kết cấu chuỗi giá trị: hộ nuôi nông dân thu hẹp, vùng nuôi DN chế biến gia tăng, tính khép kín nội bộ gia tăng; nguồn vốn đầu tư vào ngành kể cả tín dụng ngân hàng suy giảm mạnh. Sự khó khăn liên tiếp nhiều năm cho thấy mức độ hợp tác không tốt trong nội bộ ngành cá tra, đồng thời cũng có phần tác động từ chính sách và thị trường.

“Để xây dựng ngành cá tra bền vững trước tiên các phân tích về liên kết chuỗi cần khách quan, đầy đủ các yếu tố cấu thành, tránh thiên lệch. Chẳng hạn hộ nuôi trong khi khẳng định phần đúng về mình đổ lỗi cho các DN chế biến xuất khẩu, các DN đổ tại chính sách. Cả hộ nuôi và DN đổ lỗi vào ngân hàng, các ngân hàng cho rằng DN không trung thực… Chừng nào còn thái độ thiếu hợp tác và mỗi người đeo đuổi lợi ích riêng của mình ngành cá tra còn gánh thêm nhiều khó khăn. Vì vậy chia sẻ lợi ích, hợp tác cần được xem là phương châm hành động của ngành” - ông Hùng Dũng khẳng định.

Theo ông Võ Hùng Dũng, giải pháp cấp bách là xây dựng hệ thống cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ và minh bạch. Hệ thống thông tin mang tính toàn ngành, kết hợp truy xuất nguồn gốc phục vụ cho hệ thống quản trị  cho cả chuỗi. Kế đến là thể chế mối liên kết giữa DN và hộ nuôi thông qua hợp đồng về bao tiêu sản phẩm đầu ra, cung cấp giống, vật tư, thức ăn, kỹ thuật. Bên cạnh đó, xây dựng liên kết 3 bên giữa ngân hàng - người nuôi cá tra - DN chế biến xuất khẩu.

Đề nghị ngân hàng hợp tác với ngành cá trong xử lý nợ, phân tích và phân chia các nhóm DN để có phương án tái cấu trúc, phương án cho vay đảm bảo lợi ích cho cả đôi bên. Ngân hàng cũng cần xây dựng phương thức cho vay và phương thức thanh toán mới nhằm tăng hiệu quả đồng vốn, phòng ngừa rủi ro. Thông qua cơ chế tín dụng của ngân hàng giúp cho mối quan hệ giữa DN và hộ nuôi cá tra được minh bạch sòng phẳng nhằm tăng tính hiệu quả của  đồng vốn.

Các tin khác